07/01/2025

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng

Sau hàng loạt vụ việc lùm xùm liên quan đến các doanh nghiệp, doanh nhân lớn xảy ra gần đây, một vấn đề được nhiều người đặt ra là đạo đức, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với xã hội.

 

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng - Ảnh 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Thị Hồng Liên – phó trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế – luật, Đại học Quốc gia TP.HCM – chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp lợi dụng cơ hội kinh doanh để làm lợi cho mình trong thời gian ngắn, nhưng có nhiều người khác chịu thiệt hại, nhất là những người yếu thế thì đó không phải là cách vươn ra thế giới. Nếu chơi chiêu cũ sẽ trả giá rất nhanh, sớm nhận trái đắng”.

Doanh nghiệp hãy hình thành thói quen kinh doanh tốt ngay ở Việt Nam như tuân thủ giá trị đạo đức, pháp luật, khai thác những kẽ hở của pháp luật nhưng không gây thiệt hại cho người khác và xã hội. Đó là lộ trình mình tự nâng cao năng lực kinh doanh của mình để ra thế giới bán hàng, mang tiền trở lại Việt Nam.

TS TRẦN THỊ HỒNG LIÊN

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng - Ảnh 3.

TS Trần Thị Hồng Liên

Không để tái diễn trục lợi chính sách

* Bà có suy nghĩ gì khi hàng loạt vụ việc từ bán kit xét nghiệm, “bán chui” cổ phiếu… rộ lên gần đây?

– Tất cả những sự việc trên là những khía cạnh khác nhau, muôn màu của người làm kinh doanh và của doanh nghiệp, do đó tôi cho rằng đó là sự thực rất bình thường. Nhưng không nên để cái sự bình thường đó tiếp diễn, bởi nếu tất cả những thứ đó trở thành bình thường, xã hội sẽ không còn bình thường và môi trường kinh doanh không còn lành mạnh để hấp dẫn những người dám dấn thân vào nó.

Do đó, những sự việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh để thấy rằng đã đến lúc phải hành động quyết liệt hơn, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn ở đất nước chúng ta.

Mặt khác, những sự việc trên vi phạm quá lớn đã gây tổn thất nặng nề cho xã hội, nhất là những người yếu thế trong hoàn cảnh xã hội đang rất ngặt nghèo, dịch bệnh như vụ việc Việt Á. Những hành động này cần phải bị lên án, cần có giải pháp để không tái diễn và cần phải được trừng trị thích đáng.

* Nhưng giải pháp nào để ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi chính sách, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thu lợi, thưa bà?

– Trở lại thực tế, vì sao các doanh nghiệp có thể thấy những kẽ hở đó? Ví dụ như đấu giá đất đai, do chúng ta chưa chặt chẽ về pháp luật đấu giá, dẫn đến những doanh nghiệp không đủ năng lực vẫn tham gia đấu giá vượt quá khả năng thu xếp tài chính của họ. Cốt lõi là những người làm chính sách phải đi nhanh hơn mới ngăn được việc doanh nghiệp “trục lợi chính sách”.

Thị trường luôn luôn đi nhanh hơn các nhà làm luật. Dù pháp luật đi sau thị trường, song phải làm sao để luật đừng đi sau quá, chậm quá so với thị trường. Khi doanh nghiệp biết lợi dụng này không được lâu, không có sự lan tràn và pháp lý sẽ ban hành nhanh để điều chỉnh, họ sẽ không liều lĩnh.

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng - Ảnh 4.

Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh là CEO Công ty Vũ Trụ Xanh, “cha đẻ” chương trình ATM gạo cùng công nhân sản xuất ATM oxy giúp người nghèo và nạn nhân COVID-19 vượt qua đại dịch – Ảnh: TỰ TRUNG

Hoàn thiện pháp luật, thức tỉnh đạo đức kinh doanh

* Bà có nói những vụ việc vi phạm vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh để có hành động quyết liệt nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn. Cả trăm năm trước, cụ Lương Văn Can cũng đã đề cao “thương đức”, “thương tài”. Đây có phải là thời điểm phải đề cao những giá trị này trong kinh doanh?

