23/01/2025

Để con tránh cảnh ngáp ngắn, ngáp dài khi học trực tuyến

Để con tránh cảnh ngáp ngắn, ngáp dài khi học trực tuyến

Nhiều cha mẹ vẫn chưa thể khởi động và tăng tốc kịp với những đổi thay lớn lao khi bọn trẻ cắm cúi trước màn hình ti vi, điện thoại, máy tính xách tay để tham dự bài giảng trên truyền hình và kết nối với lớp học trực tuyến.

Học trò “ngộp” bài vở, giáo viên “ngộp” tin nhắn

Nhà tôi có hai cháu đang chông chênh làm quen với việc học trực tuyến. Cháu lớp 4 học trực tuyến với cô giáo chủ nhiệm vào các buổi tối, còn cháu lớp 6 học các bài giảng phát trên truyền hình vào các buổi sáng. Và tôi cùng bọn trẻ đang “ngộp” thật sự trước số lượng bài học, bài tập phải hoàn thành trong buổi học, rồi sau buổi học. Và tôi đoán cô giáo cũng “ngợp” trước một rừng tin nhắn đến liên hồi.

Để con tránh cảnh ngáp ngắn, ngáp dài khi học trực tuyến - ảnh 1
Giáo viên chủ nhiệm trong một buổi họp phụ huynh trực tuyến đầu năm học NGỌC TUẤN

Cháu lớp 4 sau buổi học phải hoàn thành kha khá bài vở, có môn viết vở, có môn làm bút chì vào sách, có môn làm vở bài tập. Chúng tôi giúp bọn trẻ chụp ảnh từng bài học, bài tập gửi đến nhóm lớp. Hôm đầu tiên, cô giáo tỉ mỉ dùng bút đỏ khoanh sửa các lỗi trên ảnh chụp và nhắn tin nhắc nhở, góp ý về bài làm của từng học sinh. Rồi hôm sau, tin nhắn đi và đợi mãi cô cũng chưa hồi âm. Chúng tôi cười xòa nói đùa “Có lẽ cô phải uống thuốc đau đầu rồi” và thông cảm với cả “núi” việc chờ cô giáo…

Cháu lớp 6 theo lịch học các môn phát trên đài truyền hình. Giáo viên thuyết giảng một chiều, thiếu hẳn tính tương tác. Trong khi đó chương trình phổ thông lớp 6 đổi mới toàn diện từ cấu trúc môn học đến nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất… khiến bố mẹ, anh chị trong nhà rất khó theo sát việc học của con và bổ trợ phần kiến thức thiếu hụt. Mọi thứ mới toanh đi kèm với việc các cháu mới vào lớp đầu cấp chưa quen phương pháp học nên càng khó khăn gấp bội phần.

Để con tránh cảnh ngáp ngắn, ngáp dài khi học trực tuyến - ảnh 2
Nên tạo ra sự hứng thú trong từng buổi học trực tuyến để truyền nguồn năng lượng tích cực cho trò N.L

Kéo con rời màn hình ảo khi buổi học kết thúc

Điều đáng lo ngại hơn nữa là lịch học quá tải khiến các con liên tục ngáp ngắn ngáp dài khi ngồi trước màn hình công nghệ. Nguồn năng lượng tích cực đầu buổi học bị bào mòn khi bài giảng kéo dài, kiến thức dồn dập rồi áp lực của khối lượng bài tập chờ đợi sau buổi học làm các con thở than suốt vì lịch học sát sao, ê chề bài vở và cả vì thiếu hụt những kết nối tự nhiên.

Tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra sự hứng thú trong từng buổi học trực tuyến để truyền nguồn năng lượng tích cực cho trò. Đừng chỉ chăm chăm “chạy” bài cho kịp chương trình rồi ôm đồm kiến thức, cố gắng đạt cho bằng được những mục tiêu kiến thức, năng lực, phẩm chất qua từng bài học để rồi biến những giờ học trực tuyến trở thành bức tranh bi hài mấy hôm nay mọi người vẫn trêu đùa: “tiếng cô vang rừng núi, không nghe ai trả lời”!

Muốn thế, ngoài việc Bộ GD-ĐT ban hành quy định về tinh giản chương trình trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến bất thường, giáo viên khi xây dựng bài giảng cũng như tổ chức dạy học trực tuyến cần chú ý nhiều hơn đến đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Mỗi lứa tuổi có một giới hạn nhất định về khoảng thời gian tập trung. Không nhất thiết phải bố trí dạy trọn vẹn 35 phút đối với tiểu học và 45 phút đối với trung học.

Bên cạnh mảng kiến thức cho bài học, chúng tôi mong lắm thay những kết nối giữa thầy và trò trong không gian ảo. Sẽ thú vị vô cùng nếu thầy cô dành chút ít thời gian có thể chuyện trò, hỏi han, tâm sự hay luận bàn về một vấn đề, câu chuyện mà các con quan tâm.

Thứ ba, vai trò của gia đình thực sự cần thiết và quan trọng vô cùng trong khoảng thời gian con trẻ dừng đến trường, thiếu giao tiếp này. Hãy hỗ trợ và đồng hành với việc học của con trẻ bằng cách giúp đỡ con xử lý các tình huống liên quan thiết bị điện, định hướng cách kết nối với thầy cô và bạn bè bằng thái độ tích cực, tử tế…

Chúng ta có thể kết hợp với hội phụ huynh tạo lập những hội nhóm kết nối trực tuyến cho bọn trẻ tiểu học và đầu cấp hai gặp gỡ, trao đổi với bạn bè để duy trì nguồn năng lượng tích cực cho việc học.

Bên cạnh đó, đừng bao giờ quên việc kéo con rời màn hình ảo khi buổi học kết thúc để sống trọn vẹn từng phút giây với không khí gia đình đầm ấm, sum họp, quan tâm và sẻ chia. Đừng để con bị đứt gãy kết nối với các thành viên trong gia đình khiến việc học trực tuyến vốn áp lực nay lại càng kiệm lời, thu mình lại.

NGUYỄN HÙNG

TNO