Đưa tin về bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái: Cần ‘mã hoá’ ở mức nhất định, đừng nên ‘phơi bày’
Đưa tin về bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái: Cần ‘mã hoá’ ở mức nhất định, đừng nên ‘phơi bày’
Ngày 16-12, UNESCO và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Những bài học, lưu ý có ích cho phóng viên, biên tập viên và cả người dân khi đăng tin trên truyền thông.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngô Minh Hiển, phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), bày tỏ đây là cơ hội để những người làm nghề báo rút kinh nghiệm làm nghề; chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong tác nghiệp để từ đó hạn chế sai sót khi đưa thông tin về bạo hành, xâm hại tình dục… với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Christian Manhart, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết cẩm nang online cung cấp thông tin cho phóng viên, nhà báo khi đưa tin về bạo lực giới đã được đăng tải trên Internet.
Cẩm nang cung cấp thông tin về 10 chủ đề liên quan tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đưa ra các khuyến nghị liên quan tới đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin. Chẳng hạn, nội dung về giới thì lựa chọn hình ảnh, câu hỏi khi tiếp cận nạn nhân sao cho phù hợp.
Bạn đọc quan tâm có thể tải tài liệu tại đây: https://bit.ly/3Dwyukp
Tại tọa đàm, TS Đỗ Anh Đức (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho hay việc truyền thông quan trọng khi thông điệp cần “mã hóa” ở mức nhất định để thu hút độc giả chứ không “phơi bày” tất cả sự việc.
Tuy vậy, ông Đức lưu ý các bài viết không nên “đổ lỗi” cho nạn nhân; đưa quá nhiều chi tiết bạo hành, xâm hại tình dục; sử dụng các hình ảnh, lời nói ẩn dụ, quá “hoa mỹ” khiến độc giả hiểu sai lệch câu chuyện…
Theo TS Đỗ Anh Đức, nhiều bài viết khai thác góc độ thủ phạm trong các vụ án giết người nên nạn nhân là nữ giới thường bị gán với nguyên nhân “tình yêu”, “hoàn cảnh khó khăn”… Việc này khiến hình ảnh, cuộc sống của những người thân dễ bị hàng xóm gièm pha.
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, nhà báo Phạm Trung Tuyến, phó giám đốc kênh VOV Giao thông, cho rằng nhân vật nên xuất hiện “ẩn danh, ẩn mình” khi xuất hiện trên truyền thông.
Ông Tuyến lưu ý phóng viên khi tác nghiệp thường hướng nạn nhân chia sẻ câu chuyện thoải mái nhưng cần cân nhắc không nói ra những đặc điểm mà người quen có thể nhận ra.
“Nạn nhân không muốn bị phán xét, đánh giá bởi người thân quen, triệt tiêu giao tiếp với người thân, người xung quanh. Do vậy, phóng viên cố gắng khơi gợi không gian chia sẻ, không chất vấn, nhất là hạn chế câu hỏi tại sao với nhân vật. Khi người nghe nhận câu hỏi tại sao thì nạn nhân sẽ có cảm giác tự phán xét”, ông Tuyến chia sẻ.
Trong khi đó, nhà báo Hoàng Như Hoa – phó trưởng ban biên tập tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) – đề cập tới “sự tế nhị” trong việc truyền tải thông tin; tin bài không chỉ phản ánh đơn thuần mà phải có chính kiến của tác giả về vụ việc đó song song với chỉ rõ đích danh các hành vi vi phạm pháp luật để có tác dụng răn đe…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các tòa soạn nên có chuyên gia hoặc biên tập viên chuyên trách để thông tin về phụ nữ, trẻ em gái đảm bảo tôn trọng khác biệt giới.
Nhân dịp này, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart kêu gọi phóng viên, nhà báo, biên tập viên tham dự cuộc thi để tìm hiểu và nâng cao kiến thức về cách đưa tin về chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại đường link https://bit.ly/3dxTKeY.
Cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất trị giá 9 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng và 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng. Hạn nhận bài dự thi đến 27-12.
Báo cáo của của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), có tới 45% phụ nữ đã phản ánh rằng bản thân hoặc một số người phụ nữ khác mà họ biết phải trải qua một vài dạng bạo lực.