– Mỗi nghề nghiệp đều có những quy chuẩn đạo đức, kinh doanh cũng phải có đạo đức kinh doanh. Đạo đức nằm trong con tim, khối óc của doanh nhân, nếu họ tôn trọng, đạo đức là một “cảnh sát” trong tư duy, giám sát họ thường trực trong từng quyết định, hành động. Còn những người thực thi pháp luật không thể nào giám sát doanh nhân, doanh nghiệp 24/7.

Đơn cử vụ bán cổ phiếu ồn ào vừa rồi, làm sao cơ quan chức năng chặn ngay các giao dịch đó khi thị trường đang giao dịch sôi động. Nếu chúng ta đẩy được những giá trị đạo đức trở nên được hiểu biết rộng rãi trong xã hội, được nhiều người tôn trọng, thực thi đó là cái tuyệt vời nhất, làm cho những nhà quản lý xã hội rất nhàn. Bối cảnh bây giờ, đạo đức kinh doanh phải được nâng lên tầm mới khi toàn thế giới đang thực thi để phát triển bền vững.

Việc tuân thủ giá trị đạo đức là cách tốt nhất để đạt được trách nhiệm xã hội bởi trong từng hành động doanh nghiệp, doanh nhân làm đúng không chỉ cho họ mà cho người khác nữa. Để những giá trị đạo đức trong kinh doanh được lan tỏa, cần phải đặt trong bối cảnh pháp luật về kinh doanh được thực thi một cách nghiêm túc, lúc đó người ta nhận thấy việc trả giá cho vi phạm pháp luật sẽ lớn hơn nhiều so với tuân thủ những giá trị đạo đức trong kinh doanh.

* Chúng ta hướng đến quốc gia thịnh vượng phải cần nền kinh tế vững mạnh với những doanh nghiệp dẫn đầu, lứa doanh nhân tinh nhuệ để còn vươn ra thế giới. Theo bà, các doanh nhân phải xây dựng một hình ảnh như thế nào để thể hiện hình ảnh quốc gia?

– Tôi đồng ý với quan điểm muốn một quốc gia thịnh vượng phải có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp mạnh không dừng lại chỉ kinh doanh trên mảnh đất của mình mà phải vươn ra thế giới.

Doanh nghiệp Việt muốn đưa nền kinh tế chúng ta lên hàng có tốc độ phát triển ngang bằng thế giới thì phải bước ra thế giới. Khi đó, họ không chỉ ràng buộc về pháp luật, giá trị đạo đức kinh doanh trong nước mà còn bị ràng buộc chặt bởi tập quán, pháp luật, đạo đức của toàn cầu và của những địa phương họ đến.

Mới đây, giám đốc chiến lược của một tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ có chia sẻ với tôi triết lý rằng công ty phải lớn hơn những sản phẩm họ làm ra. Dù là công ty công nghệ nhưng công nghệ không phải thứ họ quan tâm nhất, điều họ chú trọng là công nghệ đó phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn đi ra toàn cầu phải cạnh tranh với những công ty như vậy. Tức là cạnh tranh với những công ty muốn làm cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua triết lý kinh doanh, về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững… giúp cho nhiều người có cơ hội kinh doanh hơn.

Doanh nghiệp, doanh nhân: kiếm tiền bất chấp sớm nhận trái đắng - Ảnh 5.

Đại dịch, nhiều doanh nghiệp nỗ lực giữ giá bán thực phẩm, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng – Ảnh: Q.ĐỊNH

Gắn trách nhiệm xã hội với hoạt động hằng ngày

* Xây dựng giá trị đạo đức trong kinh doanh cũng là một phần giúp doanh nghiệp, doanh nhân có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội?

