23/11/2024

Mỹ lo làn sóng Covid-19 mới

Mỹ lo làn sóng Covid-19 mới

Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh tại 2/3 số quận tại Mỹ, buộc chính quyền các cấp phải triển khai biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn làn sóng mới.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện tại bang Utah (Mỹ) /// REUTERS
Điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện tại bang Utah (Mỹ)  REUTERS
Dữ liệu mới nhất của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy 63% trong hơn 3.200 quận trên cả nước Mỹ có mức độ lây nhiễm Covid-19 từ đáng kể đến cao, tương đương 50 ca nhiễm trở lên trên 100.000 dân trong 7 ngày qua.

Mối nguy từ biến chủng Delta

Số ca nhiễm nhảy vọt trong lúc biến chủng Delta lây lan mạnh và tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 chậm lại. Trong tuần qua, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày là hơn 57.300 ca, tăng dần từ mốc 11.351 ca hôm 22.6. Trong vòng một tuần tính đến ngày 27.7, số ca nhiễm đã tăng 50% trở lên tại 35 bang so với một tuần trước đó. Theo CNN, cựu Giám đốc CDC Tom Frieden dự báo trong 4 – 6 tuần nữa, Mỹ có thể ghi nhận 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày như hồi tháng 1. Ông cho rằng tuy số ca tử vong sẽ không khủng khiếp như trước đây nhờ việc tiêm vắc xin nhưng những ca tử vong đó đáng ra có thể ngăn chặn.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói rằng các trường hợp đã tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn nhiễm Covid-19 là rất hiếm, nhưng dữ liệu mới cho thấy biến chủng Delta làm gia tăng khả năng lây nhiễm từ những trường hợp này so với trước đây. Cụ thể, theo nghiên cứu của CDC, tải lượng vi rút của người đã tiêm vắc xin nhưng bị nhiễm bệnh tương đương tải lượng vi rút của bệnh nhân chưa tiêm vắc xin. Một nghiên cứu khác trên chuyên san Virological cho thấy tải lượng vi rút của những bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta cao hơn 1.000 lần so với bệnh nhân nhiễm bệnh vào giai đoạn dịch mới bắt đầu năm 2020. Các chuyên gia nhận định điều này đồng nghĩa những người đã tiêm phòng nếu nhiễm biến chủng Delta vẫn có khả năng lây nhiễm tương đương người chưa tiêm phòng.
Tính đến hôm qua, 56,9% tổng dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 49,2% đã tiêm đủ liều. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tốc độ tiêm chủng chậm lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ông Paul Offit, Giám đốc Trung tâm giáo dục vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia, nhấn mạnh việc vi rút tiếp tục lây lan có nguy cơ tạo ra các biến chủng mới, giảm hiệu lực của vắc xin.

Siết chặt quy định

Theo khuyến cáo mới của CDC, để tối ưu khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta, người đã tiêm vắc xin phải đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng tại những vùng dịch lây lan mạnh. Khẩu trang cũng được khuyến cáo sử dụng tại toàn bộ hệ thống trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 trên cả nước, bất kể tình trạng chủng ngừa.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng còn cân nhắc ban hành quy định bắt buộc toàn bộ nhân viên liên bang tiêm vắc xin hoặc phải làm xét nghiệm định kỳ. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến những tranh luận về vấn đề pháp lý. Dự kiến trong ngày 29.7, Tổng thống Joe Biden sẽ phát biểu trực tiếp về thách thức từ biến chủng Delta và công bố những biện pháp mới để buộc người dân Mỹ tiêm vắc xin. Việc tiêm vắc xin tại Mỹ đến nay là tự nguyện nhưng chính quyền một số thành phố, tiểu bang gần đây đã bắt buộc nhân viên phải tiêm trong bối cảnh đại dịch lan mạnh. Bộ Cựu chiến binh Mỹ là cơ quan liên bang đầu tiên đưa ra quy định này.
Theo giới chức y tế Mỹ, việc đeo khẩu trang giúp giảm lây lan nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Thay vào đó, tiêm vắc xin mới là chìa khóa để giúp chấm dứt đại dịch. “Điều không thay đổi là các vắc xin vẫn hiệu quả, vẫn cứu người, ngăn ngừa nhập viện với tỷ lệ cao đáng kinh ngạc”, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy nói. Trả lời câu hỏi của Đài PBS về việc liệu quy định tiêm vắc xin có ảnh hưởng đến sự tin tưởng của những người chưa tiêm vắc xin và làm mất đi động lực tiêm chủng, bác sĩ Anthony Fauci – chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, đáp: “Tôi lại nghĩ ngược lại. Chúng ta đáng lẽ không ở trong tình huống này nếu phần lớn dân số đã tiêm chủng”.
Câu chuyện thành công của Bhutan
Bhutan chỉ mất một tuần để tiêm liều thứ hai vắc xin Covid-19 cho 90% dân số trưởng thành. UNICEF cho hay đến ngày 27.7, khoảng 480.000 trong tổng số 530.000 người trưởng thành ở nước này đã tiêm xong mũi thứ hai. Theo CNN, toàn bộ công dân Bhutan từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm vắc xin Moderna hoặc AstraZeneca miễn phí. Trong đó, nửa triệu liều Moderna được Mỹ viện trợ qua chương trình COVAX, 250.000 liều AstraZeneca do Đan Mạch viện trợ. Trong đợt tiêm liều đầu tiên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nước này dựa vào 550.000 liều AstraZeneca do Ấn Độ viện trợ. Dự kiến sẽ có thêm hơn 150.000 liều vắc xin AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Sinopharm chuẩn bị đến Bhutan từ nguồn tài trợ của Croatia, Bulgaria, Trung Quốc và các nước khác. Bên cạnh đó, chính phủ Bhutan mua thêm 200.000 liều Pfizer/BioNTech để tiêm cho hơn 2.000 trẻ độ tuổi 12 – 17 ở hai huyện giáp biên giới Ấn Độ. Đến nay, Bhutan có khoảng 2.500 ca nhiễm và 2 ca tử vong vì Covid-19.
H.G
Tình hình tại Đông Nam Á rất căng thẳng
Số ca nhiễm Covid-19 tại Campuchia hôm qua vượt mốc 75.000 trong lúc biến chủng Delta đang gây lo ngại lớn. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan nhận xét việc số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày ở mức cao cho thấy biện pháp phòng dịch tại nước này vẫn chưa thành công. Theo tờ Khmer Times, WHO và Bộ Y tế Campuchia kêu gọi cần đặc biệt cảnh giác với những ca nhiễm biến chủng Delta không triệu chứng.
Thái Lan cùng ngày công bố số ca nhiễm kỷ lục 16.533. Những ngày qua, số ca mắc tại Thái Lan trên mức 10.000 mỗi ngày trong khi số tử vong là hơn 100 ca/ngày. Trong khi đó, Malaysia hôm qua cũng thông báo 17.405 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ đầu dịch. Theo tờ The Star, giới chức y tế nước này dự báo con số sẽ tăng mạnh trong vài ngày tới khi người dân được khuyến khích làm xét nghiệm nhanh tại nhà. Truyền thông Philippines hôm qua đưa tin Manila đang chuẩn bị phương án phong tỏa thủ đô nhằm ngăn chặn đợt bùng dịch mới trong lúc biến chủng Delta đang lây lan trên cả nước.
BẢO VINH
TNO