18/11/2024

‘Cam kết tuân thủ phòng chống dịch’: Vì đó là thói quen?

‘Cam kết tuân thủ phòng chống dịch’: Vì đó là thói quen?

Nhiều giáo viên trước khi đến trường dạy trực tiếp được yêu cầu ký cam kết phòng chống dịch với hiệu trưởng, công nhân thì ký với chủ sử dụng lao động.

Cam kết tuân thủ phòng chống dịch: Vì đó là thói quen? - Ảnh 1.

Bản cam kết phòng chống dịch COVID-19 của giáo viên – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong mối quan hệ giữa người dân với cơ quan nhà nước hoặc người lao động với chủ doanh nghiệp hiện có rất nhiều bảng cam kết với nhiều nội dung mà rất nhiều người không hiểu ký các cam kết đó để làm gì?

Nhiều ý kiến cho rằng việc ký cam kết như là phần “lý thuyết”, thay vì ký cam kết hãy “thực hành” bằng cách tập huấn để nâng cao các kỹ năng, cách phòng chống dịch thay vì chỉ dựa vào bản cam kết.

Tốt nhất là tập huấn phòng dịch thay vì ký, bởi chống dịch đã luật hóa và ai cũng phải tuân thủ.

Việc ký cam kết bị lạm dụng làm cho giá trị cam kết giảm sút. Bên yêu cầu ký thì đã được sự an tâm như liệu pháp tinh thần, còn bên phải ký thì chỉ thấy phiền phức hoặc ký đại kiểu hứa cho vui. Cách làm này cần phải thay đổi…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí

Bắt ký để đẩy trách nhiệm?

“Cam kết” thường thể hiện dưới hình thức văn bản với nội dung yêu cầu người ký cam kết về việc chấp hành thực hiện các quy định pháp luật, nội quy, quy chế… Việc này hiện diện trong hầu hết các hoạt động của người dân nói chung mà không phải ai cũng hiểu rõ về giá trị pháp lý của các loại cam kết.

Mới đây nhiều giáo viên tại TP.HCM được cơ sở giáo dục yêu cầu ký bản cam kết với tiêu đề “Cam kết thực hiện phòng chống dịch COVID-19 của người lao động với người sử dụng lao động”.

Trong đó, có nội dung cam kết là “Để chủ động phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, tôi xin cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị, địa phương nơi làm việc và khi đi công tác. Nếu vi phạm tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật”.

Không ít giáo viên thắc mắc, cho rằng việc ký cam kết này không cần thiết. Chị P., chủ trường mầm non – tiểu học tư ở TP Thủ Đức (TP.HCM), bày tỏ: “Tôi nghĩ ý thức của nhân viên nằm ở việc mình nâng cao nhận thức và quy trình kiểm soát của mình. Chứ ký thêm tờ giấy cam kết này cũng chẳng để làm gì. Trong khi Nhà nước có quy định chung rồi, nếu đi đến nơi công cộng, tham gia hoạt động xã hội này kia thì đã có quy định rất rõ.

Còn nếu vào trong trường, trong công ty thì có quy định của trường, của công ty, sao phải ký cái cam kết này nữa? Rồi cam kết thì ai là người giám sát việc thực hiện cam kết? Nếu vi phạm cam kết thì xử lý như thế nào? Một văn bản chung chung như vậy, ký nó không để làm gì cả”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TP.HCM), thông tin trường đã xây dựng mẫu và đã mail cho 78 giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường ký bản cam kết này.

“Ở trên hướng dẫn như thế nào thì trường thực hiện như thế đó. Thứ sáu tuần này trường chính thức thu lại bản cam kết. Mục đích để giáo viên, cán bộ thực hiện tốt việc phòng chống dịch nhưng nếu không có bản cam kết này, tôi nghĩ mọi người trong trường cũng biết và ý thức được điều này”, thầy Đắc nói.

Cam kết tuân thủ phòng chống dịch: Vì đó là thói quen? - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin và thực hiện 5K là những biện pháp ngừa bệnh COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Công ty yêu cầu ký thì ký nhưng ký xong rồi, từ đó tới giờ cũng có thấy nhắc lại gì đâu. Ai bị F0 thì tự cách ly, điều trị, làm hồ sơ để bảo hiểm xã hội thanh toán. Vào nhà máy thì cán bộ, quản lý nhắc nhở. Còn ra đường, về nhà thì mình tự ý thức, tự bảo vệ mình là chính. Muốn ổn định đi làm, có thu nhập thì phải giữ mình.

Chị Nguyễn Thị Kim Xuân (công nhân một công ty may quận 12)

Quan trọng là tự bảo vệ chính mình

Theo cô Nguyễn Thị Ái Thi, giáo viên một trường THPT ở quận trung tâm của TP, qua các đợt dịch vừa qua, mọi người đều đã ý thức được việc phòng chống dịch, biết được thực hiện 5K vì đó là điều đương nhiên mỗi người tự bảo vệ chính mình.

Ký vào bản cam kết với những dòng chữ “xin cam kết thực hiện” là việc không cần thiết với giáo viên hay người lao động.

Không chỉ giáo viên, các phụ huynh cũng được yêu cầu ký cam kết cho con em đi học trở lại. “Hôm 5-12, tôi họp phụ huynh trực tuyến lấy ý kiến về việc có cho các bé lớp 1 đi học trực tiếp hay không.