– Trách nhiệm xã hội là khái niệm khá rộng. Có thể chia trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thành 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất, doanh nghiệp làm một số hoạt động từ thiện – cấp độ này rất nhiều doanh nghiệp làm. Cấp độ thứ hai, doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Cấp độ cao nhất là doanh nghiệp gắn trách nhiệm xã hội với hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Không phải một doanh nghiệp làm từ thiện, tặng một khoản tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn, xây một vài căn nhà tình nghĩa… là đã hoàn thành trách nhiệm xã hội. Có những doanh nghiệp làm từ thiện nhưng trong hoạt động kinh doanh vẫn xả chất thải ra thẳng môi trường. Do vậy, doanh nghiệp cần thể hiện, thực thi trách nhiệm xã hội toàn diện, không nên dừng lại ở những hoạt động xã hội dễ nhìn thấy như từ thiện mà thôi.

* Có nghĩa là doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội ở cấp độ 2, 3?

– Đúng như vậy. Bởi điều này có nghĩa ngay trong hoạt động doanh nghiệp đã phải tuân thủ pháp lý, đặt lợi ích cộng đồng xã hội vào đó. Nói cách khác, doanh nghiệp phải nâng trách nhiệm xã hội lên ở góc độ toàn diện hơn và trách nhiệm xã hội phải gắn với hoạt động kinh doanh hằng ngày chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động mang tính bề nổi.

Đợt dịch bệnh vừa rồi có thể thấy rõ nhiều doanh nghiệp dù khó khăn trăm bề vẫn nỗ lực hỗ trợ cộng đồng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo chi trả lương cho người lao động. Nếu không có trách nhiệm họ có thể từ bỏ việc đó rất dễ dàng, nhất là những người đã tạo ra quy mô doanh nghiệp rất lớn, tiền bạc với họ không còn quan trọng. Nhưng họ vẫn có trách nhiệm với công nhân, người lao động như thực hiện trách nhiệm xã hội.

Đến lúc cộng đồng doanh nhân không chỉ làm cho bản thân mà còn làm vì cộng đồng, xã hội, khi đó sẽ làm thay đổi bộ mặt môi trường kinh doanh.

* Nhiều vụ việc sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân đã, đang và sẽ bị xử lý nhưng vì sao các sai phạm tương tự vẫn liên tiếp xảy ra?

– Ông bà xưa có đúc kết “buôn gian bán lận” không sai. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người kinh doanh đều làm trái với luân thường đạo lý hay trái luật. Họ cũng cần có những “kỹ thuật” để làm cho việc kinh doanh của mình thành công. Kỹ thuật này có thể gọi là chiến lược nếu không có vi phạm nghiêm trọng.

Không thể cấm doanh nhân tìm kẽ hở, đổi lại hệ thống pháp luật phải giảm bớt kẽ hở và những người lợi dụng kẽ hở gây ra tổn hại cho xã hội phải bị trừng phạt. Đây cũng là cách tạo cho doanh nghiệp cơ hội phát huy tư duy, sáng tạo để họ có thể kinh doanh mà không bị vướng rào cản. Ngược lại, nếu họ vượt qua những lằn ranh pháp lý gây tổn hại phải bị nghiêm trị.

Bịt kẽ hở pháp luật, chặn doanh nghiệp bất chính

Đó là khẳng định của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) với Tuổi Trẻ.

 

pham van hoa1

Ông Phạm Văn Hòa

 

Ông Hòa nói:

– Đất nước rất cần doanh nhân tâm huyết, có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền, lo cho đất nước. Chính sách cần trợ lực cho doanh nhân yêu nước, làm giàu nhưng có trách nhiệm với quê hương, làm đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nhân đặt lợi nhuận lên trên hết, bất chấp hết. Có thủ đoạn, hành vi trục lợi, lợi dụng các sơ hở trong chính sách để lũng đoạn thị trường.

Công quyền gương mẫu, doanh nhân khó làm càn

* Là đại biểu Quốc hội, người làm luật, ông thấy sao khi có không ít doanh nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật để làm giàu bất chính?

