22/01/2025

Dịch Covid-19 kéo dài: Vui buồn với những ‘siêu nhân’ phụ huynh

Dịch Covid-19 kéo dài: Vui buồn với những ‘siêu nhân’ phụ huynh

Đang vắt óc nghĩ cách xử lý công việc cơ quan thì chị Xuân nghe con gái lớn gọi vọng ra ‘Mẹ ơi, bài này phải làm thế nào mới đúng’, con trai nhỏ thì í ới: ‘Sao camera của cô tối thui rồi, cô đi đâu rồi?’… 
Con ở nhà học trực tuyến, ba mẹ thành "siêu nhân" /// BẢO HÂN
Con ở nhà học trực tuyến, ba mẹ thành “siêu nhân” BẢO HÂN

Làm giáo viên lớp 2 và cả lớp 6!

Chị Ngô Minh Xuân, ngụ tại lô A Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, phụ huynh có 2 con đang học Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết một tuần qua chị tối mặt tối mũi với việc nhà, việc cơ quan, việc học của con. “Tôi cảm thấy mình như một ‘siêu nhân’! Ông xã vẫn đi làm nên mọi việc chỉ có mình tôi giải quyết. Nào là lau dọn nhà cửa, nấu ăn, xử lý việc cơ quan… Cùng lúc đó là giải đáp và xử lý tất tần tật chuyện học trực tuyến cho con như bài giảng này phải tải xuống thế nào, câu này con chưa hiểu, camera bị tắt, mạng bị out… Nhiều lúc ngồi vật ra ghế với mái tóc bù xù, mặt chưa kịp rửa, thở dốc ra. Và nghĩ công nhận mình cũng tài”, chị Xuân kể lại đầy hài hước.
Dịch Covid-19 kéo dài: Vui buồn với những 'siêu nhân' phụ huynh - ảnh 1

Mạng trục trặc là sự cố mà ba mẹ thường xuyên phải xử lý nhất khi con học trực tuyến T.M

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Mai có con trai lớn học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Bé và con trai nhỏ học Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng không ngờ mình lại có thể làm được nhiều việc đến thế.
Từ khi 2 con bước vào học trực tuyến, chị Mai bận rộn từ sáng đến tối, cùng lúc vừa làm bao việc. Từ việc cơ quan, việc nhà đến việc “biến hình” thành giáo viên lớp 2 cho cậu út, trong phút chốc lại hoá thân thành giáo viên lớp 6 cho cậu cả. Không những vậy, còn sửa mạng, chỉnh máy tính để xử lý những trục trặc trong lúc con học bài.
Chị Mai kể: “Có lúc đang hí húi dọn dẹp nhà thì bạn lớn gọi: ‘ Mẹ ơi, bài này làm sao, sao con tải về không được’. Dừng việc nhà qua xử lý còn chưa xong thì bạn nhỏ lại gọi: ‘Mẹ ơi, sao con không nghe tiếng cô nữa, màn hình nó bị quay rồi’. Tôi phải mang 2 chiếc điện thoại ra, bật 4G lên để chữa cháy. Vừa xử lý xong cho bạn nhỏ thì bạn lớn lại í ới: ‘Mẹ, cô kêu ghi ra tập, mà ghi cái gì con không hiểu’. Tôi đành phải ngồi núp phía dưới, lấy một bên tai nghe để nghe xem cô dặn gì. Chưa nghe hết thì bạn nhỏ lại hét lên: ‘mẹ ơi, điện thoại sắp hết pin'”.
Cứ thế, chị Mai quay như chong chóng cả buổi. Chưa kể, cậu con út có tính mắc cỡ nên chị Mai thường xuyên phải ngồi kế bên con mới chịu bật camera lên, khiến chị Mai phải tạm ngưng các công việc khác.

Mong hết dịch chứ ba mẹ “đuối” lắm rồi!

Chị Hoàng Thi Thanh, chung cư Khánh Hội, Q.4, TP.HCM cũng vừa phải lo làm việc, vừa lo nấu cơm 3 bữa, vừa hỗ trợ 2 con gái học trực tuyến. Mấy hôm đầu phần mềm vô ra liên tục nên chị Thanh và ông xã trở thành chuyên gia khắc phục sự cố máy tính – mạng luôn. “Cả 2 con cùng học ca sáng nên phân ra ba hỗ trợ chị lớn, mẹ hỗ trợ bé út. Trước đây tối đến tôi mới kiểm tra bài con học xong chưa, thì nay phải dành nhiều thời gian hơn. Đặc biệt bé lớn vừa lên THCS, chương trình mới nhiều bỡ ngỡ, nên phải hỗ trợ sát sao. Cuối tuần thay vì nghỉ ngơi thì tôi lại phải dò bài học và bài tập con làm trên phần mềm K12Online theo “nhiệm vụ” giáo viên giao cho phụ huynh”, chị Thanh cho biết.
Dịch Covid-19 kéo dài: Vui buồn với những 'siêu nhân' phụ huynh - ảnh 2

Trẻ học trực tuyến rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc xử lý các trục trặc về mạng, thiết bị MỸ QUYÊN

Điều khó hơn cả đối với không ít phụ huynh, là phải trở thành… giáo viên bất đắc dĩ của con. Để trả lời được những thắc mắc về môn toán lớp 5 của con, anh Hồ Hải Minh (chung cư Khang Phú,Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết mình phải suy nghĩ… mướt mồ hôi. “Tôi đọc cuốn sách giáo khoa toán mà hoa cả mắt vì tôi nhớ ngày xưa mình học đâu có khó vậy. Cô giao bài tập trắc nghiệm, cho con làm lần đầu chỉ đúng được 5 câu. Lần 2, sau khi ba hướng dẫn thì đúng thêm được một câu. Căng thẳng lắm. Chưa kể môn tiếng Việt, xem qua mấy trang đầu thấy nào là từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa… tôi cũng không giỏi để hướng dẫn cho con. Tình hình mà học trực tuyến mà kéo dài cả học kỳ là rất gay go”, anh Minh bày tỏ.
Chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi với con trong những ngày giãn cách xã hội cũng khiến cả nhà anh Minh đau đầu. Lo con học trực tuyến tiếp xúc nhiều với màn hình hại mắt, buổi chiều anh Minh lại phải tìm cách kéo con ra khỏi chiếc điện thoại bằng việc cùng con tập thể dục, ráp tranh, chơi cờ… “Mong cho dịch Covid-19 mau qua để các con được tới trường, còn ba mẹ thì đi làm như trước đây. Chứ ở nhà mãi thế này, có là ‘siêu nhân’ cũng đuối sức”, phụ huynh Minh dí dỏm chia sẻ.
MỸ QUYÊN
TNO