23/01/2025

Trường học, nhà trọ dành chỗ cho công nhân

Trường học, nhà trọ dành chỗ cho công nhân

Để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy do thực hiện giãn cách khi đang vào mùa thu hoạch tôm, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại ĐBSCL đã thuê nhà trọ, khách sạn và trưng dụng trường học… để công nhân lưu trú theo mô hình “3 tại chỗ”.

 

Trường học, nhà trọ dành chỗ cho công nhân - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được thuê để làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân nhà máy chế biến thủy sản – Ảnh: K.TÂM

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, do thời tiết và môi trường thuận lợi, người nuôi tôm tại Sóc Trăng năm nay thắng lớn, sản lượng tôm thu hoạch trên 10.000 tấn với giá cả rất tốt.

Tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất

Ông Nguyễn Thanh Trong, trưởng ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Sóc Trăng, cho biết đến nay đã có 11 doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đăng ký sản xuất (3 tại chỗ) với 6.800 công nhân. Ngoài ra, còn có 21 cơ sở ngoài KCN đăng ký sản xuất (3 tại chỗ) với khoảng 3.500 công nhân.

Theo ông Trong, nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đang thu hoạch tôm. Nếu các nhà máy chế biến ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, nông dân sẽ khó bán được tôm, giá tôm sụt. Tuy nhiên, không phải nhà máy, xí nghiệp nào cũng có chỗ cho công nhân ngủ lại. Bình thường, một hội trường rộng 500m2 có thể sắp xếp cho 300 công nhân ngủ, nhưng nay chỉ bố trí chưa tới 100 người do giãn cách.

“Đây cũng là thời điểm các nhà máy chế biến tôm tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào cuối năm. Nhiều xí nghiệp duy trì sản xuất, thực hiện 3 tại chỗ nhưng khó khăn về chỗ lưu trú cho công nhân được tỉnh tạo điều kiện tối đa để thuê nhà trọ, khách sạn và trưng dụng trường học làm chỗ ở cho công nhân” – ông Trong cho biết.

Bà Dương Thị Ngọc Diễm – phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng – cho biết địa phương cũng bố trí một số trường học và kết nối các chủ nhà trọ, khách sạn trên địa bàn đủ điều kiện để làm nơi lưu trú cho công nhân. Toàn bộ khách sạn, một số nhà trọ và trường học trên địa bàn đã được trưng dụng làm chỗ ở tập trung cho công nhân các nhà máy chế biến thủy sản.

“Các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Trước khi công nhân vào ở được phun khử trùng, xét nghiệm và có xe đưa rước tập trung. Việc quản lý công nhân thực hiện đúng 5K” – bà Diễm nói.

Trường học, nhà trọ dành chỗ cho công nhân - Ảnh 2.

Nhiều khách sạn tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được thuê để làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân nhà máy chế biến thủy sản – Ảnh: K.TÂM

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Ông Hồ Quốc Lực – chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta – cho biết công ty này cũng thuê các khu nhà trọ gần nhà máy để làm khu lưu trú tập trung cho công nhân. Ngoài thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, công ty còn lập rào chắn kiểm soát ra vào nghiêm ngặt, cứ 3 ngày test nhanh một lần.

“Anh em công nhân có tác phong công nghiệp, tình nguyện sản xuất 3 tại chỗ nên tuân thủ quy tắc, thích ứng với điều kiện mới rất nhanh” – ông Lực nói, đồng thời thừa nhận khi thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp phải chuẩn bị thêm nhiều thứ nên phát sinh nhiều chi phí.

Tuy nhiên, vẫn có những mặt tích cực. Đó là cơ hội để doanh nghiệp nhận ra cái mới, cái hay nhằm thay đổi, vận dụng khi cần thiết.

Ông Võ Văn Chiêu – giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng – cho biết việc khai thác nhà trọ, khách sạn, trường học kịp thời đã giúp các doanh nghiệp không đứt gãy sản xuất. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản có giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, 7 tháng đầu năm ước đạt khoảng 600 triệu USD.

“Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, những ngày qua ca mắc COVID-19 của Sóc Trăng dừng lại con số 108 ca. Hết thời gian thực hiện giãn cách, sản xuất phục hồi, các doanh nghiệp chế biến tôm Sóc Trăng tăng tốc, nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu cuối năm 2021 là 1,1 tỉ USD” – ông Chiêu cho biết.

Nhà ở tập thể thành “điểm đến một cung đường”

Ông Nguyễn Văn Đạo – chủ tịch HĐQT Công ty CP Gò Đàng (GODACO Seafood) – cho biết nhà máy chế biến của công ty ở Tiền Giang và Bến Tre đều đang hoạt động theo tinh thần vừa bảo đảm sản xuất vừa chung tay chống dịch.

Theo đó, nhà máy tại Tiền Giang có khoảng 40% công nhân (gần 600 công nhân) đăng ký ở lại công ty làm việc. Nhà máy tại Bến Tre có 435 công nhân thực hiện “4 tại chỗ”, vừa sản xuất vừa chống dịch. “GODACO Seafood có lợi thế là có nhà tập thể nằm gần công ty nên có thể bố trí cho công nhân thực hiện 3, 4 tại chỗ được” – ông Đạo nói.

MẬU TRƯỜNG

KHẮC TÂM
TTO