– Đúng là trong thời gian qua có không ít người lợi dụng luật pháp, lợi dụng kẽ hở để lách luật, làm giàu bất chính, phi pháp. Đầu tiên, do hệ thống pháp luật của VN chưa thật sự hoàn chỉnh. Còn tồn tại các sơ hở, chưa theo kịp thực tiễn, việc bây giờ và sắp tới phải tính toán kỹ đối với luật chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, làm sao khắc phục được bất cập. Trong đó, hạn chế đến mức thấp nhất sơ hở để tránh tình trạng đầu cơ, lợi dụng tồn tại của luật để làm giàu bất chính.

Theo tôi, người làm luật phải công tâm, khách quan, phải có năng lực, nhìn nhận một cách thấu đáo những gì dự thảo luật đưa ra để khi đã biểu quyết thông qua hạn chế đến mức thấp nhất kẽ hở để không ai có thể lợi dụng nhằm trục lợi.

* Thực tế các vụ việc đã qua, không ít doanh nghiệp làm giàu bất chính có sự “trợ lực” từ những người có chức vụ trong bộ máy công quyền?

– Những doanh nhân, người lợi dụng kẽ hở của luật, lợi dụng chính sách để làm giàu bất chính ít nhiều cũng có bàn tay giúp sức của cơ quan công quyền. Mặc dù họ giúp sức khách quan hay chủ quan đi nữa, nếu không có sự tạo điều kiện, chỉ bảo, hướng dẫn hoặc tiếp tay… các doanh nhân đó khó có thể xâm phạm được quyền lợi, tài sản chính đáng của Nhà nước.

Do đó, việc giáo dục công vụ, giáo dục đạo đức cho công chức, viên chức thật sự cần thiết. Thực ra nói nhiều lắm rồi, các cơ quan đều có uốn nắn, giáo dục. Họ đều hiểu, thấm nhuần rồi nhưng trong quá trình thực hiện lại khác. Do lòng tham không đáy, do đồng tiền làm mờ mắt, dẫn đến nhiều sai phạm.

Ở đây, tôi nhấn mạnh người đứng đầu, đầu tàu gương mẫu thì nhân viên muốn làm bậy, làm sai đi nữa cũng rất khó.

vieta

Công ty Việt Á đã tận dụng triệt để đại dịch để thu lợi – Ảnh: BÁ SƠN

Phải làm ăn liêm chính

* Vậy làm sao để không có chuyện “đồng tiền làm mờ con mắt” những công bộc của dân, thưa ông?

– Nhiều người nói rằng lương không đủ sống, nhưng lương có cao đi nữa thì đối với những người mà đã bị đồng tiền làm mờ mắt rồi, lòng tham vẫn không đáy. Người ta có tiền rồi lại muốn có nhiều thêm, đã giàu rồi người ta muốn giàu hơn.

Cho nên, ngoài giáo dục đạo đức công vụ, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm, hành vi vi phạm đối với người mất đạo đức như vậy phải nghiêm minh để làm gương. Làm sao cho người muốn vi phạm đi nữa họ cũng thấy được quả báo nhãn tiền, khiến người ta không dám, không muốn, không ham, không làm ăn phi pháp.

* Với những vụ việc nổi cộm vừa qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, ví dụ như vụ Việt Á, liệu đây có phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp muốn làm ăn bất chính?

– Đó là một lời cảnh báo rất nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Ngay từ lúc này, nếu doanh nghiệp không điều chỉnh hành vi, hoạt động của mình, làm cho tốt hơn mà cứ len lỏi làm sai trái thì sớm muộn cũng bị phát hiện và sẽ bị xử lý như Việt Á.

Do đó, ngoài đạo đức nghề nghiệp, đạo đức doanh nghiệp, phải đề cao việc làm ăn liêm chính, làm ăn đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp phải thể hiện uy tín và được sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, của người tiêu dùng và tín nhiệm của chính quyền. Hãy nhớ thương hiệu của mình, uy tín của doanh nghiệp là trên hết nếu muốn làm ăn lâu dài.

N.HIỂN

NGỌC HIỂN – TIẾN LONG
TTO