22/01/2025

Cha mẹ cùng con vượt qua ‘tự kỷ’

Cha mẹ cùng con vượt qua ‘tự kỷ’

‘Thật khó chấp nhận khi một ngày nào đó con mình bị chẩn đoán tự kỷ’, chị H. bắt đầu câu chuyện. Nhưng theo thời gian, không ít lần khóc hết nước mắt, người mẹ ấy đã chấp nhận đồng hành với con.

 

Cha mẹ cùng con vượt qua tự kỷ - Ảnh 1.

Trẻ tự kỷ và giáo viên trong buổi giao lưu với khách đến thăm tại một trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ ở TP.HCM – Ảnh: XUÂN HÀ

Chị kể, bản thân thường xuyên đối mặt với những biểu hiện bất thường của con như đập phá đồ đạc một cách vô ý thức, thiếu tập trung và thích làm gì thì làm. Con trở thành “người đặc biệt” mỗi khi đến chỗ nào đó. Sự đặc biệt đó khiến người khác phiền lòng. “Ngay cả người trong nhà còn “sợ” con thì người ngoài sao có thể chịu được” – chị H. nói.

 

Con khác biệt, mẹ tập “lắng mình”

Một người mẹ khác, chị P. – trong nhóm những bà mẹ có con tự kỷ – cũng chia sẻ về những biểu hiện bất thường về hành vi của con: 17 – 18 tháng tuổi nhưng cu cậu không nhìn vào mặt mẹ, nửa đêm thức dậy có thể khóc cho đến sáng…

“Bé cũng không biết chỉ tay, đi nhón chân, chạy vòng tròn, và chỉ thích chơi một mình” – chị P. chia sẻ. Cuộc trò chuyện của chị P. trong một lần offline với những bà mẹ khác nhiều lần bị nghẹn lại. Chị không thể quên những tháng ngày tập làm mẹ vì những khủng hoảng trong chăm sóc một bạn nhỏ tự kỷ quá kinh khủng. “Có lúc tôi nghĩ đến việc chết cùng con”, nhưng rồi cũng ngay phút ấy chị “giật mình”, tự nhủ phải vượt qua cùng con.

Theo chị, “nếu đó là việc mình phải trải qua thì sự trốn tránh, kể cả cái chết, chỉ làm cho tình trạng tồi tệ hơn”. Hơn nữa, chị không thể làm hại con bởi sự yếu đuối của bản thân. Quyết định nghỉ việc là một lựa chọn đắn đo, nhưng chị không thể bỏ con. Chị bắt đầu “cuộc chiến” với tự kỷ cùng con, bằng sự kiên nhẫn.

Từng bước dắt con đi tập thể dục, chấp nhận bị mọi người dòm ngó, có lúc nhận lấy những lời không mấy dễ chịu, để đưa con hòa nhập xã hội. Sau hơn 7 năm, con trai chị đã lớn, biết tự lập trong một số việc cơ bản, nói được, có tư duy, tình cảm, dù không như những trẻ bình thường khác. “Nhưng đó đã là thành tích đáng mừng của hai mẹ con” – chị P. nhận định.

Con chị H. cũng dần vượt qua giai đoạn có những hành động kỳ quặc khiến người khác phải dè chừng, lo sợ. “Thằng bé đã biết quan tâm tôi. Bây giờ, dưới sự hướng dẫn và dõi theo thường xuyên của mình, con đã có thể học ở một ngôi trường bên ngoài như bao trẻ khác” – chị cho biết.

Để được vậy, chị đã cắn răng chịu đựng và tập ôn hòa, lắng mình từ khi biết con bị tự kỷ. Tuyệt đối không nổi nóng, thay vào đó yêu thương con nhiều hơn; kiên định để con từng bước thay đổi dù kết quả chậm. Sau tất cả, chị bảo “thầm cảm ơn con đã đào luyện để tôi kiên cường hơn”…

Nhận biết trẻ tự kỷ

Hiện tại những thông tin về dấu hiệu phát hiện trẻ tự kỷ, hoặc gia đình nên làm gì khi phát hiện con tự kỷ không phải là quá khó khăn để được tiếp cận một cách chính quy, khoa học. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít trường hợp trẻ tự kỷ bị phát hiện trễ hoặc cha mẹ chưa tìm hiểu thật đầy đủ về những vấn đề liên quan.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy giáo Huỳnh Kim Tú – cử nhân ngành công tác xã hội ĐH Huế, từng công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần (TP.HCM) – cho hay: “Tự kỷ không phải là bệnh mà nó là một dạng rối loạn của não bộ và không có nguyên nhân dẫn đến tự kỷ cũng như không có thuốc chữa”.

Do vậy, theo thầy, cách tốt nhất là can thiệp sớm cho trẻ. Để được vậy, cần phát hiện sớm, tất nhiên trẻ tự kỷ thì không trở lại bình thường nhưng các em có thể hòa nhập, làm việc và tự lo được cho bản thân.

Về dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ, rõ ràng nhất theo thầy Huỳnh Kim Tú là ở tương tác mắt và giao tiếp – trẻ không nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, khi chơi, không giao tiếp với người khác, chơi một mình, không cần đến sự hỗ trợ của người khác…

Lưu ý với cha mẹ trong việc giúp trẻ hòa nhập, thầy Kim Tú đề nghị phụ huynh cần cho trẻ đi khám tại các bệnh viện nhi để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá, sau đó đưa ra định hướng can thiệp cho trẻ. Tuy nhiên, “điều quan trọng nhất vẫn là chấp nhận trẻ và đồng hành cùng trẻ”.

Và những kết quả chị P., chị H. đạt được cùng với con mình đã là những trả lời xác thực cho câu hỏi: có phải chính quyết tâm của gia đình đã thay đổi số phận của một đứa trẻ…

Ở Việt Nam có khoảng 500.000 người tự kỷ. Có những trường hợp phụ huynh không nhận biết con mình bị tự kỷ nên chỉ đưa trẻ đi bác sĩ vì chậm nói, do vậy can thiệp không kịp thời, không hiệu quả.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi.

Cha mẹ cần làm gì?

– Trẻ tự kỷ gặp vấn đề chính là tương tác mắt và giao tiếp (kèm theo đó là nhận thức, nghe hiểu, vận động) nên ba mẹ cần tương tác với trẻ nhiều hơn, chơi với trẻ nhiều hơn.

– Đồng hành cùng con.

– Ngoài việc cho trẻ can thiệp tại các trung tâm, ba mẹ cũng nên hỗ trợ cho con tại nhà.

– Yêu thương trẻ vô điều kiện nhưng không nên cưng chiều trẻ quá mức.

Thầy HUỲNH KIM TÚ

TẤN KHÔI
TTO