23/12/2024

Afghanistan trên bờ vực thảm hoạ nhân đạo

Afghanistan trên bờ vực thảm hoạ nhân đạo

Cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho người dân Afghanistan trong bối cảnh nước này đang rơi vào khủng hoảng kinh tế và nhân đạo.
Người Afghanistan trên đường phố Kabul ngày 4.9 /// REUTERS
Người Afghanistan trên đường phố Kabul ngày 4.9 REUTERS

Viện trợ đổ về Afghanistan

AFP hôm qua đưa tin tại hội nghị do LHQ tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 13.9, các quốc gia và tổ chức quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp 1,2 tỉ USD cho người dân Afghanistan. Đây là hội nghị cấp cao quy mô lớn đầu tiên về Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát nước này vào ngày 15.8.
Mỹ tuyên bố sẽ chi thêm 64 triệu USD, nâng tổng số tiền Washington viện trợ cho Afghanistan trong năm tài chính 2021 lên 330 triệu USD, theo AP. Đức thông báo sẽ chi 590 triệu USD cho Afghanistan và các nước lân cận, nhưng chưa công bố kế hoạch cụ thể. Pháp cũng hứa sẽ đóng góp 118 triệu USD theo lời kêu gọi của LHQ. Số tiền các nước vừa cam kết gấp đôi mục tiêu 606 triệu USD LHQ đặt ra khi triệu tập hội nghị.
Theo The Guardian, Afghanistan là một trong những quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nhiều nhất trên thế giới. Nước này đã nhận các khoản viện trợ tương đương 65 tỉ USD kể từ năm 2002. Viện trợ chiếm khoảng 40% GDP và 3/4 chi tiêu của chính phủ Afghanistan. Số tiền này dùng để trả lương giáo viên, nhân viên y tế, xây dựng trường học, phòng khám sức khỏe và cơ sở hạ tầng kinh tế. Trong hội nghị viện trợ Afghanistan của LHQ vào ngày 24.11.2020, các nước đã cam kết viện trợ 12 tỉ USD cho Kabul trong 4 năm, theo DW. Tuy nhiên, các khoản viện trợ này đã bị ngưng lại sau ngày 15.8.
Theo The Washington Post, chính quyền Mỹ đã đóng băng khoảng 10 tỉ USD dự trữ của Afghanistan tại các ngân hàng Mỹ. Đồng thời Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, NATO, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đình chỉ các chương trình viện trợ cho Afghanistan. Điều này khiến Afghanistan tiếp tục chìm sâu vào nạn đói và sụp đổ kinh tế dù một số nước như Trung Quốc, Qatar, UAE, Pakistan đã viện trợ khẩn cấp cho người dân Afghanistan sau sự biến giữa tháng 8.

Vô vàn thách thức

Với khả năng tiếp cận viện trợ hạn chế và các dịch vụ thiết yếu ở Afghanistan có nguy cơ phải đóng cửa, LHQ lo ngại Afghanistan sẽ phải đối diện thảm họa nhân đạo. Hơn 18 triệu người (gần một nửa dân số Afghanistan), trong đó có gần 10 triệu trẻ em, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Trong lúc này, Afghanistan đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Tính đến ngày 14.9, Bộ Y tế Afghanistan ghi nhận 154.180 ca bệnh và 7.171 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa phản ánh đầy đủ vì tốc độ xét nghiệm đã giảm mạnh sau ngày 15.8. Hệ thống y tế Afghanistan cũng đang trên bờ vực sụp đổ do viện trợ bị ngưng. Nếu nhân viên y tế tiếp tục không được trả lương, dịch vụ sức khỏe tại 31/34 tỉnh của Afghanistan sẽ bị đình trệ, theo The New York Times.
Đại dịch Covid-19 cùng hạn hán kéo dài cũng đã khiến 14 triệu người ở Afghanistan rơi vào đói nghèo, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo. WFP ước tính Afghanistan đã mất trắng 40% mùa màng. Giá lúa mì đã tăng 25%, giá dầu ăn tăng gấp đôi và dự trữ lương thực của cơ quan viện trợ sẽ hết vào cuối tháng 9. Trong báo cáo công bố hồi tuần trước, LHQ cảnh báo hơn 97% dân số Afghanistan có thể sống dưới ngưỡng nghèo vào giữa năm 2022.
Với việc viện trợ bị cắt và nguồn tài chính của các ngân hàng Afghanistan hạn chế, người dân nước này gần như thiếu tiền mặt sau ngày 15.8. Dù các ngân hàng đã mở cửa trở lại, người dân Afghanistan phải đợi nhiều giờ liền để rút được vài trăm USD, theo Al Jazeera.
Afghanistan trên bờ vực thảm họa nhân đạo - ảnh 1
Tờ New York Post ngày 13.9 dẫn lời ông Mohammad Yousuf, một lãnh đạo của Taliban, cho biết lực lượng này sẽ tái lập Bộ Tuyên truyền đạo đức và khôi phục các hình phạt như ném đá và chặt tay với các tội lỗi lớn trong đạo Hồi. Đây là tuyên bố chính sách mới nhất của Taliban sau khi thành lập chính quyền lâm thời. Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục lâm thời Abdul Baqi Haqqani ngày 12.9 tuyên bố phụ nữ sẽ được học đại học và sau đại học, nhưng phải mặc trang phục truyền thống và không được học chung với nam.
ĐÔNG A
TNO