Chúa Nhật XXI TN B 2021: Lời đem lại sự sống đời đời

Giống như người Do Thái thời trước, dù tận mắt thấy Đức Giêsu làm rất nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại, cho bánh cá hoá nhiều, họ vẫn không tin Đức Giêsu có những lời đem lại sự sống đời đời.

Chúa nhật XXI TN B – 2021

Lời đem lại sự sống đời đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Khi ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), có lẽ ông chưa hoàn toàn xác tín về điều mình nói. Bằng chứng là lúc Chúa Giêsu bị bắt, ông đã chối Thầy mình ba lần. Ông chỉ đạt được niềm tin trọn vẹn khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với ông. Rồi ông chỉ thể hiện niềm tin đó khi ông nhân danh Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ, cho chị Tabitha sống lại và cuối cùng bằng cái chết của chính mình trên thập giá. Trong tình trạng căng thẳng bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay, chúng ta được mời gọi hâm nóng lại niềm xác tín này.

1. Khát vọng sống

Trước tình hình nghiêm trọng vì số người bị nhiễm, bị chết tăng nhanh ở Việt Nam, nhất là ở Tp.HCM, nhiều người sợ hãi, khiếp đảm, thậm chí hoảng loạn và tuyệt vọng, vì không biết phải đối phó với dịch bệnh như thế nào. Trong mấy ngày qua, từ 19 đến 22/8/2021, số người bị nhiễm ở VN đạt mức kỷ lục 5 con số: hôm nay là 11.214, mà có tới một nửa là các ca nhiễm trong cộng đồng, chết 737 người. Tính riêng Tp.HCM hôm nay có 4.193 người nhiễm và 599 người chết. Trong ít ngày gần đây, mỗi ngày Tp.HCM có khoảng 300 người chết. Một số người chết vì không được cứu chữa kịp thời do tình trạng quá tải ở các bệnh viện (x. Bản tin Bộ Y tế, ngày 22/8/2021).

Sau gần 3 tháng giãn cách xã hội, với nhiều hoạt động đối phó với đại dịch, hơn 14.000 bác sĩ và nhân viên y tế khắp nơi tình nguyện vào Nam giúp đỡ, số người bị nhiễm và bị chết ở Tp.HCM vẫn ngày một tăng cao. Chính quyền phải đưa ra những biện pháp quyết liệt từ ngày 23/8/2021 với sự tham gia của cả quân đội, nhất là trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung. Cuộc chiến chống dịch đòi hỏi nhiều công sức, hiểu biết khoa học, phương tiện vật tư, nhất là cho các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và nguy kịch (điều trị ECMO), nhưng với khoảng 10 triệu dân phải nuôi ăn và chạy chữa, Tp.HCM nhận ra mình hụt hơi và không thể đáp ứng.

Tuy nhiên, khát vọng sống vẫn hừng hực trong tim của mọi người Sài Gòn để cùng với cả nước giúp nhau vượt qua cơn nguy khốn. Hàng trăm ngàn bữa ăn 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, túi thuốc chống dịch 0 đồng, mai táng và hoả thiêu 0 đồng lan rộng khắp nơi. Niềm khát vọng sống ấy chỉ có thể đạt tới đích điểm nếu người ta tìm về được với nguồn sự sống là Đức Giêsu Kitô như ông Phêrô và nhiều môn đệ của Người.

Giống như người Do Thái, dù tận mắt thấy Đức Giêsu làm rất nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại, cho bánh cá hoá nhiều, họ vẫn không tin Đức Giêsu có những lời đem lại sự sống đời đời. Thậm chí nhiều môn đệ khi nghe Đức Giêsu mời gọi họ nhận ra Người chính là thứ bánh thiêng tạo nên máu thịt cho họ khi họ “ăn” Người: “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, họ thấy “những lời đó chướng tai quá. Ai mà nghe nổi!”. Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Lời Đức Giêsu nói với họ “là Thần Khí và là sự sống”, nhưng họ lại chỉ hiểu theo nghĩa vật chất chứ không theo nghĩa tinh thần, theo nghĩa đen thay vì nghĩa bóng, theo sự sống tạm thời thay vì sự sống vĩnh hằng. Do đó, hiểu biết Đức Giêsu không phải là hiểu biết như một thứ khoa học, nhưng là ơn lành được Chúa Cha ban cho những ai muốn tự nguyện theo Con của Ngài.

Người dân Việt thời nay và nhiều tín hữu Công giáo có lẽ cũng chưa tin Đức Giêsu có những lời như thế, dù họ tận mắt thấy những phép lạ của tình yêu trong mùa dịch bệnh này (x. Bài suy niệm Chúa nhật XVII TN B 2021), dù họ vẫn đón nhận Thịt và Máu Đức Giêsu qua bí tích Thánh Thể. Niềm xác tín của họ vào Đức Giêsu mới chỉ là những hiểu biết tự nhiên và hành động theo phong trào, theo thói quen, chứ chưa phải bắt nguồn từ tình yêu được Chúa Thánh Thần thôi thúc và cũng chưa phải là một ơn ban của Chúa Cha từ lời cầu nguyện chân thành của mỗi người. Do đó khi gặp thử thách trong cơn dịch bệnh, họ ngã lòng, tuyệt vọng.

