22/01/2025

Nuôi dạy con thời đại dịch

Nuôi dạy con thời đại dịch

Đại dịch ập đến rồi chập chờn kéo dài, ai nấy đều đau đầu vì các hệ lụy xoay quanh công việc, thu nhập, thói quen… của người lớn bị ảnh hưởng. Chúng ta gần như quên nhắc về điều thay đổi quan trọng không kém: những đứa trẻ.

 

Nuôi dạy con thời đại dịch - Ảnh 1.

Dành thời gian nhiều hơn cho con trẻ, tạo điều kiện để con dần hòa nhập, tiếp xúc an toàn với con người, thiên nhiên là những điều các bậc phụ huynh cần làm (Ảnh chụp tại thành phố Sydney, Úc) – Ảnh: ANH PHẠM

Lướt qua các trang báo quốc tế hàng đầu hiện nay như CNN, New York Times, Los Angeles Times…, không khó để nhận thấy những tâm sự của các bậc phụ huynh về việc tính cách, sở thích của con họ thay đổi “hậu COVID-19”.

“Với vai trò là một phụ huynh, tôi nói rất rõ với con về lịch trình làm việc và xác định rõ thời gian tương tác với con, chủ động chọn lọc cho con các kênh tiếp thu thông tin bổ ích, và con phải xem công khai trên tivi ở phòng khách để mình ít nhiều nắm bắt được tình hình.

Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương

Ai cũng trở nên rất khác

Trong đại dịch rất nhiều đứa trẻ chứng kiến cha mẹ thất nghiệp, gây gổ và thậm chí có em chứng kiến người thân ra đi đột ngột… Mặt khác, chính các em cũng phần nào thay đổi do dành thời gian trên mạng quá nhiều (một khi đã bước vào mạng xã hội hoặc các ứng dụng công nghệ, hành vi và thế giới quan của các em đa phần sẽ bị thuật toán quyết định), ít hẳn cơ hội tương tác ngoài đời thực vì mãi quanh quẩn trong nhà, sợ hãi với việc tiếp xúc người khác do ám ảnh nhiễm bệnh.

Có hai con nhỏ, chị Nguyễn Trần Phi Yến (giảng viên ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết cuộc sống của gia đình thay đổi rất nhiều từ đại dịch.

“Nhìn mặt tích cực thì cha mẹ và các bé có nhiều thời gian cho nhau hơn hẳn trước đây. Dẫu vậy, thật khó lột tả cảm xúc khi đang làm việc ở nhà mà nghe con nài nỉ: “Mẹ ơi, mẹ đừng làm việc nữa, mẹ chơi với con đi”. Và chúng tôi phải học cách diễn đạt tinh tế về việc mình đang bận làm việc mà không khiến các bé buồn, nghĩ rằng cha mẹ thích công việc hơn chơi đùa với bé” – chị nói.

Còn chị Phương M. (phó phòng kinh doanh một công ty nước ngoài) lại cho biết hai năm gần đây chị thường xuyên căng thẳng, tranh cãi với chồng.

“Do ảnh hưởng COVID-19, tình hình kinh doanh công ty trồi sụt, nhân sự bị cắt giảm nên đầu việc tăng rõ. Chồng tôi lại không thật sự đồng cảm. Có những lần thấy con rơm rớm nước mắt khi hai vợ chồng nặng nhẹ nhau trên bàn ăn, tôi xót xa mà không biết phải làm gì vì thật sự quá mệt” – chị Phương M. mệt mỏi nói.

Cả hai vợ chồng đều làm quản lý nên thời gian dành cho con rất eo hẹp, thấy đứa con trai 15 tuổi suốt ngày chúi mắt vào màn hình laptop và game nhưng hai vợ chồng đều không biết góp ý thế nào.

“Mình không có thời gian dành cho con, mà giờ dịch bệnh nên cũng không muốn con ra đường, gặp người này người nọ nên không trách con được. Thôi cứ để con như vậy rồi tới đâu tính tới đó” – chị Phương M. thở dài.

