21/12/2024

Phép nhiệm màu trong ô cửa sổ nơi ‘Truyền Tin’

Một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ không chỉ kéo ta vào bí ẩn của nó. Nó đem đến lối ra, một lối ra bên ngoài tác phẩm.

  • Kelly Grovier
  • BBC Culture
Getty Images
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ không chỉ kéo ta vào bí ẩn của nó. Nó đem đến lối ra, một lối ra bên ngoài tác phẩm.

Cho dù đó là cánh cửa mở ở phía sau trong bức Las Meninas của Velázquez, hay khung cửa sáng, vẫy gọi ở góc trên cùng bên phải trong bức Guernica của Picasso, hoặc cột thời tiết xoắn đẩy cặp mắt chúng ta ra khỏi bức American Gothic của Grant Wood, thì luôn có một lối thoát ra những căng thẳng ngột ngạt trong tác phẩm.

Chúng ta bị lạc trong những bức tranh này, vâng, và nấn ná một lúc trong cường độ bề mặt của chúng, nhưng đó mới chỉ là giai đoạn đầu cho đến cuối cùng chúng ta bị đẩy qua chúng.

Chiếc đầu hình bóng đèn bị biến dạng la hét trong bức The Scream của Edvard Munch có thể khiến chúng ta nhìn không rời mắt trong một lúc, nhưng cuối cùng mắt chúng ta trượt dần ra khỏi cảnh tượng dọc theo lan can thoai thoải về phía đường chân trời phía xa.

Câu chuyện quen thuộc

Có lẽ không thể lần ngược trở lại sự phát triển tài tình của lối thoát thị giác này về thời điểm mà chúng ra đời trong lịch sử hội họa.

Nhưng ít ai nghi ngờ gì về việc một bức bích họa có từ thế kỷ 15 vốn rất được ngưỡng mộ – tác phẩm tô điểm cho một bức tường trong Tu viện San Marco, Florence – là một khoảnh khắc hình thành trong quá trình phát triển của truyền thống này.

Là tác phẩm của tu sĩ dòng Dominica, Fra Giovanni da Fiesole (ngày nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Fra Angelico, hay ‘Tu sĩ Thiên thần’), kiệt tác thời Tiền Phục Hưng kể câu chuyện Truyền Tin – khoảnh khắc trong Phúc m Luke khi Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đến thăm Đức Mẹ Đồng Trinh Maria để thông báo rằng bà sẽ hạ sinh Chúa Giêsu.

Bất chấp sự kỳ diệu huyền bí của cảnh tượng – sự va chạm trang nhã giữa tâm linh và trần tục – và ánh sáng trữ tình, êm dịu mà Fra Angelico đã phủ lên bức tranh sáu thế kỷ trước, rõ ràng là người nghệ sĩ không hài lòng với việc chỉ đơn thuần thu hút ánh nhìn của chúng ta với sức hút của buổi hội ngộ. Ông muốn linh hồn chúng ta vút bay qua bức tranh.

Getty Images
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Bức bích họa của Fra Angelico, trên tường Tu viện San Marco, miêu tả câu chuyện quen thuộc được kể trong Kinh Thánh

Fra Angelico ở độ tuổi ngoài 40 và đang ở đỉnh cao quyền lực của một họa sĩ khi ông chủ nhà băng huyền thoại người Ý Cosimo de’ Medici nhờ ông trang trí các bức tường của Tu viện San Marco vừa được chỉnh trang lại vào năm 1437.

Với việc chấp nhận công việc này, Angelico có lẽ ý thức đầy đủ về thách thức thẩm mỹ mà ông đối mặt.

Công việc kể lại câu chuyện quen thuộc trong Kinh Thánh: câu chuyện Truyền Tin – vốn được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần từ ít nhất là thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên – sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và sự sáng tạo, nhất là tính đến vị trí của những bức bích họa này trong khu vực sinh hoạt thân mật của một nơi ngoan đạo như vậy.

Đi tìm góc độ mới

Bản thân Angelico đã khắc họa cảnh Truyền Tin nhiều lần trong thập kỷ trước đó, với các bàn thờ rực rỡ có ánh sáng màu mơ tuyệt đẹp nằm trong số những bảo vật của Bảo tàng Prado ở Madrid và Bảo tàng Cortona ở Tuscany.

