23/01/2025

Tự sát vẫn bị xem là hành vi phạm tội ở 20 nước

Tự sát vẫn bị xem là hành vi phạm tội ở 20 nước

Giới chuyên môn kêu gọi phi hình sự hóa hành vi tự sát trong quy định vẫn còn tồn tại ở nhiều nước, nhằm giúp đỡ các nạn nhân.
Việc hình sự hóa hành vi tự sát dẫn đến nạn kỳ thị và cản trở nạn nhân được giúp đỡ /// Ảnh chụp màn hình Indian Express
Việc hình sự hóa hành vi tự sát dẫn đến nạn kỳ thị và cản trở nạn nhân được giúp đỡ  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH INDIAN EXPRESS
Tờ The Guardian ngày 9.9 dẫn báo cáo mới công bố cho thấy tự sát vẫn bị xem là hành vi phạm tội tại 20 nước, với số tiền phạt lên đến hàng ngàn USD và hình phạt tù giam lên đến 3 năm.
Báo cáo của tổ chức Liên minh vì Sức khỏe tâm thần toàn cầu (UnitedGMH – Anh) cho biết tại nhiều quốc gia, trẻ em có thể bị truy tố vì hành vi toan tính tự sát và tại Nigeria, trẻ em từ 7 tuổi có thể bị bắt và xét xử vì hành vi đó.
Một số quốc gia xem hành vi tự sát phải bị trừng phạt theo luật Hồi giáo. “Việc tội phạm hóa tự sát là phản tác dụng, không răn đe những người muốn kết thúc mạng sống”, theo bà Sarah Kline, đồng sáng lập UnitedGMH.
“Trong khi đó, quy định này lại ngăn cản mọi người tìm kiếm sự hỗ trợ trong thời điểm khủng hoảng trầm trọng và cản trở họ nhận hỗ trợ cần thiết về sức khỏe tâm thần”, bà phân tích.
Chuyên gia tâm thần học Lakshmi Vijayakumar tại Ấn Độ, nhà sáng lập một tổ chức phòng ngừa tự sát, cho biết bà đã chứng kiến ảnh hưởng của luật pháp tội phạm hóa hành vi tự sát.
Bà cho rằng chính quy định này góp phần làm kỳ thị liên quan sức khỏe tâm thần. “Các luật này không phải lý thuyết. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến những người dễ tổn thương nhất tại những quốc gia dễ tổn thương nhất”, bà chỉ trích và cho biết các luật này tồn tại ở nhiều nước thu nhập trung bình và thấp, nơi xảy ra 77% các vụ tự sát trên thế giới.
Trong những năm gần đây, một số nước đã bắt đầu thay đổi luật liên quan tự sát. Tại Quần đảo Cayman, tự sát không còn bị xem là hành vi phạm tội từ tháng 12.2020 sau một chiến dịch nhấn mạnh rằng chỉ 5% trẻ em và người trẻ có nguy cơ đã tìm kiếm hỗ trợ, do nạn kỳ thị một phần xuất phát từ việc hình sự hóa hành vi tự sát.
Quần đảo Cayman sau đó xem hành vi tự sát là vấn đề về sức khỏe tâm thần, không còn là tội hình sự.
Tự sát vẫn còn là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, cao hơn so với HIV, sốt rét, ung thư vú hay thậm chí chiến tranh. Vào năm 2019, hơn 700.000 người tự sát trên thế giới, chiếm 1% trong tổng số tử vong trên toàn cầu.
Đáng chú ý, mỗi người tử vong do tự sát tương ứng với 20 người có hành vi tự sát bất thành. Bà Kline cho biết nhiều nước đã đồng ý rằng phi hình sự hóa là biện pháp quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tự sát và giờ đây là lúc các nước còn lại sửa đổi luật.
KHÁNH AN
TNO