18/11/2024

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân

Khi đưa tin xâm hại tình dục hay bạo hành, báo chí vẫn còn nhấn vào lý do từ nạn nhân như mặc hở hang, bị dụ dỗ, từ chối quan hệ… Nhưng tín hiệu lạc quan là báo chí ngày càng văn minh, nhân văn hơn.

 

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân - Ảnh 1.

Cẩm nang của UNESCO về “Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” vừa được phát hành tại Việt Nam – Ảnh: UNESCO

Sáng 25-11, nhân Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, UNESCO và Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (SJC) thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em”.

“Khi chúng ta đang ngồi đây, thì hôm qua, ở Quảng Ninh, có một em gái bị buôn bán và cưỡng hiếp đến nỗi không biết có thể sống đến hôm nay hay không” – bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), nêu thực trạng.

Đổ lỗi cho nạn nhân – lỗi ngày càng tinh vi

Bà Vân Anh cho biết cách đây 10 năm, giới nghiên cứu nhặt sạn trong thông tin về bạo lực giới trên báo chí rất dễ, còn bây giờ khó hơn nhưng lỗi lại tinh vi hơn.

Một trong những lỗi tinh vi phổ biến là đổ lỗi cho nạn nhân, thường là phụ nữ và trẻ em. Chẳng hạn, nhà báo hỏi nạn nhân họ ăn mặc như thế nào, liệu có hở hang hay có thái độ dễ dãi dẫn đến bị quấy rối hay không. Lời khuyên là nếu muốn biết bối cảnh vụ việc, nhà báo nên để nhân vật kể lại toàn bộ câu chuyện thay vì nhắm vào trang phục.

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Vân Anh – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) – Ảnh: CSAGA

Về trẻ em, bà Vân Anh nói báo chí ngày nay ít mắc lỗi để lộ danh tính vụng về như giấu tên con nhưng đăng ảnh người cha. Thế nhưng, báo chí lại mắc lỗi khi phản ánh là trẻ em đồng thuận với hành vi đó (thông qua việc nhận kẹo, nhận tiền để bị dụ dỗ…). Với đối tượng trẻ em, kể cả đồng thuận thì hành vi vẫn sai trái, bị coi là xâm hại tình dục.

Việc đổ lỗi cho nạn nhân trên báo chí còn thể hiện qua cách đưa tin và rút tít mang tính giải thích như “bị xâm hại vì” (vì bị dụ dỗ, vì đi chơi về khuya, vì từ chối quan hệ khi chồng say xỉn).

Lời khuyên cho nhà báo là hãy hỏi và viết bài bằng kiến thức và sự đồng cảm, thay vì chạy theo nhiệm vụ thời sự hay câu “view”. Nhà báo cần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực giới, nhạy cảm giới.

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân - Ảnh 3.

Phim điện ảnh Thiên thần hộ mệnh nói về nạn nhân bị xâm hại tình dục và tâm lý đổ lỗi của dư luận, báo chí – Ảnh: ĐPCC

“Làm việc với người dễ tổn thương thì đầu tiên là kiến thức, thứ hai là thái độ tôn trọng đối với sự an toàn của họ. Nếu người trong cuộc chưa sẵn sàng, bạn không thể hối thúc người ta trả lời cho bạn kịp nộp bài. Nhà báo phải có bản lĩnh và sự kiên nhẫn” – bà Vân Anh nói.

Bà Vân Anh cho rằng giữa tuân lệnh sếp, chạy theo sự nổi tiếng, nhuận bút… hay sự an toàn của người trong cuộc, đôi khi nhà báo chỉ được chọn một. Điều đó phụ thuộc vào sự trưởng thành và sự rèn luyện về nhân cách của nhà báo.

Phải chấm dứt thời báo chí ‘cướp giết hiếp’

Nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết trước đây báo chí đưa tin về bạo lực giới với mục đích giật gân câu khách, nhấn vào “cướp giết hiếp”. Ở thời báo chí còn được rao bằng loa trên đường phố, tiếng rao tô đậm các chi tiết giật gân mà lẽ ra không nên xuất hiện trên mặt báo.

Dần dần, báo chí nhìn nhận chủ đề này theo tính vấn đề và xã hội. Nhận thức của nhà báo được cải thiện, giúp báo chí trở nên nhân văn, văn minh và tích cực hơn. Chẳng hạn, báo Tuổi Trẻ hiện nay hạn chế tối đa cướp giết hiếp mà đưa ra những góc nhìn nhân văn, lạc quan.

Đưa tin về xâm hại tình dục, báo chí vẫn nặng tính đổ lỗi cho nạn nhân - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh xu hướng “báo chí giải pháp” và không giật gân, câu khách khi đưa tin về bạo lực giới – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhà báo Lê Xuân Trung chỉ ra sự biến chuyển giữa “báo chí thực trạng” và “báo chí giải pháp”. Nếu quá tập trung vào thực trạng sẽ thấy từng vụ việc là không mới, nhưng bạo hành phụ nữ, trẻ em lại là vấn đề xã hội lớn, cần được xem xét về vi phạm nhân quyền.

Báo chí giải pháp không sa đà vào chi tiết giật gân mà tập trung vào tính vấn đề, qua đó đưa ra giải pháp nhân văn, cách xử lý chuyên nghiệp cho cơ quan chức năng.

Nhà báo Lê Xuân Trung nói: “Cẩm nang Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của UNESCO đi rất sâu vào tác nghiệp báo chí, mong Việt Nam cũng có những cẩm nang cụ thể như vậy. Bình đẳng giới sẽ không còn là khẩu hiệu mà thực sự đi vào cuộc sống, xuất hiện phổ biến trên mặt báo”.

Cẩm nang của UNESCO là tài liệu dành cho báo chí toàn cầu để khuyến khích đưa tin có đạo đức về bạo lực giới. Cẩm nang nêu 10 vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và khuyến nghị về cách đưa tin.

Đáp lại gợi ý của nhà báo Lê Xuân Trung, bà Lucila Carrasco (đại diện UNESCO) tán thành việc có những cẩm nang dành riêng cho báo chí và xã hội Việt Nam. UNESCO sẽ tìm hiểu, phối hợp để thực hiện.

MI LY
TTO