Việt Nam trở thành ‘công xưởng’ của Nike

Việt Nam trở thành ‘công xưởng’ của Nike

Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho Hãng Nike, với hơn 50% sản lượng giày của hãng này được gia công, sản xuất tại Việt Nam. Hãng Nike cũng sẵn sàng tăng thêm đơn hàng nếu VN vẫn còn dư địa phát triển.

 

Việt Nam trở thành công xưởng của Nike - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất giày cho các thương hiệu lớn trên thế giới tại nhà máy ở TP.HCM – Ảnh: N.H.

Đó là khẳng định của bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da – giày và túi xách Việt Nam, khi trao đổi với Tuổi Trẻ nhân sự kiện Việt Nam vươn lên dẫn đầu các nước gia công, sản xuất giày lớn nhất cho Hãng Nike.

Bà Xuân nói: Việc Nike gia công và xuất khẩu từ Việt Nam với tỉ trọng lớn và ngày càng gia tăng hơn, với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, góp phần tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động.

* Vì sao Hãng Nike chọn VN là “công xưởng” gia công, sản xuất giày với sản lượng và quy mô lớn nhất, thưa bà?

– Việt Nam có nhiều lợi thế để duy trì vị thế trong ngành xuất khẩu giày dép, chỉ đứng sau Trung Quốc. Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh dù có tăng trong những năm qua.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng thay đổi về thị hiếu, đặc biệt là với người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng những sản phẩm giày “made in Vietnam”. Đây cũng là một trong những động lực làm cho sản xuất giày dép của Việt Nam tăng trưởng khá tốt.

Tỉ trọng gia công, xuất khẩu giày dép của Nike tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng rất tốt. Trong năm 2020, dù tổng cầu giảm đã tác động đến sản xuất giày dép nói chung, nhưng với Việt Nam, đơn hàng được dịch chuyển về sản xuất nhiều nhờViệt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Trong khi năm 2021, dịch COVID-19 cũng chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong quý 3, các quý 1 và quý 2 tăng rất tốt. Đến khi Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn và mở cửa trở lại, lập tức có nhiều đơn hàng trở lại nên không có vấn đề gì đáng lo ngại về đơn hàng.

Việt Nam trở thành công xưởng của Nike - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thanh Xuân

* Những hãng sản xuất lớn toàn cầu như Nike ngày càng tăng đơn hàng gia công đã giúp gì cho ngành giày dép của Việt Nam trong việc cải thiện được vị thế xuất khẩu, nhất là với thị trường lớn như Mỹ?

– Mỗi năm thị trường Mỹ nhập khẩu khoảng 1,8 tỉ đôi giày, trong khi Việt Nam xuất vào thị trường này trên 300 triệu đôi, chủ yếu là các sản phẩm giày thể thao xuất khẩu, dưới các thương hiệu lớn, đặc biệt là Nike, do được nhiều người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng.

Trong năm qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu giày dép Việt Nam sang thị trường này vẫn có tăng trưởng. Khi các đơn hàng được khôi phục trở lại, thị trường Mỹ phục hồi rất tốt.

Đến nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó túi xách chiếm 40% và giày dép chiếm 30-35%. Với những thương hiệu lớn như Nike, chúng ta tạo dựng được vị thế khá tốt tại thị trường Mỹ.

Việc duy trì khả năng tăng trưởng khá tích cực tại Mỹ cũng là đáng khích lệ, bởi Việt Nam vẫn chưa có hiệp định để hưởng thuế quan ưu đãi với Mỹ, mà ưu đãi thuế chủ yếu là sử dụng thuế tối huệ quốc (MFN).

Thực ra trong các nước xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1, VN đang giữ vị trí số 2. Song những năm gần đây có sự thay đổi khi xuất khẩu giày dép của Trung Quốc vào thị trường này có chững lại, trong khi tỉ trọng, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ lại tăng lên.

Nhờ đó, chúng ta đã thu hẹp dần khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc tại thị trường này.

* VN đã có được đơn hàng khá tốt ngay cả trong dịch bệnh, vậy triển vọng tăng thêm đơn hàng của Nike tại Việt Nam ra sao?

– Nhu cầu tăng đơn hàng là có nhưng để Nike có thể tăng được đơn hàng lại phụ thuộc nhiều vào dư địa và khả năng của mình. Một trong những vấn đề đáng quan tâm và lo ngại đó là ảnh hưởng của việc thiếu lao động và tăng chi phí, trong khi để phục hồi sau đợt dịch vừa qua phải mất một thời gian.

Với những doanh nghiệp ổn định sản xuất, có cơ sở sản xuất đầu tư tốt, đơn hàng được duy trì đến hết năm sau. Nhưng với những doanh nghiệp bị thiếu lao động, không giữ được lao động do tác động của dịch, sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng rất nhiều.

Một vấn đề nữa là giá của các đơn hàng cũng không tăng được, trong khi chi phí logistics tăng. Điều này cũng đặt ra thách thức khi các doanh nghiệp, nhà đặt hàng lớn dịch chuyển đơn hàng và thị trường về gần thị trường tiêu thụ hơn, dù giá nhân công cao nhưng bù đắp bằng chi phí logistics.

Có thể nói, việc xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi logistics, chi phí đội lên quá cao. Do đó, các nhãn hàng có xu hướng dịch chuyển về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu rủi ro về logistics.