Được vẽ vào giữa những năm 1430, hai phiên bản trước đó về cuộc gặp gỡ giữa Gabriel với Đức Mẹ Mary cho thấy đôi tay điêu luyện đang phát huy, háo hức muốn gây ấn tượng cho đôi mắt chúng ta với sự lộng lẫy bề mặt của các vầng hào quang viền vàng quanh đầu mỗi nhân vật, sự vương giả của chiếc ngai làm tạm của Đức Mẹ Mary và chiếc áo choàng hào nhoáng, đã được biến hóa thành ảo ảnh vải vóc lả lướt từ ultramarine (sắc tố vô giá được chiết xuất rất vất vả từ đá bán quý lapis lazuli vốn được khai quật cách đó hàng ngàn dặm tại ‘Thung lũng đá’ ở Afghanistan).

Trên đầu họ, sự chói lọi huyền ảo của những mái vòm đầy sao gợn sóng và đổ xuống như mưa sao băng được chiếu chậm.

Nhất quán với vô số cảnh khắc họa Truyền Tin trước đó, trong thời Trung Cổ, đây là những cảnh mà sự xa hoa tâm linh của chúng nhằm để cho chúng ta đắm chìm vào mãi mãi.

Getty Images
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Fra Angelico vẽ bức Annunciation trên bức tường nơi từng là phượng thờ; trong tác phẩm này, Đức Mẹ Mary và Tổng lãnh Thiên thần Gabriel được vây quanh bởi những sự hào nhoáng, lộng lẫy

Giờ đây, khi đã là một nghệ sĩ chín muồi với danh tiếng vĩ đại phải giữ gìn (sử gia đồng thời là nhà văn Ý nổi tiếng thế kỷ 16 Giorgio Vasari sau này đã nói rằng “tu sĩ thực sự thiên thần này” sở hữu “tài năng hoàn hảo hiếm có”), Angelico cần phải đổi mới trải nghiệm với một câu chuyện quá quen thuộc, nếu không nó có nguy cơ gây mệt mỏi thị giác cho giới tăng lữ vào thế kỷ 15.

Ông bắt đầu bằng cách bỏ đi hoàn toàn sự lộng lẫy mà trước đây ông khắc họa câu chuyện, loại bỏ hoàn toàn những vầng hào quang vàng loè loẹt, chiếc ngai và áo bào xa hoa của Đức Mẹ, và cách trang trí kiểu cách bên trong bao trùm cuộc gặp trong sự hào nhoáng sặc sỡ.

Chỉ có bộ lông vũ óng ánh không thể cưỡng lại trên đôi cánh thiên thần của Gabriel – được gắn trên Thiên Đàng – là được giữ lại.

Thay vì dựa vào sức hút của nét long lanh và màu sắc sặc sỡ để quyến rũ khán giả, Angelico hướng đến sự gần gũi mãnh liệt trong cuộc đối thoại âm thầm qua đôi mắt của hai nhân vật.

Cặp mắt họ nhìn chằm chằm vào nhau là mấu chốt của cuộc gặp, và Angelico đã cô lập sức hút của cuộc gặp bằng cách rất mạnh mẽ, đó là hướng việc kể chuyện vào chỗ khác.

Nhưng cuối cùng điều thu hút chúng ta vào và đi xuyên suốt tác phẩm là bàn tay ma thuật về quang học vốn thực sự tuyệt diệu.

Điều then chốt làm nên tác động của bức bích họa là vị trí của nó trong bố cục của Tu viện San Marco – yếu tố về vị trí mà ông khéo léo khai thác đến hiệu quả tối đa.

Bằng cách đặt bức bích họa lên một bức tường mà các tu sĩ hướng đến khi họ leo lên cầu thang dẫn đến một dãy phòng ký túc xá, Angelico vận dụng sáng tạo góc nhìn động học ngày càng đi lên của các tu sỹ ở đây.

Góc nhìn ma thuật

Tất nhiên, hoạ sĩ đã sốt sắng ý thức được những đổi mới trong các nguyên tắc về phương hình học mà nhà thiết kế người Ý Filippo Brunelleschi đã đưa ra chỉ mới vài thập kỷ trước đó – nhất là cách các đường trực giao lùi dần của mọi cảnh chúng ta nhìn vào hội tụ ở một điểm biến mất xa xăm.

