19/11/2024

Giãn cách xã hội còn kéo dài, cần chú ý tâm lý của con

Giãn cách xã hội còn kéo dài, cần chú ý tâm lý của con

Trẻ em nghỉ hè trong đợt này lại đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên không được đi chơi mà đa phần phải ở trong nhà, vì thế cha mẹ cần chú ý đến tâm lý của con.
Trong mùa dịch, trẻ em ở trong nhà nhiều, cũng là cơ hội để bố mẹ chơi cùng con /// Đăng Nguyên
Trong mùa dịch, trẻ em ở trong nhà nhiều, cũng là cơ hội để bố mẹ chơi cùng con ĐĂNG NGUYÊN
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thị Minh Tân, nghiên cứu sinh tiến sĩ về sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, cho rằng cần phải quan tâm nhiều đến tâm lý của con trong mùa dịch.
Bác sĩ Tân kể câu chuyện của một cặp vợ chồng thay nhau ở nhà giữ con, nhưng cả hai đều không biết làm gì với con mình vì từ trước tới nay quá bận rộn, ít khi chơi với con. Đến mức độ hai vợ chồng cho con ngủ đến 11 giờ trưa vì nếu con dậy sớm không biết làm gì với bé. Sau khi bé dậy, anh chị cho ăn, sau sẽ mở ti vi cho bé xem, đến giờ ăn tối lại cho bé ăn và mở ti vi cho xem. Sau 2 tuần, bé tăng hơn 1 kg, và bỗng dưng cứ liên tục nheo mắt. Anh chị đưa con đi khám thì phát hiện con bị cận thị. Lúc này, hai anh chị nhờ hỗ trợ vì không biết phải làm gì tiếp theo.
Giãn cách xã hội còn kéo dài, cần chú ý tâm lý của con - ảnh 1

gia đình dấu yêu MINH HỌA VĂN NGUYỄN

Theo bác sĩ Tân, trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, việc giữ con ở nhà có thể không còn là điều mới mẻ đối với cha mẹ. Tuy nhiên, khi giãn cách còn kéo dài, chúng ta cần nghĩ đến những cách để cả cha mẹ và trẻ cùng nhau thích nghi và giúp khoảng thời gian ở nhà trở nên có ý nghĩa.
Đầu tiên là cần đặt ra một số thói quen mới cho trẻ và cả gia đình. Những nếp sinh hoạt theo giờ và thói quen là một phần quan trọng trong việc chăm sóc trẻ, cũng như sự phát triển của trẻ. Khi trẻ ở nhà, những hoạt động trong trường lớp không còn giữ được như nhịp cũ, cha mẹ nên tự xây dựng một khung giờ/nếp sinh hoạt riêng cho trẻ để trẻ vẫn giữ được nhịp sinh hoạt bình thường theo lứa tuổi. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ăn và ngủ đúng giờ, cần có khoảng thời gian để trẻ có các hoạt động tương tự như ở trên trường/lớp, những khoảng thời gian dành riêng để chơi với cha mẹ.
Bác sĩ Tân cũng chỉ ra việc cần duy trì các hoạt động thể chất/tập thể dục dù trẻ đang được giữ tại nhà. Vận động thể chất là một trong những yếu tố cần thiết để trẻ phát triển, đặc biệt quan trọng cho quá trình đưa can xi vào xương trong giai đoạn tăng trưởng. Mặc dù phần lớn thời gian, bố mẹ đều giữ trẻ tại nhà, vẫn có thể cùng trẻ tập một số động tác thể dục đơn giản, cho trẻ phụ việc nhà, hoặc những công việc khác. Giữ trẻ năng động tại nhà cũng là một lời nhắc để cha mẹ cùng năng động trong mùa giãn cách.
Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể cùng con chia sẻ về những lo lắng của trẻ trong mùa dịch. Nói với con về “trạng thái bình thường mới” và nghe con nói về những cảm xúc của trẻ. Trẻ học được cách nói ra những khó khăn trong suy nghĩ hay cảm xúc, từ đó trẻ phát triển sự thấu cảm và biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể tham khảo các các kênh truyền thông hoặc đọc sách để cùng chơi với con những trò chơi đơn giản tại nhà. Dành thời gian cùng con xây một mô hình lego, hay cùng ghép tranh, tô màu… là những khoảng thời gian để cha mẹ tạo được sự cân bằng cho những áp lực công việc hiện tại.
Theo bác sĩ Tân, chăm sóc tâm lý của con mùa dịch chưa bao giờ dễ nhưng là một trong những cơ hội để cả cha mẹ và trẻ cùng nhau phát triển tình cảm và sự gắn bó gia đình trong những ngày giãn cách xã hội.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO