Không chỉ san sẻ hiện vật, tình cảm yêu thương, bên cạnh những y bác sĩ, nhân viên y tế…
dấn thân vào những điểm nóng để dốc sức điều trị, cứu chữa bệnh nhân, còn có nhiều người dân tình nguyện đến tuyến đầu tham gia chống dịch.
Trong thời gian đầu của đợt dịch Covid-19 thứ 4, Bắc Giang, Bắc Ninh là những địa phương đối mặt áp lực vô cùng căng thẳng khi dịch bệnh lan rộng vào khu công nghiệp (KCN), khu dân cư. Ngay khi các địa phương này kêu gọi sự chung sức, rất nhiều tỉnh, TP lập tức đồng hành ủng hộ để cùng vượt qua ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 gây ra.
Điển hình như
Đà Nẵng dù đang ra sức chống chọi với dịch bệnh nhưng vẫn quyết định hỗ trợ 12.000 sinh phẩm xét nghiệm
SARS-CoV-2 cho 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch (mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm, tương đương 3 tỉ đồng/tỉnh). Tỉnh Thanh Hóa sử dụng 2 tỉ đồng từ quỹ vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 để ủng hộ Bắc Giang và Bắc Ninh (1 tỉ đồng/tỉnh)…
Tình nguyện “hết dịch mới về”
Nhiều người rất cảm kích khi biết thông tin anh Đặng Minh Trí (24 tuổi, nhân viên Công ty TNHH vận tải Tâm Trí ở xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới,
Quảng Bình) cùng với xe cứu thương đã tình nguyện đến với Bắc Giang. Ngay trong đêm, anh Trí một mình lái chiếc xe vượt hơn 500 km từ Quảng Bình đến Bắc Giang vào chiều 22.5. Anh được tiếp nhận và phân về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Công việc của anh Trí hằng ngày là hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân và các công tác tại trung tâm. Cũng như các nhân viên y tế và tình nguyện viên tại Bắc Giang, ban ngày, anh Trí làm việc cật lực dưới
thời tiết oi bức, dường như không có thời gian nghỉ ngơi và công việc kéo dài cho đến đêm khuya hay rạng sáng hôm sau.
Thông điệp cổ vũ “Đà Nẵng cố lên” khi TP này bùng phát dịch hồi tháng 7.2020, trong những ngày qua đã được cộng đồng mạng tiếp tục cổ vũ qua những dòng trạng thái “Bắc Giang cố lên”, “Người Sài Gòn cố lên”, “Bắc Ninh cố lên”…, khi các địa phương này đang căng sức dập dịch.
Sự tiếp tục dấn thân, tình nguyện đến tuyến đầu chống dịch của lực lượng y bác sĩ, nhân viên, sinh viên ngành y, và nhiều tình nguyện viên là người dân, cùng san sẻ yêu thương cho nhau cũng được lan tỏa trên
mạng xã hội.
An Dy
Đang gom góp tiền để ra Tây Bắc xây trường học cho học sinh, thì dịch Covid-19 bùng phát lần 4, khi biết Tỉnh đoàn Bắc Giang tuyển tình nguyện viên hỗ trợ lực lượng chức năng phòng chống dịch, anh Nguyễn Vũ Trung Hiếu (41 tuổi, ngụ P.5, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) liên lạc với Tỉnh đoàn Bắc Giang. Được đồng ý, anh Hiếu mua vé máy bay đến ngay tâm dịch Bắc Giang từ ngày 19.5. Trước khi đi, anh Hiếu còn chuyển khoản 100 triệu đồng để hỗ trợ Tỉnh đoàn Bắc Giang chống dịch. Công việc của anh Hiếu là bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các vùng dịch, khu cách ly; hoặc lắp đặt, kê dọn tại những điểm trưng tập làm nơi cách ly tập trung… Có những đêm, anh Hiếu tham gia khuân vác, lắp ráp 220 giường tại bệnh viện dã chiến số 2 tới 2 giờ sáng để kịp tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đến điều trị. “Tôi tình nguyện ra Bắc Giang để làm những việc rất bình thường thôi, mục đích là chung tay với người dân Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh để mọi người được sống bình an”, anh Hiếu nói và cho hay khi nào Bắc Giang hết dịch, anh mới trở về Đà Lạt.
Cũng với tinh thần vì
tuyến đầu chống dịch, anh Nguyễn Đình Quảng (47 tuổi) và anh Nguyễn Hoàng Hà (45 tuổi, đều ngụ H.Yên Thành, Nghệ An) tình nguyện lái xe cứu thương ra tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ lực lượng y tế cùng chống dịch với tâm nguyện “khi nào hết dịch mới về”. “Sau khi lên đường, chúng tôi mới báo cho vợ con biết đang ra Bắc Giang vì sợ nói trước vợ con sẽ lo lắng, ngăn cản”, anh Quảng chia sẻ. Còn anh Hà thì cho hay, sau khi anh ra Bắc Giang, nhiều người bạn gọi và nhắn tin hỏi vì sao lại tới Bắc Giang lúc này. Anh Hà chia sẻ: “Bắc Giang cũng như quê hương tôi, bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S với tôi cũng là quê hương. Khi Tổ quốc gọi, đồng bào cần, tôi lên đường và xác định ở lại phục vụ bà con cho đến khi nào hết dịch, chúng tôi mới trở về”.
