10/01/2025

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao?

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao?

Biến thể Delta đang phà hơi nóng vào gáy nước Mỹ: các bệnh viện ở vùng có tỉ lệ tiêm vắc xin thấp dần quá tải, khẩu trang đã quay trở lại, nhiều công ty lùi ngày quay lại văn phòng.

 

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Người Mỹ xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy tờ tùy thân trước khi vào xem tại Nhà hát Broadway Walter Kerr ở thành phố New York, ngày 2-9-2021 – Ảnh: REUTERS

Mặc dù biến thể Delta là mối đe dọa thật sự, nước Mỹ hiện nay sẽ không giống với bản thân họ một năm trước. Tỉ lệ người Mỹ tiêm vắc xin không đủ để ngăn chặn dịch lây lan nhưng vừa đủ để mở cửa nền kinh tế và duy trì đời sống bình thường mới.

Ứng biến – Thích nghi – Vượt qua

“Ứng biến – Thích nghi – Vượt qua” (Improvise – Adapt – Overcome) là câu nói nổi tiếng của Bear Grylls trong loạt chương trình truyền hình đề tài sinh tồn trong tự nhiên Men vs Wild (Con người đối mặt với thiên nhiên) phát trên kênh Discovery.

Câu nói thương hiệu của Bear Grylls trong lúc này có lẽ rất hợp để nói về nền kinh tế Mỹ, vốn đã phải học cách thích nghi với thế giới trong đại dịch.

Với sự gia tăng của ca bệnh do biến thể Delta, nhiều thành phố Mỹ áp đặt các quy tắc của riêng họ để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao? - Ảnh 2.

Người hâm mộ tennis xuất trình bằng chứng tiêm chủng trước khi vào sân dự khán trận đấu thuộc giải US Open 2021 tại thành phố New York, ngày 30-8-2021 – Ảnh: REUTERS

Theo Business Insider, thành phố New York (bang New York) và thành phố San Francisco (bang California) yêu cầu bằng chứng đã tiêm vắc xin để tham gia các hoạt động trong nhà như ăn uống và sử dụng phòng tập thể dục.

Sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt đầy đủ vắc xin COVID-19 của Pfizer để sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên vào ngày 23-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải tiêm vắc xin nếu không muốn phải thực hiện những yêu cầu khắt khe về xét nghiệm.

Ông Biden ví vắc xin COVID-19 như các vắc xin đã giúp đẩy lùi bệnh bại liệt, đậu mùa, sởi, quai bị và rubella. Ông nhấn mạnh việc buộc tiêm vắc xin là không mới, mà đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua với học sinh, nhân viên y tế và quân nhân.

Các hãng hàng không cũng ủng hộ chủ trương này. Hãng bay United Airlines ban đầu từ chối “ép” nhân viên tiêm vắc xin nhưng rồi cũng thay đổi quan điểm kể từ tháng 6 năm nay.

United Airlines quy định nhân viên mới phải cung cấp bằng chứng đã tiêm vắc xin thì mới được tuyển dụng. Tất cả các nhân viên của công ty phải tải bằng chứng đã tiêm đủ hai liều vắc xin của Pfizer hoặc Moderna hoặc một liều vắc xin Johnson & Johnson trước ngày 1-10.

Những diễn biến ở Mỹ cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa mở cửa nền kinh tế và tỉ lệ tiêm vắc xin. Bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci hồi đầu tháng 8 cho rằng đã có đủ số người tiêm chủng nên việc phong tỏa là không cần thiết, dù số ca bệnh vẫn sẽ tăng ở những người chưa tiêm.

Tới ngày 23-8, ông Fauci thậm chí khẳng định Mỹ sẽ kiểm soát được dịch COVID-19 vào mùa xuân năm 2022 nếu nhiều người tiêm vắc xin hơn.

Tỉ lệ tiêm chủng cao giúp nền kinh tế chuẩn bị tốt hơn trước làn sóng bùng phát mới nhất. Các chuyên gia dự đoán suy thoái kinh tế do biến thể Delta chỉ là một phần nhỏ so với suy thoái đầu năm 2020.

