Mang sách nói đến cộng đồng

Mang sách nói đến cộng đồng

“Chúng tôi mong ứng dụng Voiz FM trở thành kênh nuôi dưỡng, kết nối kiến thức cho cộng đồng, vượt qua các rào cản về khoảng cách hay tâm lý”, anh Lê Hoàng Thạch, thành viên 9X trong nhóm sáng lập ứng dụng sách nói Voiz FM.

 

Mang sách nói đến cộng đồng - Ảnh 1.

Lê Hoàng Thạch (giữa) cùng các bạn trẻ làm việc tại ứng dụng sách nói Voiz FM – Ảnh: NHẬT THỊNH

“Hồi đại học, chúng tôi đều là sinh viên ngoại tỉnh, đứa nào cũng đi xe buýt đường dài đến trường. Trên những chuyến xe đó, chúng tôi nghe sách nói để tận dụng thời gian trống” – anh Lê Hoàng Thạch, thành viên 9X trong nhóm sáng lập ứng dụng sách nói Voiz FM, kể lại

Thời đó, sách nói thường kém chất lượng, không đầy đủ các chương sách, anh Thạch ấp ủ ước mơ được thành lập một công ty cung cấp sách nói chất lượng cao. Ước mơ ấy nay đã trở thành hiện thực.

Đối với những startup trẻ nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường sách nói và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, đây là điều đáng mừng. Các startup này cần tiếp tục phát huy cách làm chuyên nghiệp với những bước đi chắc chắn, từ đó vượt qua những khó khăn ban đầu để tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong tương lai gần.

Ông LÊ HOÀNG

Khi âm thanh và trí tuệ giao thoa

Câu khẩu hiệu của Voiz FM mà anh Hoàng Thạch cùng Lâm Huy Vũ, hiện đang giữ vai trò giám đốc công nghệ tại đây, lựa chọn là “Thanh trí hợp nhất”. Đây là thông điệp mà những người trẻ này chuyển tải qua các sản phẩm sách nói của họ.

Theo anh Thạch, audio là định dạng cho phép con người làm việc đa nhiệm, đồng thời giúp thông tin lan tỏa rộng rãi. Định dạng này cũng tạo điều kiện để mọi người cởi mở hơn khi tham gia chia sẻ, so với các loại hình đòi hỏi yếu tố hình ảnh như quay video, nhất là đối với những ai ngại đứng trước ống kính.

“Chúng tôi mong ứng dụng Voiz FM trở thành kênh nuôi dưỡng, kết nối kiến thức cho cộng đồng, vượt qua các rào cản về khoảng cách hay tâm lý”, anh Thạch cho biết.

Từ khi thành lập vào tháng 9-2019 đến nay, Voiz FM đã nhận được đầu tư từ các quỹ lớn. Năm 2021 khi dịch COVID-19 bùng phát nặng nề tại Việt Nam, ứng dụng đã tăng trưởng gấp 6 lần, chạm mốc 2.000 nội dung sách nói.

Tháng 9 vừa qua, ứng dụng này đánh dấu đạt 1 triệu lượt tải trên cả hai nền tảng Android và iOS. Tháng 11, Voiz FM lọt top 4 chương trình SK Fellowship Program. Trong tháng cuối cùng của năm 2021, ứng dụng này chính thức được Cục Xuất bản cấp phép phát hành xuất bản phẩm điện tử sau thời gian cấp phép thử nghiệm, trở thành một trong số ít đơn vị đạt tiêu chuẩn chuyển đổi số trong ngành xuất bản.

Ngoài ra, Voiz FM cũng phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức chương trình “Sách trao tay” nhằm tặng sách nói miễn phí cho người dân ở các tỉnh đang giãn cách xã hội do dịch bệnh trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10-2021.

Thời gian đầu thành lập, anh Thạch chia sẻ dự án gặp rất nhiều khó khăn bởi ý tưởng sách nói còn khá mới mẻ khiến nhiều nhà xuất bản không tin tưởng vào tiềm năng của thị trường. Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, nhiều hạn chế về nguồn lực cũng khiến những người trẻ 9X vất vả không ít.

“Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn đề bản quyền. Voiz FM vẫn nỗ lực quyết liệt bảo vệ bản quyền sách nói và quyền lợi chính đáng của các tác giả cũng như đơn vị phát hành sách”, anh Thạch nói.

“Từ tháng 7-2020 đến nay, Voiz FM đã hỗ trợ tháo gỡ hơn 50.000 nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng lớn như YouTube, Spotify. Tuy nhiên, vẫn có một số hình thức vi phạm tinh vi, đòi hỏi sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang tiến hành lập hồ sơ, gửi công văn để đề nghị Cục Xuất bản sớm hỗ trợ xử lý”, anh nói thêm.

Liên kết mua bản quyền trong và ngoài nước

“Hiện chúng tôi đang liên kết với hơn 20 đối tác xuất bản trong và ngoài nước để mua bản quyền, có hơn 100 giọng đọc và sở hữu bản quyền của hơn 2.000 đầu sách thuộc đa dạng các thể loại”, anh Thạch cho hay.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng kho nội dung, dự án cũng “lấn sân” sang các thể loại khác như podcast, hỗ trợ giấc ngủ, phim âm thanh…

Theo ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thị trường sách nói tại Việt Nam vô cùng tiềm năng so với các nước trong khu vực. Có nhiều lý do cho sự phát triển của sách nói, bao gồm tiến bộ công nghệ của Internet, nhịp sống bận rộn với phần đông dân số trẻ, trong khi sách nói phục vụ nhu cầu làm việc đa nhiệm, cho phép người dùng tranh thủ trau dồi kiến thức khi làm những việc khác như nấu ăn, chạy bộ hay lái xe…

“Theo Google, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà người dân tìm kiếm về audiobook nhiều hơn e-book từ năm 2019 đến nay. Đây là xu hướng tương đồng với các quốc gia phát triển về thị trường sách như Mỹ, Anh, Đức. Vì thế, dự kiến trong tương lai gần, thị trường sách nói, audiobook ở Việt Nam có thể có những bước phát triển nhảy vọt”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ nhờ chính sách khuyến khích chuyển đổi số từ Cục Xuất bản, các nhà xuất bản, nhà phát hành ở Việt Nam đã cởi mở hơn trong việc phát hành nội dung số, mà sách nói là một trong những hình thức nổi bật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như Voiz FM phát triển.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn tràn lan do người dân vẫn nghĩ chia sẻ sách miễn phí là phục vụ cộng đồng, chứ chưa nghĩ đó là vi phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp bản quyền.

Không thể so sánh sách nói và sách in

Theo anh Hoàng Thạch, sách nói và sách in không phải là những giải pháp thay thế cho nhau, vì bối cảnh sử dụng, tính chất khác nhau, cũng giống như giữa sách in và phim chuyển thể.

Anh Thạch cho biết mỗi khách hàng sẽ có cách tiếp cận và sử dụng sách nói tùy theo nhu cầu, như nghe trước khi đi ngủ, khi đang chạy bộ hay nấu ăn. Ngoài ra, sách nói cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ bận rộn nhưng vẫn muốn tận dụng thời gian để nâng cao kiến thức.

Hiện nay, Voiz FM đang phát triển giọng đọc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thử nghiệm trên 800 người nhằm so sánh với giọng đọc của người thật. Kết quả cho thấy hơn 80% người tham gia không phân biệt được sự khác biệt giữa hai loại giọng.

BÌNH MINH
TTO