2. Làm thế nào để củng cố niềm xác tín vào Chúa Giêsu?

Câu hỏi đặt ra lần này: “Làm thế nào để củng cố niềm xác tín vào Chúa Giêsu” như Phêrô?

Trước hết, niềm xác tín này dựa vào ký ức trong quá khứ. Giống như Phêrô, khi ta nhớ lại những lời giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu, nhất là những gì Người làm cho mình, ta giữ vững được lòng tin: Người chính là nguồn sống phi thường của Thiên Chúa. Người có thể giúp ta sống đẹp, sống hùng, sống dồi dào và sung mãn như bao vị Thánh trong dòng lịch sử.

Người Do Thái vào thời của ông Giosuê cũng đã dựa vào ký ức lịch sử để giữ vững lòng tin. Họ nhắc lại với ông rằng: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác. Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi” (x. Bài đọc I, Gs 24,1-18). Việc gợi nhớ những ân huệ của Chúa trong quá khứ củng cố niềm tin của ta vào tình yêu Thiên Chúa, giúp ta vượt qua những thử thách của thời buổi hiện tại.

Yếu tố thứ hai, niềm xác tín này được nuôi dưỡng bằng những hành động yêu thương được ta thực hiện trong đời sống. Chúng nối kết ta với Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sự sống thần linh của Người, khi ta hoà nhập thành một với Người như vợ chồng hoà hợp với nhau. Đây chính là ý nghĩa của Bài đọc II (x. Ep 5, 21-32).

Thật vậy, mỗi người chúng ta là một bộ phận trong thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô là Hội Thánh, mà Người là đầu của thân thể này. Tất cả đều có chung một sự sống thần linh vì tất cả cùng được nối kết với nhau bằng cùng một tình yêu, cùng một tinh thần của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô chính là người chồng đã yêu thương vợ mình, là tất cả chúng ta, đến độ tự nguyện chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng để chảy ra những giọt máu và nước cuối cùng. Đó chính là vì Người muốn “thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”.

Trong mùa đại dịch này, mỗi hành động bảo vệ sự sống dành cho chính mình hay cho người khác, nhất là cho những anh chị em nghèo khổ, đều là những tác động yêu thương dẫn ta đi sâu vào tình yêu của Đức Giêsu và đều giúp ta cảm nhận được sự sống đời đời ở nơi mình.

Yếu tố thứ ba, niềm xác tín này được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện để ta được Chúa Cha yêu thương và đón nhận những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Đây là ý nghĩa của bài Tin Mừng (x. Ga 6,60-69). Đức Giêsu mời gọi các môn đệ tin vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một Ngài cho tất cả con cái và không tiếc ban Thánh Thần với muôn ơn cho ta để giúp ta nhận ra Đức Giêsu chính là “Ngôi Lời ban sự sống”: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.

Trong đại dịch này, nhiều kinh nghiệm, bài thuốc chữa trị được chia sẻ trên các trang mạng truyền thông, đúng sai lẫn lộn. Vì thế ta cần hiểu biết khoa học chính xác để bảo vệ mình và giúp đỡ người khác. Chúng ta nên biết rằng virus Sars-CoV-2 này khởi đầu lưu trú ở hốc mũi, rồi khi đã sản sinh đủ số lượng, chúng dồn xuống họng, tạo thành những lớp nấm bao phủ các đường ống dẫn khí và phế nang khiến bệnh nhân dần dần nghẹt thở. Vì thế ta phải đẩy chúng nhanh chóng ra khỏi hốc mũi và họng bằng cách xịt rửa mũi hay súc họng bằng thuốc, nước muối, nhất là Betadine (Povidone Iodine 1%), xông bằng nước nóng có tinh dầu, tỏi, sả, gừng.

Nhiều người chết trong các khoa hồi sức cấp cứu vì không ai giúp họ súc miệng để đẩy nấm bám đầy trong miệng và họng ra ngoài. Các bác sĩ, điều dưỡng đã quá mệt mỏi theo dõi khí thở, dịch truyền và đủ thứ kỹ thuật chữa trị, đồng thời phải lo cả việc ăn uống, vệ sinh cho bệnh nhân, nên không còn sức. Các tình nguyện viên có thể giúp bệnh nhân ngồi lên, nhắc bảo bệnh nhân thở sâu, vừa xoa nhẹ ở vùng ngực chỗ xương ức, vỗ nhẹ phía sau lưng, xoa dọc theo xương sống từ cổ xuống giữa lưng để kích thích các đường dây thần kinh chi phối hoạt động của phổi và tim. Những sự kiện này nhắc nhở ta phải giữ sạch buồng phổi thiêng liêng để có thể thở được Thần Khí của Thiên Chúa vì “lời Chúa là Thần Khí và là sự sống”.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy đặt tất cả niềm tin vào Chúa Giêsu như các tông đồ xưa, vì chỉ có Người mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Rồi ta sẽ cảm nghiệm được sự sống lạ lùng ấy ngay trong trần thế này.

HKK