* Dù Nike dịch chuyển mạnh đơn hàng sang VN nhưng tỉ trọng nội địa hóa cũng như giá trị gia tăng mà doanh nghiệp VN có được trong chuỗi của Nike thế nào, thưa bà?

– Sản phẩm Nike có tỉ lệ nội địa hóa khá cao ở Việt Nam, do Việt Nam chủ động sản xuất được các nguyên phụ liệu như mũ giày, đế giày. Với giày thể thao, tỉ lệ nội địa hóa phải từ 55-70%, trừ các dòng sản phẩm mới.

Tuy vậy, tham gia chuỗi cung ứng của Nike, sản xuất những nguyên phụ liệu trên chủ yếu là các doanh nghiệp FDI đã được đưa vào Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tham gia được rất hạn chế, do năng lực của mình hạn chế.

Ngay cả doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu sản phẩm giày cũng là của các FDI chứ chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể làm cho Nike. Đó là hạn chế rất lớn.

Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cần phải có lộ trình, làm thế nào để tăng tỉ lệ nội địa hóa, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng. Tỉ lệ nội địa hóa cao nhưng chuỗi cung ứng là của các FDI mang vào chứ không phải là chuỗi của mình.

Mặc dù Việt Nam đã chủ động làm nguyên phụ liệu từ trong nước, tỉ lệ nội địa hóa trong những năm gần đây tăng lên đáng kể, giá trị gia tăng được tăng lên, nhưng cần phải tăng mạnh hơn nữa. Tức là phải nâng cấp sản phẩm lên, chứ chúng ta chỉ làm sản phẩm nguyên liệu ở tầm trung, còn hàng cao cấp vẫn đang phải nhập nhiều.

Việt Nam trở thành công xưởng của Nike - Ảnh 3.

Sản phẩm giày Nike “made in Vietnam” được bày bán ở thị trường Việt Nam – Ảnh: NAM TRẦN

* Vậy theo bà, cần làm gì để tiếp tục duy trì vị thế tốt của ngành da giày và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực đáp ứng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam?

– Hệ thống sản xuất của ngành da giày Việt Nam tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, phía Bắc có Hải Phòng và Hải Dương, dư địa không còn nữa nên cần phải nghiên cứu, có chiến lược tập trung và phát triển những vùng có lợi thế. Ví dụ như có thể dịch chuyển các vùng miền Trung, trung du là những nơi có lợi thế về lao động.

Để giúp việc chuyển đổi cơ cấu tốt, cần hoạch định và xây dựng chính sách để thu hút đầu tư vào những vùng như vậy, gắn với nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics. Với những ngành hàng xuất khẩu rất cần hạ tầng đồng bộ như cảng biển, hệ thống đường bộ tốt để lưu thông… Có như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mới có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài.

Đồng thời, cần rà soát những chính sách bất cập hạn chế sự phát triển của các ngành xuất khẩu, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống hải quan để thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn.

Để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu. Gắn với đó là chính sách thuế, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp với các chính sách tốt như mình đã làm thành công về thu hút FDI.

Cần hỗ trợ đầu tư công nghệ giảm phát khí thải

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành dệt may, da giày đã tạo việc làm cho một lực lượng lao động lớn, đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, nên rất cần thiết và xứng đáng để có những chính sách giúp thúc đẩy, tạo chuỗi liên kết trong nước mạnh hơn.

“Tôi cho rằng cần đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu mã, những nguyên liệu mới, đặc biệt hiện nay đối với ngành dệt may, da giày hướng ra xuất khẩu. Trong thời gian tới, có thể các nước sẽ tiến tới đánh thuế phát thải cao, nên cần có chính sách thuế, tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường” – bà Xuân cho biết.

Ông Ngô Khải Hoàn (cục phó Cục Công nghiệp, Bộ Công thương):

Nhiều hãng gia công cho Nike sang VN xây nhà máy

Việc Nike và các nhãn hàng ngành dệt may, da giày tăng sản lượng tại Việt Nam đã được dự báo từ trước do các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) mang lại lợi thế về cắt giảm thuế. Xu hướng dịch chuyển các hoạt động thâm dụng lao động ra ngoài Trung Quốc cũng diễn ra mạnh mẽ hơn do mức lương và chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng.

Hơn nữa, cạnh tranh của các nhãn hàng trong nước trong lĩnh vực dệt may, da giày cũng khiến các nhãn hàng nước ngoài triển khai chiến lược Trung Quốc +1. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc từng gia công cho Nike đã sang Việt Nam đầu tư cơ sở sản xuất từ nhiều năm nay để tận dụng lợi thế về lao động, đất đai và ưu đãi đầu tư.

Quy mô sản xuất của những doanh nghiệp này càng được mở rộng trong thời gian gần đây để tận dụng các FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác, đặc biệt là thị trường EU.

Trong những năm tới, Việt Nam vẫn có lợi thế về gia công hàng may mặc, da giày nhưng khó có thể mở rộng quy mô một cách mạnh mẽ do đã đến mức giới hạn về lao động và đất đai. Hơn nữa, ngành này cũng phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp mới nổi khác (chủ yếu là điện tử).

Các nhà máy mới, nếu có, sẽ tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vì không còn quỹ đất và nguồn nhân công tại các tỉnh, thành phố phát triển.

NGỌC AN thực hiện
TTO