Cần quan tâm sức khỏe tinh thần cho con

Là một người mẹ đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, chị Nguyễn Thúy Uyên Phương thường quan sát, tiếp xúc nhiều trẻ em.

“Tôi thấy sức khỏe tinh thần của trẻ em trong dịch bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều và là điều đặc biệt cần sự quan tâm, tiếc là nó đang bị chìm lấp đi giữa nhiều vấn đề khác của COVID-19” – chị Uyên Phương nhận định.

Theo chị Uyên Phương, có những điều nhìn tưởng đơn giản nhưng thực chất không đơn giản chút nào. Chẳng hạn, việc đóng cửa trường học không chỉ là cho học sinh thôi đến trường, ở nhà chơi mà việc đến trường của các bé có hai sứ mệnh: đó là nơi các em tìm thấy sự tương tác, kết nối những niềm vui trong việc chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa.

Kế đến, trường học là nơi các em đến để tìm thấy mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống của mình. Khi những điều trên đột ngột bị “cắt đứt”, sẽ dẫn đến không ít hệ lụy, sự hụt hẫng, trống trải ở các em.

“Người lớn chúng ta khi đi làm không hẳn chỉ vì đồng lương, mà còn muốn tạo ra giá trị, ý nghĩa cho cuộc sống. Tương tự, việc ở nhà vui chơi suốt ngày không chắc sẽ khiến các em vui, hạnh phúc bằng việc đến trường” – chị Uyên Phương nói.

Dưới góc nhìn người làm giáo dục, chị Uyên Phương cho rằng nhà trường nên góp phần hỗ trợ các bậc phụ huynh, dẫn dắt các em giữa giai đoạn mọi thứ xáo trộn: “Chẳng hạn trường có thể gợi ý các kênh thông tin bổ ích để các em dõi theo, học hỏi.

Nhà trường cũng có thể lập ra những diễn đàn chính thống để các em có thể tham gia những hoạt động, phong trào trực tuyến, gặp gỡ bạn bè và nhận được sự hỗ trợ, dẫn dắt tư duy từ thầy cô. Như chúng ta có thể tổ chức buổi chia sẻ trực tuyến “Làm gì để có thể gửi lời cảm ơn ý nghĩa đến các y bác sĩ đang tham gia chống dịch?” trên diễn đàn trường”.

Giúp trẻ cân bằng tâm lý

Nếu trẻ có các biểu hiện khác biệt khá rõ so với trước đây như: mệt mỏi, buồn chán, không có hứng thú với các hoạt động mà trước đây bé rất yêu thích, thay đổi nền nếp sinh hoạt, ăn không ngon, khó ngủ, ngại giao tiếp, lười vận động… thì chúng ta cần quan tâm. Khi phát hiện những bất thường, cha mẹ cần cho con đến gặp các chuyên gia tâm lý kịp thời.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần đồng hành cùng con, giúp con cân bằng tâm lý sau những biến động từ COVID-19:

– Chuẩn bị tâm lý vững vàng cho việc trở lại trường học của con. Cha mẹ có thể cùng con ôn bài, chuẩn bị dụng cụ học tập và trò chuyện về tình yêu trường lớp để con có hứng thú quay lại học tập. Song song đó, phụ huynh cần hướng dẫn con những biện pháp đảm bảo an toàn trước dịch bệnh…

– Trò chuyện chân thành cùng con về những chuyện xảy ra trong mùa dịch để con hiểu rằng những xung đột của cha mẹ nếu có là do kiểm soát không tốt tâm lý chứ không phải là sự đổ vỡ trong mối quan hệ.

– Cùng con rèn luyện bản lĩnh thông qua các câu chuyện, hoạt động tương tác, các khóa học để con luôn có “vắc xin tinh thần” đối diện với mọi nghịch cảnh.

TS tâm lý Bùi Hồng Quân

CÔNG NHẬT
TTO