Anh Nguyễn Vũ Trung Hiếu (đội mũ) tham gia lắp ráp giường tại Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang ẢNH: NVCC
|
Dấn thân giữa tâm dịch
Nguyễn Phương Thảo là sinh viên năm thứ 4,
Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, quê ở tỉnh Tuyên Quang. Được trang bị kiến thức ngành y và từng tham gia phòng chống dịch ở Hải Dương, nên khi nhà trường thành lập đội tình nguyện hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, Thảo xung phong tham gia. Ngay khi đến Bắc Giang, từ ngày 16.5, nữ sinh này và các bạn bắt tay ngay vào nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở ổ dịch H.Việt Yên.
Ngày 26.5, khi làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, do làm việc liên tục từ sáng đến đầu giờ chiều, dưới tiết trời nắng nóng nên Thảo chóng mặt, đau đầu, co cơ. Được thầy cô và các bạn trong đoàn hỗ trợ, xoa bóp chân tay, cho uống nước, Thảo đã khỏe trở lại. Thảo chia sẻ, được nghỉ ngơi một ngày,
sức khỏe ổn định, em sẵn sàng tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Không chỉ có Thảo, hàng nghìn tình nguyện viên từ Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nội… cũng đang kiên cường chống dịch. Nhiều bạn đã tạm biệt gia đình, không màng nguy hiểm xông pha nơi tâm dịch. Trời nóng, oi bức lại mặc đồ bảo hộ mồ hôi vã ra như tắm, có nhiều người ngất xỉu, nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Họ vẫn rất lạc quan, hy sinh hết mình vì tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái.
Chắt chiu lo cho nhau
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bắc Giang có 196.345 công nhân lao động nghỉ việc, trong đó có 196.046 công nhân của 572 doanh nghiệp (DN) phải nghỉ do thực hiện cách ly, DN tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch và các DN phải tạm ngừng sản xuất ở 4 KCN. Riêng tại H.Việt Yên có khoảng 24.000 công nhân không phải người địa phương đang ở lại thực hiện cách ly, theo dõi tại nơi ở trọ và công nhân lao động ngoài tỉnh ở lại không về địa phương.
Lúc này, sức mạnh đoàn kết, sẻ chia đã được thể hiện. Mô hình “
siêu thị 0 đồng” lập tức được triển khai, tới nay đã có hơn 20 siêu thị trải khắp các điểm cách ly. Hàng hóa gồm: gạo, rau, thịt, mì tôm, nước mắm… được người dân cả nước gửi đến hỗ trợ, góp phần giúp đời sống của công nhân được đảm bảo, bớt khó khăn hơn.
Có những tấm gương rất đẹp như trường hợp nữ công nhân Lê Thị Thu Huyền (24 tuổi) đang cách ly tại tổ dân phố My Điền 1, TT.Nếnh, H.Việt Yên. Huyền là công nhân Công ty Vinacell (KCN Vân Trung), nhà cách nơi làm việc hơn 20 km. Dịch đến, Huyền và hàng chục nghìn công nhân phải ở lại nhà trọ, không kịp về nhà thăm con gái 4 tuổi, đành nhờ bố mẹ ở quê chăm sóc. Tổ dân phố My Điền 1, nơi Huyền ở trọ, bị cách ly từ ngày 11.5. Gần 100 công nhân ở 35 phòng trọ nơi Huyền thuê đa số đều ở tỉnh ngoài đến Bắc Giang làm việc. Gia đình Huyền làm ruộng, cấy được ít rau muống để ăn hằng ngày, bố mẹ đã cặm cụi dậy từ sớm để hái; 10 thước ruộng trồng dưa chuột cũng vặt hết đem đi ủng hộ; có chút bí xanh, lạc nhân dự trữ ăn dần nhưng cũng gom lại chuyển cho con gái…
Huyền cho biết chuyến đầu tiên (ngày 23.5) thu được tổng cộng hơn 6 tạ nông sản, thực phẩm. Huyền mượn một phòng bỏ trống của chủ nhà để đưa nông sản vào đó, rồi huy động 5 bạn cùng xóm trọ đến đóng vào các túi nhỏ. Mỗi túi gồm: gạo, trứng, rau (dưa chuột, bí, đỗ…), lạc, cá mắm, bột canh, mì chính… đủ cho 2 ngày ăn và cả đồ dùng cho nữ công nhân. “Có một số bạn mới xuống làm được vài tháng thôi. Ngoài chi phí cho mình, công nhân nào cũng phải gửi tiền về quê cho bố mẹ, chăm sóc con nhỏ ở nhà, chả ai dư dả. Em cũng trong hoàn cảnh ở trọ nên hiểu, các bạn ấy ở xa, thương lắm. Dịch đến nhanh và bất ngờ, công nhân không đi làm được, không có thu nhập”, Huyền chia sẻ.