Doanh nghiệp nông sản bàn cách chống đứt gãy sản xuất do khung giờ ‘hạn chế đi lại’

Doanh nghiệp nông sản bàn cách chống đứt gãy sản xuất do khung giờ ‘hạn chế đi lại’

Quy định người dân ra đường từ 6 giờ – 18 giờ hàng ngày để phòng dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây, nông sản lo nhà máy đứt gãy sản xuất khi công suất hoạt động chỉ còn 20 – 30%.
Các tỉnh phía Nam cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của Bắc Giang trong thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trong điều kiện dịch Covid-19 /// Ảnh Phan Hậu

Các tỉnh phía Nam cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của Bắc Giang trong thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trong điều kiện dịch Covid-19  ẢNH PHAN HẬU
Quy định người dân chỉ được ra khỏi nhà từ 6 – 18 giờ hàng ngày để phòng dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây, nông sản lo nhà máy sẽ đứt gãy sản xuất khi công suất hoạt động chỉ còn 20 – 30%.

Lo mất thị trường

Chiều nay, 29.7, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh hàng nông sản phản ánh, việc TP.HCM và các tỉnh áp dụng quy định chỉ cho người dân ra ngoài đường từ 6 giờ – 18 giờ hàng ngày đang khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết trước đây lịch làm việc của công nhân nhà máy khoảng 2 giờ sáng rời khỏi nhà, di chuyển đến 4 giờ có mặt tại nơi thu hoạch và khoảng 6 giờ sáng là đưa hàng về sơ chế, phân loại.
Nhưng từ khi thực hiện quy định chống dịch, 6 giờ mới được phép rời nhà,  công nhân đi làm phải thực hiện thêm thủ tục khai báo y tế, thì phải 9 giờ mới đến nơi làm việc. “Hàng về được nhà máy thì cũng quá trưa trưa rồi. Ăn, nghỉ xong, công nhân loay hoay làm được vài tiếng là lo về nhà trước giờ giới nghiêm”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, trước đây mỗi ngày, nhà máy xử lý, phân loại được trên 100 tấn hàng thì từ khi công nhân phải thực hiện giờ giới nghiêm, thì công suất nhà máy chỉ còn 20 – 30%.

Khó vận chuyển hàng đi tiêu thụ

Cũng tại diễn đàn, đại diện Hợp tác xã Mỹ Thạnh (H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) cũng phản ánh gặp khó vì quy định không được ra đường sau 18 giờ của TP.HCM.
Theo vị này, sau khi được Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT kết nối với đơn hàng 100 triệu đồng bán rau, củ, quả cho siêu thị tại tỉnh Đồng Nai. Đơn vị này liên tiếp có thêm đơn hàng trị giá 50 – 250 triệu đồng ở khắp các tỉnh, trong đó có địa bàn TP.HCM.
Hiện tại, mỗi ngày đơn vị này cung ứng ra thị trường từ 15 – 20 tấn rau, củ. Nhưng quy định 18 giờ không được ra đường áp dụng tại TP.HCM và các địa phương kiến hợp tác xã này đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển rau, củ, quả đến nơi tiêu thụ.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng để duy trì được sản xuất, lưu luông hàng hóa nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hiện nay thì các địa phương phía Nam cần học kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều vừa qua. Dù là điểm nóng dịch bệnh nhưng hàng trăm nghìn tấn vải được tiêu thụ hết nhờ cách làm linh hoạt.
“Đối với vận chuyển thì học yêu cầu các doanh nghiệp cho xe nằm vùng để chuyển hàng ở các cửa ngõ, dù thực hiện “lệnh giới nghiêm” nhưng nếu áp dụng các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng dịch thì nông dân vẫn được thu hái bình thường”, ông Tuấn gợi ý.
PHAN HẬU
TNO