Chúa Nhật VI PS B – 2021: Thiên Chúa là Tình yêu

Vào tuần cuối cùng suy niệm về Chúa sống lại, vì tuần sau mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội muốn đưa ta đến ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất của Đấng Phục Sinh, đó là việc chúng ta được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 15,9-17)

Chúa Nhật VI PS B – 2021

Thiên Chúa là Tình yêu

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Vào tuần cuối cùng suy niệm về Chúa sống lại, vì tuần sau mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội muốn đưa ta đến ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất của Đấng Phục Sinh, đó là việc chúng ta được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 15,9-17): “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy“. Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu tình yêu ở đây là gì và phải yêu thương nhau như thế nào?

1. Tình yêu trong ngôn ngữ con người

Tình yêu với biểu tượng trái tim xuất hiện ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Người ta tô vẽ nó lên quần áo, hàng hoá, thực phẩm, xe cộ, tường nhà, rồi gửi nó trong mỗi tin nhắn điện thoại. Người ta vòng hai bàn tay thành hình trái tim để gửi đến những fan của mình từ sân khấu, sân chơi. Chủ đề tình yêu được các văn nghệ sĩ diễn tả đầy rẫy trong các tác phẩm. Do đó, nếu bỏ đi tình yêu thì đời sống văn hoá của con người sẽ rất nghèo nàn và cằn cỗi. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi “tình yêu là gì” có lẽ nhiều người cũng không biết giải nghĩa thế nào cho thoả đáng.

1.1. Những người không giải nghĩa được tình yêu

Rất nhiều người hiện nay không giải nghĩa được tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu viết rằng: “Làm sao giải nghĩa được tình yêu,- Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,- Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, – Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu“. Ông cho rằng tình yêu mờ ảo, mông lung, bàng bạc trong muôn loài nhưng không giải nghĩa được.

Nhiều người theo hệ tư tưởng duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm của những người theo chủ nghĩa duy tâm, chỉ tin vào tinh thần, chứ làm gì có trong thực tế. Bằng chứng là người ta đã làm cả ngàn thí nghiệm với các máy móc khoa học tiên tiến nhất, nhưng vẫn không thấy dấu vết tình yêu ở bất cứ nơi nào trong con người. Tình yêu mà mọi người đang nói đến chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, mê tín. Điều nghịch lý là trong khi không tin có tình yêu thì nhiều người trong số đó vẫn đang hô hào “yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu cha mẹ, vợ con…!”. (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, cuốn 4, không có mục từ Tình yêu, chỉ có mục từ Tình bạn, Tình cảm, Tình dục, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 2005, tr 421-422).

1.2. Những cố gắng giải nghĩa tình yêu

Nhưng cũng có nhiều người khác đang cố gắng giải nghĩa tình yêu. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công giáo nổi tiếng, đã trả lời cho Xuân Diệu những lời sau đây qua bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,- Để nghe dưới đáy nước hồ reo,- Để nghe tơ liễu run trong gió – Và để nghe Trời giải nghĩa tiếng yêu“. Phải! Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu cho con người vì Trời là tình yêu, nhưng nếu con người không tin Trời thì không thể nào giải nghĩa được tình yêu trong trái tim mình! Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong rất nhiều những bản tình ca về tình yêu, đã phải chua xót thốt lên: Tình yêu như trái phá, Con tim mù loà… Tình yêu mà không hiểu đúng nghĩa thì nó sẽ phá nát trái tim con người. Chả trách trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngày nào báo chí cũng đưa tin về những vụ tham nhũng, cướp của, giết người, phá thai, ly dị, tự tử… Tất cả chỉ vì người ta không giải nghĩa được tình yêu thật sự là gì, nên trái tim mù loà của họ bị phá nát và xã hội họ đang sống cũng tan hoang!

Thật ra, “tình yêu là một mầu nhiệm” mà con người không thể giải nghĩa, nhưng lại có thể cảm nhận được, bởi vì Trời hay Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong muôn loài muôn vật, đúng như lời thánh Gioan thôi thúc trong Bài đọc II (x. 1Ga 4,7-10) hôm nay: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Đối với con người có lý trí, tình yêu là một loại tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, làm cho con người gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người hay với vật mình yêu, như ta vẫn nói: yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu cuộc sống. Nghĩa thứ hai của tình yêu mới là tình cảm yêu đương giữa nam nữ (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr. 1284).

2. Thiên Chúa là Tình yêu

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và hơn nữa tình yêu còn là bản chất của Thiên Chúa, khi thánh Gioan quả quyết “Thiên Chúa là Tình yêu”. Điều đó có nghĩa là mọi tương quan bên trong và mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa đều là tình yêu. Không có một tôn giáo nào dám định nghĩa Thiên Chúa hay thần linh của mình như vậy.

