23/01/2025

Mỹ muốn quản lý cả mặt trăng

Mỹ muốn quản lý cả mặt trăng

Lực lượng Không gian Mỹ cần phải chuẩn bị viễn cảnh mở rộng phạm vi hoạt động vượt khỏi các quỹ đạo truyền thống quanh địa cầu và tiến tới đặt mặt trăng vào tầm quản lý, theo báo cáo mới.

 

 

 

 

 

Mô phỏng thí nghiệm Hệ thống Tuần tra Đường Cao tốc CS /// ARFL
 Mô phỏng thí nghiệm Hệ thống Tuần tra Đường Cao tốc CS ARFL
Phòng Thí nghiệm Không quân Mỹ (AFRL), trụ sở tại căn cứ không quân Wright-Patterson (ngoại ô thành phố Dayton, bang Ohio), vừa công bố báo cáo đề cập nhu cầu chế tạo phi thuyền mới trong tương lai và các bước cần thực thi nhằm quản lý toàn bộ không gian từ quỹ đạo địa cầu đến khu vực xung quanh mặt trăng.
Theo Space News, báo cáo nhấn mạnh Lực lượng Không gian Mỹ cần phải chuẩn bị cho thời điểm khi mà mặt trăng và không gian xung quanh nó có thể trở thành chiến trường tiếp theo.
Đại tá Eric Felt, đứng đầu Ban Giám đốc Các phương tiện Không gian trực thuộc AFRL, cho hay mục tiêu của báo cáo là nhằm “giáo dục và truyền cảm hứng”, cho phép Lầu Năm Góc chuẩn bị đối phó những thách thức mới liên quan đến chiến trường tương lai.
“Chúng ta đang đối mặt thách thức chưa từng có nếu muốn vận hành phi thuyền nằm ngoài quỹ đạo địa tĩnh (GEO) của địa cầu”, Đại tá Felt cảnh báo. Theo Space.com, GEO nằm ở độ cao 35.786 km bên trên đường xích đạo của Trái đất, và báo cáo mới của ARFL muốn đề cập đến CS – chỉ không gian trải rộng từ khí quyển của địa cầu đến khu vực xung quanh mặt trăng.
Các nhà khoa học tính toán được CS chứa khối lượng không gian hơn gấp 1.728 lần so với GEO. Như báo cáo của AFRL đã chỉ ra, mức độ cực rộng của biên giới không gian mới có nghĩa là “hiện không tìm được một vị trí đắc địa để đặt cảm biến có thể quan sát toàn bộ CS”.
Do chuyển động và vị trí của mặt trời, Trái đất, mặt trăng, các mạng lưới cảm biến điện quang lẫn vô tuyến đều vấp phải giới hạn nếu được triển khai bên trong CS. Thậm chí các hệ thống cảm biến trên mặt đất cũng gặp khó khăn khi theo dõi các vật thể di chuyển trong phạm vi đó. Vì thế, AFRL cho rằng cần phải phối hợp nhiều dạng cảm biến khác nhau nếu muốn quản lý khu vực rộng lớn này.
Từ lâu, AFRL luôn đi đầu trong nỗ lực nghiên cứu CS. Năm ngoái, Ban Giám đốc Các phương tiện Không gian công bố quyết định tài trợ cuộc thí nghiệm nhằm tìm kiếm những công nghệ có thể theo dõi CS trong tương lai.
Được gọi là Hệ thống Tuần tra Đường Cao tốc CS (viết tắt CHPS), ARFL muốn chế tạo một vệ tinh cỡ nhỏ và phóng nó đến địa điểm bằng 85% quãng đường từ Trái đất đến mặt trăng, theo trang Breaking Defense. Đại tá Felt cho hay CHPS chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực thu hút sự chú ý của Lầu Năm Góc về CS, nhằm thúc đẩy các bước tiếp theo tiến đến quản lý khu vực không gian này.
Bên cạnh đó, Lực lượng Không gian Mỹ cũng nhờ cậy sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để tìm hiểu cách thức hoạt động bên trong CS. Cụ thể, NASA và Lực lượng Không gian Mỹ đã ký kết biên bản ghi nhớ nêu rõ nhu cầu hợp tác và xây dựng những khái niệm mới cho phép Mỹ mở rộng năng lực quản lý không gian vượt tầm Trái đất.
HẠO NHIÊN
TNO