Getty Images
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Angelico sử dụng hiệu ứng ảo ảnh để kéo tầm mắt ta ra khỏi thanh chắn trong ô cửa sổ phía sau Đức Mẹ Mary

Để đạt hiệu quả, sự thuyết phục về ảo ảnh chiều sâu thế giới thực dựa vào sự sắp đặt cẩn thận những đường trực giao đó để ăn khớp với đôi mắt của những người nhìn vào tác phẩm.

Đối với tác phẩm Truyền Tin của mình, Angelico đã khôn khéo làm chủ các nguyên tắc của Brunelleschi và làm các đường phối cảnh trở nên quá dốc, khiến khó ai có thể chiêm ngưỡng được ngoài những người bước chậm đến gần bức bích họa – một thủ thuật biến tác phẩm thành chiều không gian co giãn một cách lý thú.

Để nâng cao hiệu quả của việc đánh lừa góc nhìn của bức họa, Angelico đã đi xa hơn nữa để đặt điểm biến mất của bức họa ở vị trí như trêu ngươi ngay bên ngoài các chấn song một ô cửa sổ nhỏ phía sau bức tranh.

Khi ai đó leo lên cầu thang về phía bức bích họa, nói cách khác, mắt của họ bị lôi cuốn vào, đồng thời bị chặn đường bước vào ranh giới bán khả thâm nhập này, vốn ngăn cách thế giới nhìn thấy được với thế giới ngay ngoài kia.

Bằng cách thiết lập lối thoát cho đôi mắt chúng ta và đồng thời ngăn trở khả năng chúng ta tiếp cận bức họa, Angelico đã tinh tế tăng cái giá của việc nhìn vào bức tranh.

Thế lưỡng nan của bức họa, vốn bắt chúng ta phải băng qua thế giới của nó trong khi buộc chúng ta phải ở trong đó, là điều mà bất kỳ ai cũng có thể liên hệ đến.

Những người cùng thời với Angelico có lẽ sẽ nhận ra ngay cách ông vận dụng khung cửa sổ có chấn song, mà phía sau nó là khu vườn bí mật không thể đến được, là phiên bản của hortus conclusus – một biểu tượng lặp đi lặp lại trong nghệ thuật và văn học Kitô giáo thời kỳ này.

Có nghĩa là ‘khu vườn khép kín’, hortus conclusus là một công cụ ẩn dụ phức tạp một mặt gợi nhắc đến thiên đường đã mất, và mặt khác, gợi nhớ tới sự vô nhiễm của Đức Mẹ.

Trong mắt giới có học thức ở thời Trung Cổ, các thanh cửa sổ tượng trưng cho sự trong trắng bất khả xâm phạm của Đức Mẹ.

Để đẩy chúng ta tới độ mở hẹp đó, Angelico đã thử cách kể chuyện mạo hiểm và táo bạo về mặt tôn giáo – thu hút chúng ta suy ngẫm, cho dù một cách tiềm thức đi nữa, về sự thâm nhập vào chỗ không thể xâm nhập.

Nếu bỏ lối thoát này ra khỏi tác phẩm thì tác động của bức bích hoạ của Angelico sẽ giảm đi vô hạn.

Khung cửa sổ có chấn song, lơ lửng trong tầm nhìn của hai nhân vật chính trong bức hoạ (khuếch đại hơn nữa tầm quan trọng của nó), tạo ra sự căng thẳng hồi sinh trong tác phẩm.

Nếu đưa nó ra khỏi bức hoạ, đóng lại hoàn toàn hoặc vẽ tấm rèm dày lên trên, bức tranh sẽ đóng lại. Sự kỳ diệu quang học của bức vẽ sẽ sụp đổ.

Angelico đã đo lường tỉ mỉ mức độ chúng ta cần nhìn thấy thiên đàng ở mức độ nhiều ít chừng nào để trí tưởng tượng của ta có thể tiếp tục đi xa. Và chỉ vừa đúng đủ mức đó mà thôi.

Nguồn: Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.