Giáo viên thông tin nếu đồng ý cho các bé lớp 1 đi học thì phụ huynh phải ký cam kết về việc an toàn với COVID-19 và chịu trách nhiệm nếu quá trình học xảy ra dịch bệnh ảnh hướng đến các bé. Hầu hết phụ huynh không đồng ý…” – bà N.V.M.H. (phường An Phú, TP Thủ Đức) cho hay.

Ngoài ra, nhiều công ty, nhà máy cũng yêu cầu người lao động ký giấy cam kết về phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Phước Đại, chủ tịch công đoàn công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), cho biết thời điểm hoạt động bình thường trở lại, bỏ “3 tại chỗ”, những công nhân đăng ký đi làm trở lại đều ký cam kết về tuân thủ phòng chống dịch.

Trong đó yêu cầu công nhân phải tuân thủ 5K, tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống dịch ở nơi sinh sống, không ghé dọc đường, không tụ tập…

“Nhưng từ đó đến giờ công ty cũng chưa xử lý trường hợp nào liên quan đến cam kết này. Yêu cầu cam kết như vậy nhưng công nhân lên đến vài ngàn người nên cũng đâu quản lý được chuyện họ ra đường, về nhà. Đâu thể nào theo họ ra đường, về nhà bắt quả tang để lập biên bản được”, ông Đại cho hay.

Theo ông thì quy định pháp luật về phòng chống dịch cũng đã có hết rồi. Quan trọng là phải thường xuyên nhắc nhở để nâng cao ý thức phòng dịch của bản thân mỗi người.

“Cam kết” vì đó là thói quen?

Theo một cảnh sát khu vực thuộc Công an quận 10, TP.HCM, trong khi vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật, các cơ quan chức năng có xu hướng soạn sẵn các cam kết yêu cầu người dân ký như một hình thức nhắc nhớ.

Ví dụ những hộ buôn bán hàng hóa ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Hay những hộ kinh doanh cầm đồ (kinh doanh có điều kiện) thường phải cam kết không cầm xe gian, giấy tờ giả, tài sản trộm cắp. Còn các khu nhà trọ, khách sạn thì cam kết không chứa chấp ma túy, cờ bạc, mại dâm…

Trong một số thời điểm tệ nạn, tội phạm phát sinh nhiều tại khu vực thì cơ quan công an địa phương cũng có thể tuyên truyền đề nghị người dân có liên quan ký cam kết.

Điển hình như mới đây khi tệ nạn rải đinh trên quốc lộ 1A qua địa bàn Bình Chánh rộ lên thì công an huyện đề nghị các điểm vá xe cam kết không tiếp tay cho người rải đinh, vật sắc nhọn gây chọc thủng vỏ, ruột xe để trục lợi.

“Quá trình tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trong trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng đề nghị người dân ký cam kết. Việc này còn có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa vi phạm. Nếu người dân vẫn vi phạm thì xử lý theo quy định, họ không thể nói là tôi vô tình, không hiểu biết mà vi phạm…”, vị cảnh sát khu vực nói.

Theo luật sư Nguyễn Huy Việt, Đoàn luật sư TP.HCM, trong đợt cao điểm dịch bệnh và ngay trong điều kiện bình thường mới hiện nay rất nhiều chủ doanh nghiệp yêu cầu người lao động ký cam kết về tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch, tuân thủ lộ trình từ nhà đến công ty…

Còn thông thường chủ doanh nghiệp yêu cầu người lao động ký cam kết về tuân thủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp; bảo mật bí mật kinh doanh, thông tin tài chính của doanh nghiệp…

Các cam kết đó không trái với quy định pháp luật và chỉ nhằm ràng buộc, nâng cao ý thức cho người lao động về nghĩa vụ, trách nhiệm với doanh nghiệp.

“Việc các cơ sở giáo dục đề nghị giáo viên ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống dịch cũng là bình thường, miễn là trong khuôn khổ và không trái quy định pháp luật…” – luật sư Huy Việt nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, cũng cho rằng các cam kết không làm thay đổi cơ sở pháp lý. Nhìn ở mặt tích cực thì việc cam kết đạt được ý nghĩa tuyên truyền, động viên, răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tờ cam kết cũng mang ý nghĩa xã hội như là sự kết nối giữa cơ quan nhà nước với người dân. Về phía người dân cam kết, thỏa thuận rồi thì cũng phối hợp với cơ quan nhà nước chấp hành quy định pháp luật. Còn cơ quan nhà nước cũng “an tâm” về giải pháp tuyên truyền trên.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thiện Trí, việc cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động bắt ký cam kết đang trở thành thói quen và giống như quy định bất thành văn, áp dụng nhiều lại trở thành việc bình thường.

Việc bắt ký cam kết trở thành thêm thủ tục gây phiền phức cho người dân mà lại vô nghĩa. Điển hình dễ thấy là từ yêu cầu phòng chống dịch hiện nay rất nhiều hoạt động từ dạy học, bán thức ăn, kinh doanh, sản xuất… muốn được làm thì lại ký cam kết.

THÁI AN – VŨ THUỶ – THẢO THƯƠNG
TNO