Đời con dâng Chúa - Dòng Tên Việt Nam-Dòng Chúa Giêsu

Vì bản chất tình yêu là ban tặng, là chia sẻ tất cả những gì mình có cho đối tượng mình yêu, nên từ thuở ban đầu Thiên Chúa ban tặng chính bản thể mình cho đối tượng mình yêu và đã sinh ra Người Con Một có cùng bản thể với mình. Người Con Một ấy lại yêu chúng ta nên cũng ban tặng cho ta sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa sau khi Người từ cõi chết sống lại. Vì thế Đức Giêsu nói với ta: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

2.1. Tình yêu Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ muôn loài

Do tình yêu thúc đẩy, Thiên Chúa chia sẻ những gì mình có cho muôn loài muôn vật, nên ta thấy chúng phản ánh cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Ngài, nhất là chúng phản ánh tình yêu của Ngài và yêu thương nhau như Ngài.

Tuỳ theo bản chất của bậc sống mà mỗi loài diễn tả tình yêu của Thiên Chúa một cách khác nhau. Những nguyên tử, phân tử vật chất mà ta tưởng như chúng vô hồn, nhưng thật sự chúng yêu thương nhau: những phân tử mang điện tích âm nối kết với những chất mang điện tích dương để tạo nên chất mới như đứa con của chúng. Thí dụ: Hydro + Oxy tạo ra nước. Ở loài thực vật, ta thấy những hoa cái, nhị đực tìm đến nhau để sinh hoa kết trái. Ở loài động vật: con đực gắn bó với con cái theo bản năng để sinh con nối tiếp giống nòi.

Cao cả hơn là những loài có tinh thần, như các thiên thần và con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên họ có tự do để đón nhận hay từ chối tình yêu của Ngài. Thật sự một số trong họ đã chối từ. Khi cắt đứt mối hoà hợp với Thiên Chúa là họ làm tổn thương bản chất của chính mình, và làm mất luôn nguồn sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, nguồn chân thiện mỹ vô biên mà Thiên Chúa đặt vào trong bản chất của họ. Họ trở nên gian ác, sai lầm, xấu xí, bất hạnh và phải chết.

Nhưng vì bản chất là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Ngài không muốn muôn loài bị phá huỷ bởi tội lỗi của con người nên Ngài đã ban Con Một là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để cứu độ chúng ta. Thánh Gioan trong bài thư hôm nay cũng nói rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Vì thế, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Người đến để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta và ta phải yêu thương nhau như thế nào.

2.2. Phải yêu thương nhau như thế nào?

Muốn yêu thương thật sự, ta phải giải được hai ý nghĩa trong tình yêu của Giêsu: đó là hy sinh và nâng cao. Ta thường nói đến hy sinh nhưng không giải được nghĩa nâng cao.

Hy sinh: yêu cho đến cùng, đến chết và chết trên thập giá như Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình”. Người ta có thể hy sinh, tặng cho nhau vật chất, nhưng chết thay cho nhau thì thật là hoạ hiếm. Vì thế chúng ta bái phục tình yêu của những anh hùng đã hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Thật ra, trong bữa ăn hằng ngày, nhiều tôm cá, rau cỏ đã hy sinh sự sống cho ta, chúng bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, còn ta lại coi thường tình yêu của chúng!

Nâng cao đối tượng mình yêu: tình yêu không được làm cho đối tượng mình yêu bị hạ thấp, sỉ nhục, thiệt thòi, mất mát, nhưng phải nâng nó lên ngang hàng với mình và còn nâng lên bằng Thiên Chúa như Đức Giêsu. Nhiều người tình đã huỷ hoại nhau khi hạ giá con người thành phương tiện để thoả mãn tình dục, khi biến người yêu thành vật họ sở hữu. Còn Đức Giêsu nâng ta lên ngang tầm với Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Hơn nữa, Đức Giêsu còn ban Thánh Thần để Ngài biến chúng ta thành thần thánh như Người. Người chia sẻ cho chúng ta những gì Chúa Cha ban cho mình để ta trở thành Thiên Chúa như Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Chúa Cha cũng đã tuôn đổ tình yêu vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành như Bài đọc I diễn tả (x. Cv 10,25-48.)

Lời kết

Chỉ khi biết yêu nhau như thế, ta mới nói cho những người đang sống trong xã hội này biết Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì ta giải được ý nghĩa hy sinh và nâng cao trong tình yêu của Đấng Phục Sinh.

HKK