Báo động tình hình Covid-19 ở châu Âu

Báo động tình hình Covid-19 ở châu Âu

Nhiều quốc gia Đông Âu đang đối mặt đợt bùng phát Covid-19 mới nghiêm trọng, trong khi một số nước có tỷ lệ tiêm vắc xin cao vẫn chứng kiến ca nhiễm tăng vọt.

 

 

Reuters ngày 24.10 dự đoán tổng số ca nhiễm Covid-19 ở khu vực Đông Âu sẽ sớm vượt qua cột mốc 20 triệu, do vùng này đang trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Số ca nhiễm mới ở khu vực tăng đều đặn và hiện ở mức trung bình trên 83.700 ca/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11.2020.

Báo động tình hình Covid-19 ở châu Âu - ảnh 1
Đã có hơn 8,2 triệu người mắc Covid-19 ở Nga REUTERS

Cũng theo Reuters, 3 trong số 5 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tử vong nhiều nhất trên thế giới hiện nay nằm ở Đông Âu: gồm Nga, Ukraine và Romania. Hôm qua, Nga thông báo có thêm 1.072 ca Covid-19 tử vong và 35.660 ca nhiễm trong 24 giờ, so với số ca tử vong và số ca nhiễm/ngày cao kỷ lục được công bố ngày 23.10 lần lượt là 1.075 và 37.678. Trong khi đó, chỉ có 36% dân số Nga đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, theo Reuters.

Ở Ukraine, giới chức ngày 22.10 ghi nhận số ca Covid-19 tử vong và số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao kỷ lục, lần lượt 614 và 23.785 ca. Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine là ông Oleksiy Danylov cảnh báo số người chết vì Covid-19 có thể sớm tăng hơn 1.000/ngày, theo AFP. Ông Danylov cho rằng số ca

Covid-19 tử vong

và số ca nhiễm mới tăng vọt là do quan điểm chống tiêm vắc xin lan rộng.

Tương tự, Romania ngày 19.10 vừa qua ghi nhận số ca Covid-19 tử vong và số ca nhiễm mới/ngày ở mức cao kỷ lục, lần lượt 574 và 18.863 ca. “Chúng ta đang ở trong tình trạng thảm họa. Chúng ta rơi vào tình trạng này dù có vắc xin, vì phần lớn chúng ta từ chối tiêm vắc xin”, Thứ trưởng Nội vụ Romania Raed Arafat cảnh báo hôm 22.10.

Trong khi đó, một số nước châu Âu có tỷ lệ tiêm vắc xin cao như Đức và Anh vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Viện Robert Koch của Đức ngày 23.10 thông báo tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong 7 ngày đã chạm mức 100 ca/100.000 dân lần đầu tiên kể từ tháng 5. Con số này được công bố một ngày sau khi Bộ Y tế Đức cảnh báo “chúng ta đang chứng kiến tình hình leo thang”, theo AFP.

Cũng trong ngày 23.10, chính phủ Anh thông báo có hơn 333.000 ca nhiễm mới trong 7 ngày, tăng 15% so với tuần trước đó và đánh dấu số ca nhiễm/tuần cao nhất kể từ tháng 7. Số người chết vì Covid-19 ở Anh cũng tăng 12% trong tuần qua, dù việc tiêm vắc xin và phương pháp điều trị tốt hơn đã giảm đáng kể số ca tử vong so với những đợt bùng phát trước đó.

Biến thể Delta được cho là vẫn chiếm đa số ca nhiễm Covid-19 mới ở Anh cũng như nhiều quốc gia khác, nhưng số ca mắc biến chủng Delta Plus (AY.4.2) gia tăng kể từ khi Delta Plus được xác định lần đầu tiên ở nước này vào tháng 7.2021, theo BBC.

Tính đến nay có hơn 16.800 ca mắc AY.4.2 được phát hiện ở ít nhất 28 quốc gia, trong đó có hơn 16.000 ca tại Anh, theo số liệu từ chuyên trang Outbreak.Info. Tuy nhiên, AY.4.2 chưa được ghi nhận là biến chủng đáng quan ngại như Delta và giới khoa học tin rằng vắc xin hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc bảo vệ con người trước Covid-19.

Diễn biến về đợt bùng phát mới ở Trung Quốc

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc hôm qua thông báo có thêm 26 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng được ghi nhận vào ngày 23.10, trong đó có 7 ca ở Khu tự trị Nội Mông Cổ, 6 ca ở tỉnh Cam Túc, 6 ca ở Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ và 4 ca ở Bắc Kinh.

NHC trước đó phát hiện 38 ca nhiễm cộng đồng mới trong ngày 22.10, đánh dấu số ca nhiễm cộng đồng/ngày cao nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 20.9, khi 42 ca được ghi nhận ở tỉnh Phúc Kiến. Đợt bùng phát Covid-19 mới chủ yếu tập trung ở phía bắc và tây bắc Trung Quốc, được xác định là do biến thể Delta gây ra, theo Hoàn Cầu thời báo. Trong đó, chính quyền Khu tự trị Nội Mông Cổ và Cam Túc, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, đã nâng mức báo động và áp dụng nhiều biện pháp chống dịch, như xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các khu vui chơi giải trí và trường học…

VĂN KHOA

TNO