22/12/2024

Cùng con vào thời đại số: Giúp con thoát cảnh ‘ngáp ngắn, ngáp dài’

Cùng con vào thời đại số: Giúp con thoát cảnh ‘ngáp ngắn, ngáp dài’

Dịch COVID-19 bùng phát, học sinh nhiều nơi phải quay về học trực tuyến. Dù đã tạm quen với hình thức này, hầu hết học sinh vẫn gặp không ít khó khăn khi phải ngồi học trước màn hình máy tính hàng giờ liền.

 

Cùng con vào thời đại số: Giúp con thoát cảnh ngáp ngắn, ngáp dài - Ảnh 1.

Nếu thầy cô và bố mẹ thấy con đang học trực tuyến mà ngáp liên tục, thậm chí chảy nước mắt, mặt mũi bơ phờ, điều đó cho thấy con đang quá tải, mất tập trung, khả năng tiếp thu giảm sút… Việc dạy và học như thế có điều gì đó sai sai, cần điều chỉnh.

“Lỗi” ở cơ chế tự nhiên

Các nghiên cứu về khả năng tập trung của con người cho thấy với người lớn, thời gian tập trung sẽ nằm trong khoảng 25 – 30 phút tùy người. Chính vì thế, Pomodoro là một kỹ thuật nổi tiếng giúp nâng cao hiệu suất bằng cách chia ca làm việc thành nhiều phiên, mỗi phiên kéo dài 25 phút, theo sau là những khoảng nghỉ ngắn 5 phút. Cứ sau 4 phiên như thế, chúng ta cần nghỉ khoảng 15 – 20 phút.

Kinh nghiệm dạy học trực tuyến của tôi cho thấy với sinh viên, thời gian thực sự tập trung chỉ khoảng 15 – 20 phút. Với học sinh trung học, con số này là 12 – 15 phút; còn học sinh tiểu học chỉ 7 – 10 phút.

Sau khoảng thời gian này là các con bắt đầu ngó nghiêng xung quanh, đi vệ sinh hoặc chát chít trêu chọc nhau… Bố mẹ chỉ cần học cùng con một tiết sẽ thấy cứ sau khoảng 10 phút là trong lớp thế nào cũng có vài bạn xin đi vệ sinh hoặc gửi tin nhắn riêng, gửi đường link… để vui đùa, giải trí.

Dù vô thức, mục đích của tất cả các việc này đều là để… tự vệ. Vì sao vậy? Vì sự tập trung của các con đã “chạm ngưỡng”, bộ não của các con tự động nghĩ ra các việc đó để thư giãn và tự vệ.

Có thể hình dung những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, chảy nước mắt… đều là sự “trốn chạy” của cơ thể khỏi các đe dọa sinh tồn. Tương tự, những hành vi phát sinh trong giờ học trực tuyến chẳng qua là sự phản ứng tự nhiên trước sự đe dọa từ việc phải tập trung quá mức bộ não cho phép, khi tiết học thường kéo dài liên tục từ 35 – 45 phút.

Thường thì nhiều thầy cô và bố mẹ không coi trọng chuyện này. Mối quan tâm lớn hơn của giáo viên là “chạy” hết bài, trong khi đó bố mẹ thường chỉ muốn con ngồi yên ngoan ngoãn học: “Con học đi, làm bài đi, ngồi yên nghe cô dạy. Không được nghịch”.

Làm gì để giúp con trẻ tập trung?

Câu trả lời tất nhiên là phải bảo vệ con trước các “đe dọa sinh tồn”. Cụ thể, trước mỗi dấu hiệu mất tập trung, phải dừng lại để con được thư giãn khoảng 2 phút rồi mới tiếp tục.

Muốn vậy, về phía thầy cô, cần thiết kế bài giảng thành các môđun nhỏ, mỗi môđun có thời lượng từ 7 – 10 phút tùy lứa tuổi. Như thế, một tiết học sẽ gồm 4 môđun. Cứ hết 1 môđun là thư giãn khoảng 2 phút. Các môđun cũng không được cùng kiểu mà đan xen nhiều loại khác nhau để tránh sự nhàm chán.

Trong giáo dục có cả một hệ thống thuật ngữ để gọi tên các hoạt động dạy và học như: hình thành kiến thức, hoạt động, thực hành, trò chơi, vận dụng, củng cố, mở rộng kiến thức… Tùy theo yêu cầu cụ thể mà chọn các môđun phù hợp để đưa vào bài học.

Trong trường hợp thầy cô không nhận ra sự quá tải của học sinh, bố mẹ cần chủ động xin phép thầy cô và nhắc con tạm dừng 2 phút để nghỉ. Nếu không ở cạnh con thì ít nhất cũng phải dặn dò con rằng con có quyền được nghỉ 2 phút sau khi học tập trung từ 7 – 10 phút. Nếu không là quá sức, trái tự nhiên và phản tác dụng.

