3 người phụ nữ có công lớn giúp thế giới chống Covid-19
3 người phụ nữ có công lớn giúp thế giới chống Covid-19
Gần một năm rưỡi kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là một đại dịch và virus SARS-CoV-2 vẫn gây ra tác động tàn khốc trên toàn cầu. Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều người phụ nữ làm việc trong các ngành khoa học đang ở tuyến đầu. Đó có thể là các nhân viên y tế hoặc những người nghiên cứu vắc xin hoặc phương pháp điều trị Covid-19. Nhờ họ, thế giới trở nên an toàn hơn. Họ cũng là niềm cảm hứng để các trẻ em gái tham gia vào khoa học.
Nhà khoa học Oxford
Một trong những nhà khoa học nữ đã đóng góp to lớn cho công cuộc chống dịch của thế giới là bà Sarah Gilbert, giáo sư về vắc xin tại Viện Jenner của Đại học Oxford (Anh). Bà và các cộng sự là người đã nghiên cứu thành công vắc xin ngừa Covid-19 Oxford/AstraZeneca.
Bà mẹ ba con này đã nghiên cứu vắc xin sốt rét, cúm và Ebola. Khi dịch MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông) bùng lên, bà Gilbert bắt đầu phát triển vắc xin cho loại virus corona này.
|
Tuy nhiên, vắc xin MERS chỉ mới thử nghiệm lần thứ hai thì đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 ở Trung Quốc. Nhà khoa học này nhận ra rằng mình có thể tạo ra vắc xin Covid-19 tương tự cách đã làm với MERS. Do đó, bà và nhóm của mình đã nhanh chóng bắt tay vào việc thiết kế vắc xin ngừa Covid-19.
Sự cố gắng của họ đã mang đến thành tựu lớn. Ngày 23.11.2020, Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố vắc xin ngừa Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90%. Đến nay, vắc xin của Oxford/AstraZeneca đã được 121 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng, theo thống kê của Wego Travel Blog.
Điều đặc biệt hơn nữa là vắc xin này chỉ được bán với giá 3 USD/liều và công ty AstraZeneca cũng hứa sẽ không thu lợi khi đại dịch đang diễn ra, giúp các nước đang phát triển và nước nghèo có thể tiếp cận vắc xin.
Công nghệ mRNA
Dù không trực tiếp tạo ra vắc xin Covid-19 như bà Sarah Gilbert, bà Katalin Kariko, nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, là người đứng sau thành công của công nghệ mRNA. Nhờ công nghệ này, các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đã tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả cao.
Con đường khoa học của bà Kariko không suôn sẻ. Người phụ nữ sinh ra và lớn lên tại Hungary này liên tục phải trải qua thử thách. Được đào tạo ngành hóa sinh và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Szeged, Hungary, bà Kariko chọn làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của trường. Đến năm 1985, khi chương trình nghiên cứu hết kinh phí, bà Kariko cùng chồng và con gái 2 tuổi đến Mỹ để bà có thể làm việc tại Đại học Temple ở Philadelphia. Năm 1989, bà chuyển sang nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania.
|
Bà Kariko tập trung vào ứng dụng y học của mRNA. Tuy nhiên, ý tưởng dùng mRNA để chống lại bệnh tật của bà khi đó được xem là không có khả năng thành công. Bà nộp đơn xin tài trợ hết lần này đến lần khác nhưng đều bị từ chối. Trong thời gian đó, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và bị Đại học Pennsylvania giáng cấp vào năm 1995. Tuy vậy, bà vẫn kiên trì với ý tưởng nghiên cứu của mình.
Chính trong thời gian khó khăn đó, bà Kariko gặp được bác sĩ miễn dịch học Drew Weissman vào năm 1997. Ông Weissman nhanh chóng nhận ra tiềm năng của nghiên cứu này và đồng ý cùng tham gia với bà Kariko.
Năm 2005, bà Kariko và ông Weissman công bố kết quả nghiên cứu của mình. Họ đã thành công trong việc đưa mRNA vào tế bào mà không gây ra phản ứng mạnh.
Công trình của họ nhận được sự chú ý của Derrick Rossi, người đã cùng các đồng nghiệp lập nên công ty Moderna vào năm 2010. Hai nhà sáng lập BioNTech, ông Ugur Sahin và vợ là Ozlem Tureci, cũng thấy được tiềm năng của công nghệ mRNA trong sản xuất dược phẩm. Từ đó, thành tựu nghiên cứu của bà Kariko được áp dụng rộng rãi trong việc giúp thế giới chống lại đại dịch.
Người mang vắc xin đến nước nghèo
Không đóng góp trực tiếp vào quá trình nghiên cứu ra các loại vắc xin Covid-19, song, bà Aurélia Nguyen là người có vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển tiếp cận vắc xin. Người phụ nữ này đang chịu trách nhiệm điều phối chương trình COVAX do Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng Đối phó Đại dịch (CEPI) phối hợp thực hiện.
Trên cương vị đó, bà Nguyen phải quản lý nguồn quỹ do các quốc gia đóng góp và đảm bảo ký được thỏa thuận mua vắc xin Covid-19 để chia sẻ miễn phí cho những nước ít nguồn lực hơn.
|
Đây là công việc không dễ dàng vì COVAX phải cạnh tranh với những nước giàu để lấy được nguồn vắc xin cần thiết. Dù vậy, tính đến ngày 24.8, COVAX đã phân phối hơn 215 triệu liều vắc xin cho 138 quốc gia và lãnh thổ tham gia cơ chế này, trong đó có Việt Nam.
Bà Nguyen lấy bằng thạc sĩ Chính sách y tế, kế hoạch và tài chính của Trường Vệ sinh và Y Nhiệt đới ở London (Anh), và của Trường Kinh tế London. Bà Nguyen gia nhập GAVI năm 2011. Trước đó, bà đảm nhận một số vị trí cấp cao tại hãng dược GlaxoSmithKline.
Người phụ nữ này cũng được tạp chí Time vinh danh trong danh sách 2021 TIME100 NEXT tôn vinh “100 cá nhân đang định hình tương lai cho lĩnh vực của họ và xác định thế hệ lãnh đạo tiếp theo”.
ĐÔNG A
TNO