23/12/2024

Tại sao CDC Mỹ tự tin ‘đã tiêm vắc xin không cần đeo khẩu trang’?

Tại sao CDC Mỹ tự tin ‘đã tiêm vắc xin không cần đeo khẩu trang’?

3 loại vắc xin COVID-19 được Mỹ thông qua đã chứng tỏ hiệu quả bảo vệ vượt ngoài sự mong đợi, dữ liệu trên nhóm dân số đã tiêm chủng là cơ sở để CDC Mỹ khuyến nghị có thể dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang.

 

Tại sao CDC Mỹ tự tin đã tiêm vắc xin không cần đeo khẩu trang? - Ảnh 1.

Sau một thời gian dài đeo khẩu trang, nhiều người cảm thấy lạ lẫm khi được tháo nó ra – Ảnh: LATimes

Sau hơn một năm sống chung với dịch bệnh, dân Mỹ ít nhiều đã hình thành thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Bởi vậy không ít người bối rối khi nghe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thông báo ai đã tiêm đủ 2 liều vắc xin có thể không cần khẩu trang hay giãn cách nữa.

Theo tạp chí Vox, có nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn mới của CDC là quá sớm hoặc bỏ qua một số kẽ hở, nhưng nếu xét trong hoàn cảnh lý tưởng – khi tất cả người dân đều tuân thủ hướng dẫn – thì dữ liệu khoa học quả thật đứng về phía CDC.

Vắc xin đã có tác dụng

“Người đã tiêm vắc xin có thể quay lại cuộc sống bình thường một cách an toàn, không có gì tranh cãi về điều này. Tuy nhiên, thông báo của CDC đã gây bối rối và thất vọng vì đưa ra quá bất ngờ và thiếu giải thích về bối cảnh” – bác sĩ Jeffrey Duchin thuộc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ nhận xét.

Tính đến ngày 26-4, CDC Mỹ báo cáo có khoảng 95 triệu người đã được tiêm ngừa đầy đủ, trong đó số người sau khi tiêm vẫn dương tính với COVID-19 là 9.245 người – tương đương 0,001% (1/100.000 người).

Trong nhóm dương tính, 835 trường hợp phải nhập viện và 132 người không qua khỏi.

Kể từ đầu tháng 5, CDC chỉ theo dõi số ca nhiễm nhập viện và tử vong. Họ nhận thấy trung bình chỉ có khoảng 0,0001% người đã tiêm vắc xin bệnh nặng đến mức phải nhập viện. Con số này tương đương 1/1.000.000 người – tức rủi ro rất thấp.

Thống kê trên rất có ý nghĩa, bên cạnh nhiều nghiên cứu khác chứng minh vắc xin dùng công nghệ mRNA (của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech) có hiệu quả bảo vệ lên đến 85% (nghiên cứu của Anh), hoặc 94% (Israel).

Đại dịch COVID-19 bùng phát không kiểm soát nổi một phần cũng do người nhiễm có thể lây lan virus trong một khoảng thời gian trước khi phát hiện bệnh. Tiêm ngừa đầy đủ giúp làm giảm nguy cơ lây này rất nhiều.

“Nếu anh đến một nơi có nhiều người chưa tiêm ngừa, anh sẽ bảo vệ họ nếu anh đã tiêm ngừa rồi” – bác sĩ Monica Gandhi, giáo sư Đại học California San Francisco, giải thích.

Khả năng bảo vệ này đã được quan sát trên thực tế: Nghiên cứu của CDC trên hệ thống nhà dưỡng lão ở thành phố Chicago không phát hiện ra lây nhiễm trong số cư dân đã tiêm ngừa, mặc dù đã xuất hiện vài ca dương tính trong số nhân viên và cư dân (đa phần không triệu chứng).

Cẩn trọng vẫn không thừa

Nếu tất cả dân Mỹ đều tuân theo hướng dẫn của CDC – tức người chưa tiêm ngừa tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách, người đã tiêm có thể tháo nếu muốn – thì khả năng lây lan của COVID-19 ở Mỹ sẽ giảm đi đáng kể.

Nhưng đó chỉ là lý tưởng, thực tế luôn có những người không tiêm ngừa và cũng không đeo khẩu trang. Giữa một đám đông làm sao nhận ra cái người không mang khẩu trang kia đã tiêm ngừa hay chưa?

Đó là lý do tại sao hướng dẫn của CDC Mỹ gây tranh cãi. Luôn có nguy cơ những người không mang khẩu trang, không tiêm ngừa lây bệnh cho người khác, có thể gồm cả người đã tiêm ngừa.

“Cũng như bất cứ hướng dẫn nào, cách mọi người diễn giải theo ý họ không thể đoán được. CDC lẽ ra nên nói rõ hơn là mặc dù trên lý thuyết một số người có thể ngừng đeo khẩu trang, nhưng thói quen này vẫn còn quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay” – bác sĩ Abraar Karan từ Trường Y Harvard nêu quan điểm.

Một lý do quan trọng nữa là nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc xin còn tùy thuộc mức độ virus lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Gandhi nêu ví dụ: “Nếu tôi đang sống ở Ấn Độ, tôi không đời nào tháo khẩu trang ra cho dù đã tiêm ngừa xong, số ca nhiễm ở đó quá cao”.

Nói cách khác, càng nhiều ca nhiễm thì người đã tiêm ngừa càng đối mặt nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bác sĩ Gandhi cho rằng nên đặt ra những cột mốc về tỉ lệ ca nhiễm và tỉ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng để dỡ bỏ quy định không đeo khẩu trang, thay vì nói chung chung như CDC vừa qua.

Ngoài ra, trong xã hội luôn có những đối tượng dễ tổn thương hơn, như người có hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền, tuổi cao sức yếu… nên luôn cần những biện pháp đề phòng khác ngoài vắc xin.

“Hàng triệu người Mỹ nằm trong diện này” – bác sĩ Jeanne Marrazzo thuộc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết.

PHÚC LONG
TTO