24/11/2024

Hàng ngàn bệnh nhân hậu COVID-19 đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, làm việc tí đã mệt…

Hàng ngàn bệnh nhân hậu COVID-19 đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, làm việc tí đã mệt…

Các bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám với các triệu chứng như khó thở, đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, làm việc nhanh mệt… Nhiều người trẻ không từng có triệu chứng cũng bị hậu COVID-19.

 

Hàng ngàn bệnh nhân hậu COVID-19 đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, làm việc tí đã mệt... - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân để họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe hậu COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, nhìn bên ngoài vẫn thấy bình thường nhưng khi làm việc rất nhanh mệt. Những người trước đây làm việc đến 1h – 2h sáng, giờ đến tối đã thấy mệt, không thể thức khuya.

Khó thở, đuối sức

Một bệnh nhân nữ, 30 tuổi, nhiễm COVID-19 nặng. Trong quá trình điều trị phải thở oxy dòng cao (HFNC). Sau khi xuất viện được 6 tuần, bệnh nhân được tái khám ở khu vực hậu COVID-19 Bệnh viện Nhân dân Gia Định và kết quả hình ảnh CT lồng ngực ghi nhận phổi kín mờ.

Khi bệnh nhân đi 10 bước thì SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) đã tụt từ bình thường xuống dưới 90% (giá trị SpO2 xuống dưới 95% là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy).

Trong 40 ngày qua, từ ngày 1-12-2021 đến ngày 10-1-2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận 1.021 bệnh nhân đến khám ở nhiều chuyên khoa do các vấn đề sức khỏe sau nhiễm COVID-19. Đa số bệnh nhân đến khám vì mệt mỏi, suy nhược cơ thể, rối loạn tinh thần.

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết số bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến bệnh viện điều trị tăng lên nhiều. Nếu một ngày trong tháng 11, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám thì hiện nay trung bình một ngày có 150 – 180 bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám.

Một tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám. Người bệnh đến khám than có những triệu chứng như khó thở, đuối sức, hụt hơi, rụng tóc… Một số bệnh nhân kể họ cảm thấy làm việc nhanh mệt.

TS Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp bệnh viện này, cho biết các triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, bộ phận trên cơ thể con người với khoảng 200 triệu chứng ở khắp cơ thể, trong đó phổ biến nhất là ở đường hô hấp.

Trong một hội nghị gần đây của ngành y tế, TS Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong số bệnh nhân mắc di chứng COVID-19 khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có 510 người bị các triệu chứng hô hấp (chiếm gần 50%), 182 người có triệu chứng thần kinh, 134 trường hợp mắc các triệu chứng tim mạch, 180 bệnh nhân có vấn đề về nội tiết, 66 ca mắc bệnh lý tiêu hóa, 49 người gặp triệu chứng cơ xương khớp.

Triệu chứng dai dẳng kéo dài

Từ tháng 10-2021, thế giới có những định nghĩa chính thức về hội chứng hậu COVID-19. Đây là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc nhiễm hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, có những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất 2 tháng trở lên.

Những triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, có cả triệu chứng tâm thần kinh, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể là những triệu chứng mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID-19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh.

Hiện có gần 2% dân số Việt Nam nhiễm COVID-19 nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trong cộng đồng. Nhưng số liệu trên cho thấy số người bị hậu COVID-19 sẽ rất lớn. Riêng tại TP.HCM, đến nay hơn nửa triệu người dân mắc COVID-19 với hơn 300.000 người xuất viện. Những người từng nằm viện hầu hết là bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng, nguy kịch.

Một số thống kê ghi nhận có khoảng 33 – 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính của bệnh, trong đó 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi chăm sóc trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch cần nhập viện hoặc lớn tuổi, có bệnh nền mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, mắc bệnh nhẹ.

Ngay cả bệnh nhân không có triệu chứng cũng bị hậu COVID-19. Trong đó, khoảng 1/5 bệnh nhân độ tuổi 18 – 34, không nhập viện, không triệu chứng vẫn có triệu chứng hậu COVID-19.

Phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 lứa tuổi 17 – 87, thời gian 14 – 110 ngày sau nhiễm COVID-19, ghi nhận 55 nhóm tác động lâu dài với nhiều triệu chứng, hậu quả để lại trên cơ thể.

Khoảng 80% bệnh nhân từng nhiễm có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài, thậm chí có ghi nhận đến 5 triệu chứng.

Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19

Năm 2022, bên cạnh phát huy các thành quả chống dịch đã đạt được, ngành y tế TP.HCM sẽ tập trung chăm lo giai đoạn hậu COVID-19.

Ngành y tế TP.HCM đã đề ra mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là xác định mô hình của bệnh nhân hậu COVID-19 trên địa bàn, những triệu chứng nào nổi bật? Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, nâng tầm năng lực chăm sóc cho người hậu COVID-19, đặc biệt là y tế cơ sở.

Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19 được Sở Y tế TP.HCM triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm. Mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

Trong thời gian chờ Bộ Y tế cập nhật, ban hành phác đồ điều trị hậu COVID-19, thành phố sẽ tập hợp các chuyên gia để có hướng dẫn tạm thời. Hiện dữ liệu hậu COVID-19 còn thiếu, chứng cứ chưa đầy đủ nên thành phố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phân tích các biểu hiện lâm sàng, phương pháp điều trị và đánh giá hiệu quả.

Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 3 tầng

Trước tình trạng có nhiều bệnh nhân bị hậu COVID-19, ông Dũng cho biết mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 của thành phố cũng thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng 2 là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng 3 là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch). Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.

THUỲ DƯƠNG
TTO