22/12/2024

5 cách ứng xử sai lầm phụ huynh nên tránh

5 cách ứng xử sai lầm phụ huynh nên tránh

Con cái là món quà vô giá của bố mẹ. Và vì ‘vô giá’ nên nhiều phụ huynh đã và đang ứng xử hết sức sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ.

 

 

 

Cưng con như trứng mỏng

Cảnh nhà con đàn cháu đống trước đây không còn nữa, thay vào đó là mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 “thiên thần” nhỏ. Vậy nên, mối bận tâm lớn nhất của bố mẹ là chu toàn cho con cuộc sống đủ đầy, phủ phê đến mức thừa mứa…

Những đứa trẻ được cưng như “trứng mỏng” sẽ lớn khôn và phát triển toàn diện thế nào? Quen được nuông chiều và hưởng thụ, con sẽ mặc định mình là “bảo bối” và vô tư vô lo trước nhịp đời hối hả này. Đem tư duy “cậu ấm”, “tiểu thư” đến trường đến lớp, con càng khó hòa vào tập thể chung khi mà bản thân cứ khư khư muốn mình là “số một”, là “duy nhất”.

5 cách ứng xử sai lầm phụ huynh nên tránh - ảnh 1
Mỗi đứa trẻ có một tố chất riêng, năng khiếu, sở trường và sở đoản khác biệt  SHUTTERSTOCK

Con tôi là thần đồng

“Con hát mẹ khen hay” là điều có thể thông cảm được. Nhưng nhiều bố mẹ lại thường thêm mắm thêm muối vào thành tích của con trẻ và ca ngợi con lên đến tận mây xanh.

Những đứa trẻ sớm được ngợi ca là “thần đồng”, “thiên tài”, “siêu tài năng”, “siêu trí tuệ” vô tình tiêm nhiễm căn bệnh thành tích ảo khiến tuổi thơ phải mướt mồ hôi luyện tập theo lịch học dày đặc, khắt khe và áp lực. Rồi một khi năng khiếu của con chững lại, thành tích của con không như ý, cả bố mẹ lẫn con trẻ đều rơi vào vòng xoáy của thất vọng lẫn tuyệt vọng. Một cuộc đời không như ý sẽ nhấn chìm bao số phận vào nỗi buồn hiu hắt!

Con cái là “trang sức” làm đẹp mặt bố mẹ

Kỳ vọng vào thành tích và tương lai sáng bừng của con trẻ là nỗi lòng chung của các bậc sinh thành. Nhưng ranh giới giữa kỳ vọng và căn bệnh chuộng thành tích lại rất mong manh.

Nhiều bố mẹ sa đà vào cuộc đua khoe thành tích của con rộn ràng trên các nền tảng mạng xã hội mỗi khi năm học kết thúc, giấy khen vừa về tay. Nhiều bố mẹ cứ đặt đích nhắm trường chuyên lớp chọn và các ngành nghề tốp đầu rồi buộc con trẻ phải cặm cụi học. Để rồi danh hiệu học sinh xuất sắc, thương hiệu trường chất lượng cao bỗng trở thành món “trang sức” làm bố mẹ nở mày, gia đình và dòng họ nở mặt. Có biết đâu tâm hồn của những đứa trẻ miệt mài rượt đuổi thành tích cứ hoang hoải nỗi buồn, hao khuyết niềm vui.

“Áo mặc không qua khỏi đầu”

Lấp đầy khoảng cách thế hệ giữa các thành viên trong gia đình vốn là nỗi lòng đầy trăn trở của những ông bố bà mẹ muốn gần gũi, thấu hiểu và đồng hành cùng con cái.

Tuy nhiên, dưới những mái ấm còn nặng tính gia trưởng theo lối tư duy “áo mặc không qua khỏi đầu” thì giấc mơ làm bạn cùng con hẳn là còn xa vời. Nhiều bố mẹ còn mặc định mình là người đi trước rành rẽ hơn, thông hiểu hơn và sáng suốt hơn nên phủ nhận tất tần tật mọi ý kiến của con cái. Tiếng lòng của con trẻ bị đè nén, dồn ứ qua ngày qua tháng sẽ chẳng khác nào quả bóng căng đầy hơi chỉ chực chờ bùng nổ thành những điều tiêu cực trong nhận thức, hành động.

“Hãy nhìn con nhà người ta”

Sai lầm lớn nhất trong ứng xử của bố mẹ khiến con cái tổn thương chính là thói quen so sánh. Nhìn con nhà người ta khác biệt tí xíu thôi đủ khiến bố mẹ quýnh quáng so bì hơn kém.

Chúng ta thường quên mất rằng mỗi đứa trẻ có một tố chất riêng, năng khiếu, sở trường và sở đoản khác biệt. Nhưng nhiều bố mẹ cứ chăm chăm nhìn vào thế mạnh của con nhà người ta để phủ nhận sạch trơn mọi cố gắng của con cái. Tiếc thay!

TRANG HIẾU

TNO