Trong thời gian nghỉ giữa giờ này, con có thể đứng dậy vươn vai, đi lại, uống nước hoặc trò chuyện vài câu ngắn với bố mẹ. Điều này vừa giúp con thư giãn vừa tăng thêm vận động, thay vì chỉ ngồi lì trước máy tính.

Ngoài ra, việc ngồi lâu học trước màn hình điện thoại hoặc máy tính thường làm cho trẻ mệt mỏi và đánh mất kết nối tự nhiên giữa người và người. Việc này nếu kéo dài sẽ không tốt cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nếu bố mẹ ở nhà trong lúc con học trực tuyến thì cần thường xuyên trò chuyện và động viên con trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Việc này bắt đầu trước hết bằng sự ghi nhận sự đúng giờ hoặc cố gắng của con trong quá trình học. Và khi thấy con xứng đáng, cần chủ động khen ngợi con, làm cho con thấy mình có người đồng hành trong quá trình học và cố gắng của mình được ghi nhận.

20-20-20

Với những người sử dụng máy tính, do phải nhìn lâu vào màn hình nên mắt dễ bị mỏi. Để bảo vệ mắt khi dùng máy tính, các chuyên gia đã đưa ra quy tắc 20 – 20 – 20, nghĩa là: sau 20 phút nhìn màn hình, cần nhìn xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây để thư giãn mắt.

Để “online” bớt khô khan

Không chỉ trò chuyện hoặc động viên, bố mẹ cần chủ động có những tiếp xúc thân mật ở mức độ phù hợp như đập tay khi con làm xong bài hoặc ôm con vào giờ nghỉ hay sau buổi học, để con giữ được kết nối tự nhiên giữa người với người. Điều này sẽ làm cho việc học trực tuyến bớt khô khan máy móc, giúp con cảm nhận được tinh thần đồng đội của cả gia đình, từng bước hình thành một không gian sống và học tập theo tinh thần “đồng kiến tạo”.

Học trực tuyến: cha mẹ không chỉ mở máy là xong

 

hoc

Học online không phải một bản năng mà cần được hướng dẫn đến nơi đến chốn – Ảnh: REUTERS

Tình thế bắt buộc phải học trực tuyến không phải chỉ ở Việt Nam mà còn là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh trên thế giới. Các cuộc khảo sát được thực hiện ở nhiều nơi cho thấy hầu hết cha mẹ, học sinh dần chán ngấy những giờ học đối diện với màn hình máy tính.

Chẳng hạn, nghiên cứu của Trường MUSE Academy (New York, Mỹ) cho thấy 51% phụ huynh cảm nhận việc học của con mình tương đối sa sút sau một năm học online, 10% thấy con đi xuống ở mức báo động, một số nơi ghi nhận những trường hợp trẻ gặp các vấn đề tâm lý vì học trực tuyến.

Nhiều lời khuyên liên tục được các chuyên gia đưa ra. Nhà tham vấn hành vi cho cha mẹ và con cái Sylvia Corzato (Mỹ) cho rằng trước nhất, phụ huynh cần dành thời gian nói chuyện nhiều hơn với con. Học trực tuyến vốn dĩ xa cách bạn bè, thầy cô, trẻ ít được giao tiếp.

Thay vì cứ để con ngồi trước máy tính là xong nhiệm vụ, cha mẹ có thể ân cần hỏi thăm trẻ trước và sau khi học. Những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay con học thế nào? Con nghe rõ bài giảng không? Có sự cố gì không?…” cũng sẽ giải tỏa cơn “thèm được nói” của trẻ.

Thứ hai, phụ huynh và con cần cùng vạch ra những kỳ vọng và giới hạn thật rõ. Ví dụ, thời gian online là bao nhiêu một ngày, bao nhiêu dành cho việc học, bao nhiêu cho những hoạt động khác… Phụ huynh đừng viện lý do quá bận rộn mà không ngồi lại cùng con.

Corzato nói: “Trẻ con cần được định hướng. Cha mẹ không thể chỉ nhắc nhở “Nay con có tiết học đó, nhớ học nha” là xong. Nếu không có những hướng dẫn rõ ràng, trẻ sẽ khó có thể học trực tuyến hiệu quả”.

Ngoài ra, một môi trường tích cực trong gia đình sẽ quyết định rất nhiều đến những hành vi của trẻ. Theo Corzato, thử tưởng tượng liệu con có thể học từ xa tập trung trong khi cha mẹ đang “say sưa” lướt điện thoại giải trí, chơi game… Trẻ cũng khó hứng thú với học online nếu chúng chẳng bao giờ thấy cha mẹ dùng Internet để bổ sung kiến thức hay đọc tin tức.

“Nếu phụ huynh biết làm gương, đại dịch là dịp không thể tốt hơn để dạy con cách vượt qua những thử thách và luôn biết cách tận dụng những cơ hội để phát triển bản thân” – Corzato kết luận.

VĂN KHOA

GIÁP VĂN DƯƠNG – TRỌNG NHÂN ghi
TTO