28/12/2024

Khốn cùng cảnh gán con trả nợ ở Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền

Khốn cùng cảnh gán con trả nợ ở Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền

Một số người Afghanistan buộc phải bán con để trả nợ trong lúc tỷ lệ nghèo ở nước này có khuynh hướng tăng kể từ khi Taliban lên nắm quyền trở lại.

 

 

 

Khốn cùng cảnh gán con trả nợ ở Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền - ảnh 1
Nhiều người cố gắng vào sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan vào ngày 16.8.2021, một ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này   REUTERS

Tờ The Wall Street Journal mới đây đưa tin một lao công tên Saleha ở miền tây Afghanistan đã bán đứa con gái 3 tuổi cho một người đàn ông mà bà nợ 550 USD (hơn 12,5 triệu đồng). Với công việc của mình, bà Saleha (40 tuổi) nhận được 70 cent (gần 16.000 đồng)/ngày, trong khi chồng bà, ông Abdul Wahab, không có việc làm.

“Nếu cuộc sống tiếp tục khủng khiếp như thế này. Tôi sẽ giết chết các con của mình rồi tự sát. Tôi thậm chí không biết tối nay chúng tôi sẽ ăn gì”, bà Saleh cho The Wall Street Journal hay. Trong khi đó, ông Wahab nói: “Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để cứu cuộc đời của con gái tôi”.

Ông Khalid Ahmad, người cho bà Saleh mượn tiền, nói rằng ông phải chấp nhận lấy bé gái 3 tuổi để trừ nợ. “Tôi cũng không có tiền. Họ không trả lại tiền cho tôi. Vì vậy, không có lựa chọn nào khác là phải nhận bé gái”, ông Ahmad giải thích.

Một phụ nữ Afghanistan hồi tháng trước cho NHK hay các con của bà đói đến mức cãi nhau vì một miếng bánh mì. Người phụ nữ cho biết thêm bà cùng 7 đứa con sơ tán đến thủ đô Kabul từ một tỉnh ở phía bắc sau khi nhà của bà bị phá hủy trong một trận chiến trước đó hơn 2 tháng. Bà còn nói những người như bà rất cần sự hỗ trợ để vượt qua tình hình khủng khiếp hiện nay.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Kanni Wignaraja hồi tháng trước cảnh báo trong vòng một năm, tỷ lệ nghèo ở Afghanistan sẽ tăng lên mức 97-98%.

Kể từ khi Taliban mất quyền lãnh đạo vào năm 2001 đến trước khi trở lại kiểm soát Afghanistan từ ngày 15.8.2021, đất nước này đã đạt được nhiều thành tựu, như thu nhập đầu người tăng gấp đôi, theo bà Wignaraja. Tuy nhiên, những thành tựu đó đang có nguy cơ sụp đổ vì bất ổn chính trị. Bà Wignaraja cho rằng Afghanistan đang đối mặt “sự hủy diệt đối với hoạt động ngân hàng”.

Trong nỗ lực nhằm hạn chế nguồn lực của Taliban, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng gần 10 tỉ USD tiền dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan, với phần lớn số tiền đó do Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở New York nắm giữ. Tuy nhiên, động thái đó của Mỹ bị chỉ trích là gây tổn hại cho người dân Afghanistan hơn là Taliban, theo ông Shah Mehrabi, thành viên kỳ cựu của Ngân hàng Da Afghanistan, nhận định với Bloomberg.

VĂN KHOA

TNO