24/01/2025

Hàng không du lịch… rẽ trái

Hàng không du lịch… rẽ trái

Sau Bamboo Airwyas, câu chuyện Vietravel rục rịch muốn rút cổ phần khỏi Vietraval Airlines chỉ sau 4 tháng cất cánh khiến nhiều người tự hỏi, hàng không phục vụ du lịch đã thực sự hoạt động hay chưa?
Vietravel đang xin rút vốn, tách khỏi Vietravel Airlines để thoát lỗ /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Vietravel đang xin rút vốn, tách khỏi Vietravel Airlines để thoát lỗ   ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Lách qua “khe cửa hẹp”

Tháng 11.2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH hàng không Tre Việt – đơn vị sở hữu Hãng hàng không Bamboo Airways. Đây được coi là bước đột phá đối với thị trường hàng không Việt Nam sau nhiều năm ảm đạm với sự “thống trị” của 3 hãng hàng không. Bamboo Airways khi ra đời trong sự “ngưỡng mộ” của rất nhiều người bởi trước đó đã có rất nhiều doanh nghiệp “trầy vi tróc vẩy” cả gần thập niên vẫn không xin được giấy phép bay. Ngay cả kế hoạch mở rộng đội bay của các hãng đang hoạt động cũng bị kìm hãm.
Một trong những khuyến cáo lớn nhất của Bộ GTVT dành cho các hồ sơ xếp hàng chờ bay là tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không đã sử dụng hết các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, giờ hạ cất cánh tại các khung giờ trong ngày. Nguồn tài nguyên về vị trí đỗ tàu, “slot” tại một số sân bay lớn cũng không còn nhiều.
Khi đó, Bamboo Airways rất khôn ngoan khi chọn sân bay Phù Cát (Bình Định) là trụ sở chính. Trong hồ sơ xin giấy phép bay, “tân binh” này cũng nêu rõ định hướng mạng bay của hãng tại thị trường nội địa là hướng đến khai thác các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng, tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án nghỉ dưỡng của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ hở hạ tầng hàng không quá tải. Xuất sắc đưa lời giải cho bài toán hạ tầng Tân Sơn Nhất quá tải mà Bộ GTVT cảnh báo, Bamboo Airways nhanh chóng có được sự ủng hộ của Bộ GTVT, Cục Hàng không và nhận giấy phép bay chỉ trong hơn 1 năm từ khi thành lập đề án.
Tương tự, Vietravel Airlines khi được phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu tháng 4.2020. Chỉ nửa tháng sau đó, Chính phủ đã yêu cầu siết chặt việc cấp phép cho các hãng hàng không mới, để đảm bảo tốt nhất quản lý về ngành hàng không, phát triển bền vững. Đây là lý do một hãng hàng không khác là Cánh Diều (Kite Air) của Công ty CP đầu tư Thiên Minh dù chứng tỏ khả năng huy động vốn lớn hơn nhiều so với quy định (vốn điều lệ thành lập hãng hàng không mới là 700 tỉ đồng), nhưng chưa được xem xét cấp phép.
Cũng giống Bamboo Airways, Vietravel Airways chọn sân bay Phú Bài (Huế) là tổng hành dinh để thoát cảnh báo hạ tầng quá tải tại Tân Sơn Nhất. Giải trình hồ sơ xin bay, người sáng lập Vietravel Airlines khi đó cho biết mô hình khai thác dự kiến của dự án Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch. Nhờ đó, hãng nhận được sự ủng hộ của Bộ GTVT với lý do “mô hình này cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng hàng không cung cấp dịch vụ này”.
Thế nhưng ngay sau khi đi vào hoạt đông, cả Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều nhanh chóng mở rộng mạng bay phủ khắp, không chỉ dừng lại ở các điểm du lịch như định hướng ban đầu. Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cũng là điểm dừng, đỗ thường xuyên, thay vì trụ sở chính của 2 hãng là Phú Bài hay Phù Cát.

Cuộc chơi đốt tiền

Mới đây, Vietravel đưa ra kế hoạch cổ phần hóa tách khỏi Vietravel Airlines với lý do khó khăn do dịch bệnh, mảng kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kết quả kinh doanh của công ty mẹ thấp, không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ Vietravel Airlines. Sau khi thông tin Vietravels Airlines chuẩn bị không còn thuộc sở hữu của Vietravel được lan truyền nhanh chóng, lãnh đạo Vietravel đã lên tiếng khẳng định theo đề án từ đầu, Vietravel Airlines sẽ được chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần hóa từ năm thứ hai trở đi. Trong cơ cấu cổ phần hóa, Vietravel vẫn giữ vai trò là cổ đông sáng lập và chi phối.
Trước đó, sau khi tăng vốn điều lệ lên 10.500 tỉ đồng vào tháng 2, Tập đoàn FLC cũng chỉ còn nắm giữ 39,4% tỷ lệ sở hữu vốn tại Bamboo Airways. Căn cứ theo luật Doanh nghiệp 2020, Hãng hàng không Bamboo Airways đã không còn là công ty con của Tập đoàn FLC.
Theo một chuyên gia trong ngành, hàng không luôn là cuộc chơi đốt tiền, minh chứng là nhiều hãng hàng không Việt thành lập cách đây chục năm đã phải đóng cửa chỉ sau một vài năm hoạt động. Sự thành công của các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air và hiện tại là Bamboo Airways không phải là hiện tượng phổ biến . “Khó nhất là xin được giấy phép bay, bởi có nhiều cái tên muốn chen chân vào hàng không, song rất ít doanh nghiệp được trao cơ hội”, chuyên gia này nói.
Tuy vậy, sau khi có giấy phép hoạt động, các “ông chủ” hàng không cần dòng tiền đủ lớn để phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng (đội máy bay, phi công, tiếp viên…) và duy trì hoạt động bay. Với những doanh nghiệp không có dòng tiền mặt đủ lớn, có 2 khả năng xảy ra: một là phá sản, 2 là bán cổ phần. Đặc biệt, việc bán/chuyển nhượng cổ phần là cách nhanh nhất giúp ông chủ ban đầu của hãng lập tức thu được một khoản lợi nhuận rất lớn, đồng thời có thêm đối tác san sẻ gánh nặng lỗ.
Theo lý giải của Vietravel, trong tháng 5, doanh nghiệp này sẽ trình kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines để Vietravel không còn là công ty mẹ. Thay và đó, nếu được đại hội cổ đông thông qua, Vietravel Holdings sẽ sở hữu chi phối tại cả Vietravel và Vietravel Airlines.
Đến tận lúc này, rất nhiều người vẫn ngơ ngác tự hỏi, các hãng hàng không ra đời với mục đích phục vụ dịch vụ du lịch đã thực sự hoạt động hay chưa ?
HÀ MAI – MAI HÀ
TNO