Chật vật trước biến thể Delta
Chật vật trước biến thể Delta
Tình hình dịch Covid-19 tại Đông Nam Á căng thẳng, trong khi Liên minh Châu Âu (EU) nỗ lực mở cửa lại trước những quan ngại về biến thể Delta.
Malaysia vượt 1 triệu ca
Hôm qua, Malaysia ghi nhận 17.045 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 1 triệu, theo Reuters. Tại bang Kelantan, giới chức y tế địa phương phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể Delta ở người từng mắc Covid-19 trước đó. “Tôi cho rằng biến thể Delta đã hiện diện trong cộng đồng và điều này vô cùng đáng lo ngại”, tờ The Star dẫn lời tiến sĩ Izani Husin, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vấn đề nhà ở và y tế của bang Kelantan. Hiện mới có khoảng 16% dân số Malaysia được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, điều kiện cần thiết để chống biến thể Delta hiệu quả.
Ở nước láng giềng Indonesia, Bộ Y tế nước này tăng cường bổ sung các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) sau khi số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày liên tiếp phá kỷ lục. Ông Luhut Pandjaitan, quan chức dẫn đầu chiến dịch ứng phó Covid-19 tại các đảo Java và Bali, cho hay những khu vực có số ca tử vong cao nhất sẽ được ưu tiên bổ sung năng lực ICU, nhằm ngăn chặn tình trạng các bệnh viện quá tải và nhiều nạn nhân qua đời trong lúc tự cách ly. Đến nay, Indonesia mới tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 7% trong tổng số dân 270 triệu người.
Cùng ngày, Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca Covid-19 kỷ lục theo ngày, với 15.335 ca mới trong vòng 24 giờ, theo tờ Bangkok Post. Tuy nhiên, giới chức dịch tễ học dự đoán tình hình dịch bệnh sẽ cải thiện trong vòng từ 4 – 6 tuần nữa, với đà tiêm vắc xin tiến triển như hiện nay và các biện pháp phòng dịch đang được áp dụng.
EU nỗ lực mở cửa
Biến thể Delta đang làm phức tạp hơn quá trình mở cửa ở EU, theo tờ The Guardian. Một số nước siết chặt kiểm soát biên giới, như Malta cấm nhập cảnh đối với những người chưa tiêm vắc xin, còn Đức siết chặt quy định cách ly cho nhóm đối tượng đến từ những điểm nóng có biến thể Delta như Tây Ban Nha và Hà Lan. Bên cạnh đó, tại những nước như Hy Lạp, Ý, Pháp, việc áp dụng hình thức “hộ chiếu vắc xin” đang được triển khai cho nhiều hoạt động ở nơi công cộng, từ tham quan viện bảo tàng, xem phim ở rạp đến tập thể dục ở phòng gym. Quán bar và nhà hàng ở Hy Lạp chỉ cung cấp dịch vụ cho khách đã tiêm vắc xin, trong khi biện pháp này đã được Bồ Đào Nha áp dụng từ đầu tháng 7.
Trong khi đó, Đức đang cân nhắc siết chặt các giới hạn đối với người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng. Hiện người Đức chưa tiêm vắc xin nhưng cung cấp được kết quả xét nghiệm âm tính vẫn có thể đến rạp chiếu phim, nhà hàng, sân vận động. Thế nhưng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ có người tiêm đủ liều vắc xin mới có thể tham gia các sinh hoạt nơi công cộng, theo báo The Bild hôm qua dẫn lời ông Helge Braun, Chánh văn phòng thủ tướng Đức.
Dấu hiệu khởi sắc ở châu Âu
Trước tình hình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều nước, ngành du lịch và lữ hành ở châu Âu đang đặt hy vọng vào mùa hè năm nay để bù đắp cho tổn thất trong năm 2020. Số du khách nước ngoài đến châu Âu trong năm ngoái giảm gần 70% so với năm trước đó, và số liệu trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm đến 85%, theo AP dẫn thông tin từ Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ. Tuy vậy, tình hình có dấu hiệu khởi sắc sau khi EU áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, cơ chế cho phép du khách quay lại châu Âu. Chẳng hạn, Tây Ban Nha đã tiếp nhận 3,2 triệu du khách từ tháng 1 đến tháng 5. Trong tháng 6, thời điểm áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, số du khách đến nước này là 2,3 triệu người, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.
THUỴ MIÊN
TNO