Khó lường căng thẳng Nga – phương Tây

Khó lường căng thẳng Nga – phương Tây

Phương Tây tiếp tục đưa ra cảnh báo mới và tìm kiếm một mặt trận thống nhất để đối phó Nga trong lúc cáo buộc Moscow chuẩn bị tấn công Ukraine.

 

 

Dù Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Ukraine sau khi điều hơn 100.000 binh sĩ đóng gần biên giới hai nước, Mỹ và Canada tiếp tục cảnh báo về nguy cơ này và những hậu quả liên quan.

“Sẽ là thảm họa đối với Nga”

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington D.C ngày 19.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo với Nga rằng Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Ukraine, theo AFP. Ông Biden còn tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẵn sàng gây ra các tổn thất nghiêm trọng cho Nga cũng như nền kinh tế Nga nếu Moscow tấn công Ukraine.

Khó lường căng thẳng Nga - phương Tây - ảnh 1
Xe tăng T-72B3 của Nga tham gia tập trận vào tháng 12.2021 REUTERS

“Nếu họ thật sự làm điều mà họ có khả năng làm với lực lượng tập trung ở khu vực biên giới, đó sẽ là một thảm họa đối với Nga”, ông Biden phát biểu tại cuộc họp báo. Tổng thống Biden cho hay ông không tin Tổng thống Vladimir Putin muốn chiến tranh, nhưng cho rằng nhà lãnh đạo Nga đã tạo ra tình hình có thể dễ dàng vượt tầm kiểm soát ở khu vực.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden dường như có sự mâu thuẫn khi ông nói rằng nếu không phải là một cuộc tấn công nghiêm trọng từ Nga, thì NATO sẽ có cuộc đáp trả nhẹ hơn. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhanh chóng chỉ trích Tổng thống Biden, cáo buộc ông gián tiếp đồng ý một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga nhắm vào Ukraine.

Nhà Trắng lập tức làm rõ phát biểu của Tổng thống Biden. “Nếu bất kỳ lực lượng quân sự Nga vượt sang biên giới của Ukraine, đó sẽ một cuộc xâm lược mới và sẽ gặp phải sự phản ứng nhanh chóng, cứng rắn và mang tính đoàn kết từ Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo trong tuyên bố theo sau phát biểu của Tổng thống Biden.

Ngoài ra, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 19.1 cho hay nước này lo sợ một cuộc xung đột có thể bùng phát ở Ukraine và đang làm việc với các đồng minh để làm rõ với Nga rằng bất kỳ hành động gây hấn mới nhắm vào Kiev là không thể chấp nhận, theo Reuters. Ngày 18.1, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho hay Ottawa sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp về việc cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine.

Cuộc gặp Mỹ – Nga

Những cảnh báo trên được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Geneva (Thụy Sĩ) vào hôm nay 21.1 (giờ địa phương). Đây là cuộc gặp mới theo sau 3 cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây vừa qua mà không mang lại đột phá nào cho việc hạ nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine. Trước thềm cuộc gặp với ông Lavrov, nhà ngoại giao Mỹ hôm qua đã đến Berlin dự cuộc họp với các đồng minh châu Âu như là một phần trong chuyến đi ngoại giao của ông nhằm ngăn chặn Nga thực hiện cuộc tấn công tiềm tàng nhắm vào Ukraine, theo AFP. Ngoại trưởng Blinken được cho là tìm kiếm một mặt trận thống nhất với những người đồng cấp Pháp và Đức trong việc đối phó Nga.

Các đồng minh NATO gần đây tỏ dấu hiệu họ sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhưng Moscow đòi một phản ứng bằng văn bản cho những đề nghị của mình về đảm bảo an ninh, trong đó có đề nghị NATO dừng mở rộng quân sự về phía đông.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken ngày 19.1 tuyên bố ông sẽ không đưa ra phản ứng chính thức như thế tại cuộc hội đàm nói trên với Ngoại trưởng Lavrov, theo AFP. “Chúng tôi cần xem chúng tôi đang ở đâu và liệu còn có cơ hội theo đuổi ngoại giao và đối thoại hay không”, ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo sau khi gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tiết lộ các chuyên gia quân sự nước này đang cung cấp nhiều lựa chọn cho Tổng thống Putin trong trường hợp tình hình Ukraine trở nên tồi tệ hơn, nhưng nhấn mạnh vẫn ưu tiên ngoại giao.

Mỹ cho phép 3 nước gửi vũ khí đến Ukraine

Reuters ngày 20.1 dẫn 3 nguồn tin cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã bật đèn xanh cho Lithuania, Latvia và Estonia gửi tên lửa do Mỹ chế tạo và những vũ khí khác đến Ukraine. Theo quy định về kiểm soát xuất khẩu, các nước phải có được sự hậu thuẫn từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi chuyển bất kỳ vũ khí họ nhận từ Mỹ đến quốc gia thứ 3. Những thỏa thuận chuyển giao vũ khí cho bên thứ 3 sẽ cho phép Estonia chuyển tên lửa chống tăng Javelin, còn Lithuania sẽ được phép chuyển tên lửa phòng không Stinger, theo các nguồn tin.

 

VĂN KHOA

TNO