David Kelly, giám đốc chiến lược toàn cầu của quỹ quản lý tài sản J.P.Morgan, cho biết nền kinh tế đang “đột biến”, khiến nó ít bị tổn thương hơn. Ông trích dẫn 4 sự thay đổi sẽ bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc suy thoái tiếp theo: thực đơn bằng mã QR tại nhà hàng, thương mại điện tử phát triển, bùng nổ hình thức làm việc từ xa và chuyển đổi từ tiền mặt sang dùng thẻ.

Dự báo kinh tế từ đầu quý 3 cũng có nhiều triển vọng. Hãng tin Bloomberg dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 1,8% trong quý 3 so với quý 2.

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao? - Ảnh 3.

Người đi đường nhìn tấm bảng tuyển dụng đặt bên ngoài một cửa hàng ở thành phố New York, ngày 6-8-2021 – Ảnh: REUTERS

Trong tháng 7, Mỹ có thêm gần 1 triệu việc làm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống còn 375.000 vào tuần đầu tiên của tháng 8. Chi tiêu cũng tăng mạnh khi trung tâm thương mại mở cửa.

Nếu kể ra những gì con người học được từ đại dịch, thì đó là cuộc sống vốn không chắc chắn điều gì. Vẫn còn đó những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bị đe dọa, trong khi các quốc gia khác cũng đang chật vật khi biến thể Delta bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, Richard Curtin, nhà kinh tế từ Đại học Michigan, nói với tờ Business Insider vào ngày 13-8 rằng biến thể Delta có thể không gây hại cho nền kinh tế như mọi người nghĩ. Ông Curtin cho rằng nếu kinh tế tiếp đà phục hồi và tỉ lệ tiêm chủng được cải thiện thì người Mỹ có thể chuyển hướng lạc quan.

Có 2 nước Mỹ

Người đã tiêm vắc xin sẽ có thể dần quay trở lại cuộc sống bình thường. Điều nổi bật là nền kinh tế Mỹ lúc này như một sự chắp vá của các khu vực tiêm chủng nhiều và khu vực tiêm ít.

Tính đến ngày 5-9, Mỹ đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin cho hơn 50% dân số và tiêm 1 liều cho hơn 70% dân. Mỹ đạt cột mốc phủ vắc xin 70% người trưởng thành vào đầu tháng 8 nhưng rất ít người ăn mừng. Nhiều người bực tức khi tiến độ tiêm chủng bị đình trệ tại một số khu vực ở miền nam và trung tây.

Sự phân chia giữa những người đã tiêm vắc xin và người chưa tiêm tuân theo ranh giới địa lý và chính trị. Các bang nghiêng về Dân chủ ở đông bắc như Vermont và Massachusetts dẫn đầu về tỉ lệ tiêm. Trong khi các bang Cộng hòa như Alabama và Mississippi có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất và số ca nhập viện tăng mạnh nhất.

Mỹ thích nghi với biến thể Delta để mở cửa kinh tế ra sao? - Ảnh 4.

Biểu tình phản đối tiêm vắc xin bắt buộc ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 25-8-2021 – Ảnh: REUTERS

Dược sĩ Ryan Jackson ở Alabama cho biết ông đã nghe đủ mọi lý do từ chối tiêm vắc xin: lo sợ tác dụng phụ như vô sinh, tin rằng sự nguy hiểm của COVID-19 đã được phóng đại, thuyết âm mưu về vắc xin chứa vi mạch để chính phủ theo dõi…

“Tôi không muốn trở thành con chuột lang”, Renee Dunn, 43 tuổi, quản lý một nhà hàng thức ăn nhanh nói trong cuộc phỏng vấn với báo LA Times vào đầu tháng 8.

Dunn nói chính trị không liên quan đến quyết định không tiêm vắc xin. Cô chỉ quan tâm đến việc cấp phép vắc xin của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Sau cùng, thực tế vẫn là nhiều người chưa tiêm, COVID-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần và những người đã tiêm cũng chưa chắc thoát khỏi COVID-19.

Các loại vắc xin được cấp phép vẫn đang làm tốt việc giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ở người mắc bệnh. Vắc xin được tiêm miễn phí ở Mỹ, lựa chọn lúc này đã bày ra trước mắt người dân: họ muốn trở thành một phần của nước Mỹ chưa tiêm hay đã được tiêm?

MINH KHÔI
TTO