Nguy cơ xảy ra vụ 11.9 lần 2 từ những bầy drone

Nguy cơ xảy ra vụ 11.9 lần 2 từ những bầy drone

Hai mươi năm sau vụ khủng bố 11.9, nước Mỹ đang đối diện với mối đe doạ mới, không phải từ các vụ cướp máy bay mà là từ những thiết bị bay (drone) mang theo chất nổ.
DroneHunter phóng lưới bắt drone mục tiêu /// FORTEM
DroneHunter phóng lưới bắt drone mục tiêu  FORTEM
Ngày 11.9.2001, 4 chiếc máy bay bị không tặc khống chế, trong đó 3 chiếc lao vào mục tiêu do khủng bố nhắm đến tại New York và Lầu Năm Góc. Ngày nay, mối đe dọa hàng không mới đối với nước Mỹ không phải từ các máy bay thương mại lớn mà từ những thiết bị bay nhỏ (drone), theo Forbes ngày 10.9.
Giới chuyên gia từ lâu cảnh báo về mối đe dọa an ninh từ những chiếc drone có giá vài trăm USD, nhưng có thể được gắn chất nổ hoặc vũ khí khác để tấn công những địa điểm như sân vận động, lễ hội hoặc sự kiện đông người.

Dùng drone bắt drone bằng lưới

Hiện nay, các thiết bị gây nhiễu được triển khai tại các sự kiện lớn để ngăn drone nhưng việc ngăn chặn liên lạc giữa người điều khiển và drone không còn phù hợp vì sự ra đời của các drone tự hành không cần người điều khiển.
Tên lửa hay súng phòng không cũng không phù hợp cho những khu vực dân sự trong khi laser quân sự năng lượng cao thường tốn kém chi phí và không thể vô hiệu hóa một bầy drone cùng lúc. Vũ khí vi sóng có thể ngăn chặn bầy drone nhưng tầm hoạt động hạn chế.
Công ty công nghệ chống drone Fortem (Mỹ) đã phát triển hệ thống có thể phát hiện mối đe dọa và triển khai drone để phóng lưới bắt các drone mục tiêu. Hệ thống gồm radar có tên TrueView gắn trên drone, giúp phát hiện mục tiêu trong vùng bảo vệ và hệ thống quản lý SkyDome, giúp tổng hợp dữ liệu và đưa ra cảnh báo.
Đội drone ngăn chặn DroneHunter được trang bị súng phóng lưới sẽ bắt mục tiêu và mang đến nơi an toàn, đảm bảo drone mục tiêu và các chất nổ bên trên không rơi xuống đất. Cách làm này đã được chứng minh và được cho là an toàn hơn so với dùng súng phòng không hoặc tên lửa.
Bên cạnh đó, hệ thống có thể điều phối nhiều DroneHunter chống lại nhiều mục tiêu, đánh giá và xác định mục tiêu nào là ưu tiên. Theo Forbes, hệ thống này đã được một số cơ quan tại Mỹ và trên thế giới sử dụng. Số lượng DroneHunter được triển khai tùy theo đánh giá quy mô sự kiện và nguy cơ nhưng hoàn toàn có thể gia tăng dễ dàng.

Chưa có quy định rõ ràng

Ông Timothy Bean, Tổng giám đốc của Fortem nói với Forbes rằng có những công cụ tốt để chống lại mối đe dọa drone nhưng hiện nay còn thiếu quy định cụ thể về việc ai được phép bắn hạ những drone này và trong trường hợp nào.
Theo ông Bean, luật Mỹ cấm can thiệp vào các máy bay đang bay, ngay cả những drone nhỏ. Một đạo luật năm 2018 trao thẩm quyền cho Bộ Tư pháp và các cơ quan khác sử dụng vũ lực hợp lý để chống các drone nhưng đối với lực lượng cảnh sát địa phương thì chưa.
Một số nơi áp dụng thông luật như quyền tự vệ, quyền bảo vệ riêng tư, luật chống xâm nhập nhưng cũng chưa có quy định rõ ràng như thế nào là xâm nhập. Cục Hàng không liên bang (FAA) được cho là đã tìm cách đối phó với drone trong nhiều năm nhưng chưa có khung thời gian cụ thể để hoàn tất phân tích và đưa ra khuyến cáo.
Các nhà sản xuất cho rằng tình trạng này càng kéo dài thì nguy cơ càng trở nên lớn hơn. Năm 1974, tên không tặc Samuel Byck cướp một chiếc máy bay tại sân bay Baltimore/Washington tại bang Maryland với ý đồ lao vào Nhà Trắng để ám sát Tổng thống Richard Nixon nhưng bất thành. Âm mưu thất bại khiến giới quản lý trở nên chủ quan, để rồi tai họa xảy ra vào năm 2001.
Tuy những thay đổi về quy định hàng không dân dụng đã giúp không để xảy ra vụ cướp máy bay nào như sự kiện 11.9 trong suốt 20 năm qua, nhưng nguy cơ từ drone vẫn hiện hữu. Hồi tháng 8, một du khách từ bang Texas điều khiển chiếc drone để quay phim nhưng vô tình đâm vào đúng tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới 7 tại New York, một trong số những tòa nhà được tái xây dựng sau vụ khủng bố 11.9. Vụ việc được coi là lời nhắc nhở về việc cần đề phòng tốt hơn trước những nguy cơ tấn công bằng bầy drone.
VI TRÂN
TNO