Tại sao người từng nhiễm Covid-19 cần chú ý nhiều hơn đến phổi?
Tại sao người từng nhiễm Covid-19 cần chú ý nhiều hơn đến phổi?
Mọi người đều biết rằng phổi là chiến trường trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và rất nhiều người thoát chết nhưng phổi vẫn còn bị ảnh hưởng, theo Timesofindia.
Làm thế nào để biết phổi đã hồi phục hoàn toàn hay chưa sau khi đã khỏi Covid-19?
Giáo sư, tiến sĩ Arvind Kumar, Chủ tịch Viện phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật nội tạng ngực và cấy ghép phổi tại Bệnh viện Medanta (Ấn độ), giải thích ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 đối với phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm Covid-19 trong đợt tấn công ban đầu.
Có ba mức độ nhiễm bệnh: Nhẹ, trung bình và nặng.
Viêm phổi là một trong những biến chứng nghiêm trọng của Covid-19, trong một số trường hợp, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi SHUTTERSTOCK |
Những người bị viêm phổi nhẹ
Họ đã hoàn toàn hồi phục và phim chụp CT đều bình thường.
Tiến sĩ Kumar giải thích, đối với nhóm này, họ bị ảnh hưởng nhẹ nên không cần phải theo dõi lâu dài thường xuyên. Họ chỉ cần thực hiện các bài tập như nín thở và thở sâu là đủ.
Những người bị tổn thương phổi ở mức độ trung bình
Họ đã bình phục nhưng có một số mảng xơ. Họ đã bị tổn thương vĩnh viễn phổi ở mức độ nhẹ. Họ bị suy giảm khả năng giãn nở của phổi khi hít vào so với lúc chưa nhiễm bệnh. Điều này làm giảm lượng không khí có thể hít vào.
Những người này nên làm xét nghiệm chức năng phổi (LFT) và chụp CT sau 6 tháng và tiếp tục theo dõi tùy vào mức độ bất thường của phổi mà các xét nghiệm cho thấy, theo Timesofindia.
Những người bệnh nặng
Mắc Covid-19 nghiêm trọng dẫn đến nhiều loại biến chứng, một số người bị phá hủy các bộ phận của phổi dẫn đến hình thành u nang trong phổi. Phổi nhiều người đã bị tổn thương vĩnh viễn từ nhẹ đến nặng. Một số người phải thở ô xy vĩnh viễn.
Nhóm này tất nhiên cần điều trị và theo dõi thường xuyên.
Tiến sĩ Lancelot Pinto, bác sĩ chuyên khoa phổi nổi tiếng tại Bệnh viện Hinduja, Mumbai (Ấn Độ), cho biết thêm, rất may là hầu hết những người mắc Covid-19 đều có hệ hô hấp hồi phục rất tốt.
Những người gặp các triệu chứng hô hấp nặng, như cần thở ô xy hoặc phải đặt máy thở, thường để lại sẹo ở phổi. Các mô sẹo như vậy vận chuyển ô xy kém hiệu quả, có thể dẫn đến khó thở, đặc biệt là khi hoạt động mạnh làm tăng nhu cầu ô xy của cơ thể.
Trong ngắn hạn, sau khi khỏi bệnh, một số người có xu hướng phản ứng quá mức ở đường hô hấp, như bị hen suyễn.
Những người phát triển cục máu đông trong phổi có thể phục hồi chậm hơn và cần phải dùng thuốc làm loãng máu cho đến khi giải quyết được cục máu đông. Sự suy giảm cơ bắp do nằm viện lâu ngày cũng có thể làm giảm hiệu quả sử dụng ô xy của cơ thể, dẫn đến mệt mỏi trong giai đoạn phục hồi, theo Timesofindia.
Một số phát hiện gây sốc ở phổi người bệnh
Bác sĩ Kumar chia sẻ, chúng tôi đã rất sốc khi chứng kiến một số bệnh nhân Covid-19 bị bệnh viêm phổi đã phá hủy các bộ phận của phổi một cách nhanh chóng khiến nó trông giống như tổ ong hoặc cái rây. Một số bệnh nhân sống sót, là những bệnh nhân trẻ tuổi, hiện phải thở ô xy vĩnh viễn.
Trong nhiều trường hợp, hoàn toàn có thể phục hồi chức năng phổi nhưng đòi hỏi phải thực hành thường xuyên các bài tập thở nhằm giúp phổi phục hồi.
Nhưng nếu sau nhiều tháng hồi phục, bạn vẫn cảm thấy dung tích phổi bị suy giảm, thì tốt nhất nên đi khám, theo Timesofindia.
THIÊN LAN
TNOO