21/12/2024

Cùng con vào thời đại số: Khi con luyện game để… kiếm tiền tỉ

Cùng con vào thời đại số: Khi con luyện game để… kiếm tiền tỉ

Thể thao điện tử (e-sports) đang trở nên phổ biến trong giới trẻ. Sự hào nhoáng của môn thể thao thời đại số khiến nhiều bạn trẻ thế hệ gen Z ấp ủ ước mơ một ngày trở thành game thủ nổi tiếng, thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

 

Cùng con vào thời đại số: Khi con luyện game để... kiếm tiền tỉ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, không ít bạn nhỏ đang lấy ước mơ làm game thủ để bào chữa cho những tháng ngày “ngồi đồng” ở các quán Internet đến nỗi học hành sa sút, sức khỏe suy giảm.

Bỏ nhà đi “luyện công”

Giữa tháng 5-2021, T. – đứa con trai 14 tuổi của bà N.T.L.H. (41 tuổi, ngụ Tiền Giang) – đột ngột biến mất cùng số tiền 10 triệu đồng của gia đình. Không ai liên lạc được em, người nhà chia nhau tìm kiếm các điểm khả nghi nhưng không có dấu vết.

Sau hơn 2 tuần, T. về nhà với vẻ mặt hốc hác, xác xơ. T. cho biết đã đi Cần Thơ hội quân cùng 5 người bạn quen qua mạng để luyện game. Ban ngày cả nhóm ra tiệm Internet, ban đêm thuê phòng trọ ở cùng nhau. Nhóm đang chuẩn bị cho giải đấu game đầu tiên nên quyết tâm làm một chuyến “tập huấn” tách biệt mọi người.

Bác sĩ chẩn đoán T. vào loại nghiện game nặng. Trong các buổi thăm khám, T. thường nhắc đi nhắc lại việc sẽ trở thành game thủ như một ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời. T. cũng xuất hiện nhiều ảo giác và không thể ngưng nghĩ về game dù chỉ trong 1 tiếng đồng hồ.

Hiện tại, T. đang theo một phương pháp trị liệu đặc biệt. Bà H. nói: “Tôi không ngờ con lại nghiện game nặng đến vậy. Ở nhà, tôi thường nghe con nhắc sẽ thành game thủ kiếm tiền tỉ cho mẹ, nhưng tôi thấy cũng bình thường. Tôi chỉ dặn con đừng mê game mà bỏ bê chuyện học”.

Thực tế, ngày nay không ít bạn trẻ như T. ấp ủ ước mơ sẽ thành game thủ chuyên nghiệp. Khi càng có nhiều hình ảnh về những tuyển thủ e-sports tham dự những đấu trường quốc tế, đem về những danh hiệu lớn, có thu nhập “khủng”, được nhiều người mến mộ, sẽ càng có nhiều bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên mơ mộng về ngày “huy hoàng” như thế sẽ đến với mình.

Cần luyện tập

Nguyễn Vũ Hoàng Dũng (24 tuổi) – thành viên đội tuyển e-sports Việt Nam, từng giành huy chương đồng tại SEA Games 30 – cho rằng sẽ rất sai lầm nếu các bạn trẻ dưới 17 tuổi “cày” game thật nhiều để trở thành game thủ.

Ở tuổi này, nhận thức của các bạn chưa đầy đủ, chưa thể phân biệt giữa cái nhất thời và cái lâu dài, giữa sở thích giải trí với đam mê nghề nghiệp. Trong khi đó, trong mảng game, người ta rất dễ ngộ nhận.

“Cha mẹ có thể tìm thêm những ví dụ về sự yêu thích nhất thời và sự nghiệp lâu dài để nhấn mạnh thông điệp này với con. Nên đề cập sớm và liên tục, đặc biệt với những trẻ yêu thích chơi game” – Dũng nói.

Khi các bạn trên 17 tuổi mà vẫn giữ ý định “thành game thủ, kiếm tiền tỉ”, cha mẹ cần ngồi lại với con phân tích nhiều vấn đề. Trước hết là kinh tế gia đình.

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có những “lò” đào tạo bài bản và chế độ nuôi dưỡng tiềm năng. Do vậy, gia đình phải dư dả để đầu tư môi trường tập luyện tiêu chuẩn. Chỉ ra tiệm Internet hay ở nhà chơi điện thoại không phải là cách luyện tập đúng.

Nếu không thỏa điều kiện trên, bạn buộc phải là người có kỹ năng chơi game “kiệt xuất” để lọt vào mắt xanh của các đội tuyển. Chơi hay vẫn chưa đủ, còn phải có tâm lý vững, khả năng làm việc nhóm và thái độ tốt với nghề nghiệp.

ThS Trần Trung Hiếu – giảng viên khoa quản lý thể thao Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM – cho rằng e-sports giống nhiều môn khác được chia thành hai hướng: thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Ai cũng có thể chơi game, nhưng muốn thành vận động viên lại là câu chuyện khác. Các bạn cần được huấn luyện bài bản, tuân theo những giáo án khắt khe và toàn diện.

“Thời gian tới, dự kiến sẽ có nhiều lớp học về e-sports tại TP.HCM cho các bạn nhỏ. Phụ huynh có thể cho con đến để hình dung được môn này như thế nào, sẽ phát triển ra sao, cần đánh đổi những gì. Đây cũng là cách để không tàn nhẫn giết chết giấc mơ của con nhưng có thể “kéo” con về thực tế để có cái nhìn đúng đắn” – ông Hiếu nói.

Quan tâm tới sức khỏe và ngoại hình

ThS Trần Trung Hiếu cho biết sức khỏe và ngoại hình của các game thủ thường rất được chú trọng. Sức khỏe giúp người chơi luôn tỉnh táo để đưa ra các quyết định sáng suốt trong những trận đấu căng thẳng.

Ngoại hình để có hình ảnh đẹp, thu hút các nhà tài trợ, bởi chắc hẳn không ai muốn bỏ tiền vào các đội mà game thủ ốm yếu, gầy gò… “Cha mẹ nên cho con biết điều đó để khuyến khích các bạn tham gia các hoạt động bên ngoài máy tính.

Cắm mặt vào màn hình từ sáng tới chiều, mặt mũi xanh xao tất nhiên không thể giúp bạn trở thành game thủ mà còn ảnh hưởng tới thể trạng, não bộ và việc học của bạn” – ông Hiếu nói.

Cha mẹ cũng cần hiểu về game

Theo Nguyễn Vũ Hoàng Dũng, hiện nay có thể phân game thành hai loại. Một là loại chơi một mình với các tựa game có cốt truyện, có diễn biến tuyến tính. Những trò chơi này như một “bộ phim” có tính tương tác, thường ít gây nghiện.

Trái lại, người chơi vừa có thể giải trí, vừa luyện trí não, có khi học được thêm được từ vựng tiếng Anh. Hai là các tựa game trực tuyến nhiều người chơi.

Chúng có mặt tốt như rèn tính kiên nhẫn, tinh thần đồng đội, khả năng xử lý logic, nhưng đặc biệt gây nghiện rất cao. Cha mẹ nên nghiêm khắc giới hạn thời gian cho con chơi khi tuổi còn nhỏ.

TRỌNG NHÂN
TTO