18/11/2024

Nhiều trẻ em Ấn Độ bị bỏ đói vì cha mẹ nhập viện hoặc chết vì COVID-19

Nhiều trẻ em Ấn Độ bị bỏ đói vì cha mẹ nhập viện hoặc chết vì COVID-19

Những lời kêu gọi hỗ trợ đang vang lên khắp Ấn Độ, sau khi nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không người chăm sóc vì cha mẹ đang nhập viện hoặc đã qua đời vì COVID-19.

 

Nhiều trẻ em Ấn Độ bị bỏ đói vì cha mẹ nhập viện hoặc chết vì COVID-19 - Ảnh 1.

Cuối ngày 5-5, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục về cả số ca dương tính và số người tử vong trong một ngày, 400.000 ca – Ảnh: REUTERS

Bachpan Bachao Andolan (BBA), một tổ chức bảo vệ trẻ em tại Ấn Độ, đã phát hiện 2 đứa trẻ – một 6 tuổi và một 8 tuổi, nhiều ngày không có đồ ăn vì cha mẹ chúng đều trở bệnh nặng sau khi mắc COVID-19.

Theo Hãng tin Reuters, hai đứa trẻ trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ cần hỗ trợ khẩn cấp vì đại dịch hoành hành tại Ấn Độ.

“Cần người quyên góp sữa mẹ cho một cháu bé một ngày tuổi tại Delhi. Mẹ của bé đã qua đời vì COVID-19”, hãng tin của Anh trích một đoạn chia sẻ trên Twitter. Người đăng chia sẻ này sau đó thông báo đã tìm được sự giúp đỡ.

Quỹ Protsahan Ấn Độ, một tổ chức bảo vệ trẻ em khác, thông báo họ đang chăm sóc những đứa trẻ bị đói trong nhiều ngày sau khi mẹ của chúng qua đời.

“Người cha là công nhân lao động và cũng đang bị sốc và khủng hoảng. Chúng tôi đang cung cấp thực phẩm và hỗ trợ các nhu cầu về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ cho lũ trẻ” – bà Sonal Kapoor, người sáng lập Protsahan, thông báo.

Số ca nhiễm và tử vong ngày một tăng tại quốc gia Nam Á đang đẩy nhiều trẻ em vào cảnh không người chăm sóc, đặc biệt tại các cộng đồng nghèo.

“Số các ca tử vong đang tăng lên đã làm phát sinh vấn đề. Trẻ em hoặc mất đi cha mẹ, hoặc người chăm sóc chúng đang nằm viện, và không còn ai ở bên bọn trẻ” – ông Dhananjay Tingal, giám đốc BBA, cho biết.

Với hệ thống dịch vụ xã hội ít được đầu tư, Ấn Độ khó lòng giải quyết vấn đề trên. Theo Reuters, trẻ em tại một số khu vực của Ấn Độ thậm chí đã bị cô lập vì sự kỳ thị đối với những người có tiếp xúc với virus corona.

“Hàng xóm và họ hàng không muốn giúp đỡ vì sợ lây nhiễm, họ gần như ruồng bỏ những gia đình này”, ông Tingal nói.

Vị giám đốc này cũng cho biết BBA đã bắt đầu nhận thông báo về những đứa trẻ rơi vào tình huống trên, kể từ khi COVID-19 bùng phát trở lại tại Ấn Độ hồi đầu tháng 4.

Theo Hãng tin Reuters, mỗi ngày tổ chức này nhận khoảng 70 cuộc gọi tìm kiếm sự giúp đỡ cho các trường hợp tương tự.

Ngoài ra, BBA cũng nhận một lượng lớn cuộc gọi từ các bậc phụ huynh dương tính với COVID-19. Họ hi vọng nhóm có thể chăm sóc con cái của mình nếu có chuyện không hay xảy ra với bản thân.

Tính đến hết ngày 5-5, Ấn Độ có 3,57 triệu trường hợp đang mắc COVID-19. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ qua, kỷ lục cao nhất toàn cầu. Số ca tử vong tại Ấn Độ cũng tăng thêm 3.980 cùng ngày.

Nhiều trẻ em Ấn Độ bị bỏ đói vì cha mẹ nhập viện hoặc chết vì COVID-19 - Ảnh 3.

Người lao động nhập cư ở TP Kolkata (Ấn Độ) tìm mọi cách quay về quê nhà trong ngày 6-5, khi chính quyền bang Tây Bengal quyết định áp dụng phong tỏa một phần – Ảnh: REUTERS

Hơn 230 triệu người dân Ấn Độ rơi vào nghèo khó

Năm 2020, khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch COVID-19, trong đó nhóm người trẻ tuổi và phụ nữ chịu tác động mạnh nhất.

Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 5-5, trong đó cảnh báo tình trạng sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong năm 2021 khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 vô cùng nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Đại học Azim Premji, trụ sở tại Bangalore, lệnh phong tỏa được áp dụng từ tháng 3-2020 và kéo dài nhiều tháng tại Ấn Độ đã khiến hàng triệu người mất việc làm.

Tính đến cuối năm 2020, khoảng 15% trong số này không thể tìm được việc làm thay thế. Phụ nữ là nhóm chịu tác động mạnh nhất, với khoảng 47% lao động nữ không thể tìm được việc làm kể cả khi biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Trong nghiên cứu này, những người Ấn Độ có thu nhập dưới 375 rupee (5 USD)/ngày được coi là người nghèo. Nghiên cứu chỉ ra dù đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của hầu hết người dân Ấn Độ giảm, nhưng các hộ gia đình nghèo hơn là những hộ chịu nhiều thiệt hại hơn.

Ngay cả khi đại dịch chưa xuất hiện, nền kinh tế thứ 3 châu Á đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm trong thời gian kéo dài, và thêm tác động đại dịch thì kinh tế Ấn Độ thậm chí rơi vào trạng thái suy giảm.

Trước khi đại dịch xuất hiện, các dự báo đều kỳ vọng khoảng 50 triệu người Ấn Độ sẽ thoát nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, giai đoạn tháng 4 và tháng 5-2020, khi mọi hoạt động kinh tế đều tạm dừng, khoảng 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Ấn Độ rơi vào cảnh hoàn toàn không có thu nhập.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Amit Basole, nhận định làn sóng thứ 2 sẽ tiếp tục đẩy tình trạng này đi xa hơn.

Hầu hết các gia đình mất thu nhập đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và vay nợ, với khoảng 20% người được hỏi cho biết tình trạng của họ vẫn chưa cải thiện dù đã 6 tháng kể từ sau lệnh phong tỏa.

Lệnh phong tỏa trong làn sóng thứ nhất đã khiến hàng triệu người lao động di tản từ các thành phố lớn về quê nhà và nhiều người đã dự định trở lại thành phố khi các hoạt động kinh tế được nối lại. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ ra khoảng 1/3 số lao động dưới 25 tuổi bị thất nghiệp trong thời gian phong tỏa, đến cuối năm 2020 vẫn không thể tìm được việc làm thay thế.

Khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đẩy các bệnh viện tại Ấn Độ vào tình trạng quá tải, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp hạn chế mới với hầu hết hoạt động kinh tế thì hàng triệu người Ấn Độ vốn đã điêu đứng trong làn sóng thứ nhất có thể sẽ còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

VŨ NGUYÊN
TTO