Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2021: Khó như năm trước
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2021: Khó như năm trước
Tuy có những băn khoăn về câu hỏi còn tranh cãi, câu hỏi vượt ra ngoài chương trình nhưng nhiều giáo viên cho rằng đề thi có tỉ lệ đáng kể câu hỏi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT đúng với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT.
Tuy mỗi môn được giáo viên phân tích khác nhau nhưng tổng quan được đánh giá độ khó tương đương năm trước.
* Thầy Thân Đức Minh (tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Môn toán: tính phân hóa cao
Đề tham khảo môn toán có tính phân hóa cao, bao gồm 7 điểm dành cho học sinh trung bình và 3 điểm cho học sinh khá giỏi. Các câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, học sinh cần một số kiến thức đã học ở lớp 10 và 11 mới có thể giải quyết được các câu hỏi.
So với đề thi năm ngoái thì đề thi năm nay khó hơn, đạt được mục tiêu vừa dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
* Thầy Phạm Thư Tùng (giáo viên môn vật lý Trường THPT Ernst Thalmann):
Môn lý: số câu phân hóa nhiều hơn
Các câu hỏi trong đề tham khảo môn vật lý của Bộ GD-ĐT trải dài suốt nội dung chương trình lớp 12. Trong đó, có một số câu thuộc phần kiến thức lớp 11 nhưng thuộc dạng cơ bản, nhận biết mà thôi. Với đề thi này, học sinh trung bình – khá có thể dễ dàng đạt được 7 điểm nếu các em học bài kỹ.
Thế nhưng, số câu hỏi thuộc dạng phân hóa của đề tham khảo năm nay lại nhiều hơn đề thi chính thức của năm trước. Vì vậy, có thể nói đề tham khảo năm nay khó hơn năm trước. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có sáu câu hỏi khó thì đề tham khảo năm nay có đến 10 câu khó. Trong đó, có 5 câu thuộc dạng suy luận cao dành cho học sinh xuất sắc.
Đặc biệt, đề tham khảo còn có một số câu hỏi liên quan đến đời sống thực tế, tôi cho rằng đây là điểm mới đáng ghi nhận của người ra đề. Hi vọng đề thi chính thức cũng vẫn giữ được chi tiết này. Bởi nó sẽ làm cho đề thi thú vị hơn và môn vật lý cũng gần gũi hơn đối với học sinh.
* Thầy Trần Quang Vinh (tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM):
Môn hóa: khó tương đương năm trước
Đề tham khảo môn hóa năm nay có cấu trúc và độ khó tương đương đề thi chính thức của năm ngoái. Hầu hết các câu hỏi đều thuộc phần kiến thức lớp 12. Tuy nhiên, đề có một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức lớp 11 mới có thể làm đúng.
Nhìn chung, đề tham khảo này thuộc dạng vừa sức thí sinh, có 6/40 câu hỏi thuộc dạng phân hóa, so với đề thi năm 2018, 2019 thì mức độ phân hóa thấp hơn.
Nếu đề chính thức cũng ra theo mức độ tương tự như đề tham khảo thì các thí sinh sẽ thở phào nhẹ nhõm. Bởi các câu hỏi thể hiện rõ nét mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Và số thí sinh đạt được điểm 10 dự đoán sẽ tăng cao.
* Cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa (giáo viên lịch sử Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn lịch sử: không có phương án gây nhiễu
Đề tham khảo môn sử 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh rất dễ dàng chọn đáp án đúng vì những phương án sai rất rõ ràng, không có phương án gây nhiễu (bẫy). Hoàn thành nhóm câu hỏi này, học sinh dễ dàng đạt điểm 5, đạt yêu cầu xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng trong đề thi tham khảo lịch sử, có khoảng 20 câu khó hơn nhiều so với đề thi năm học 2019 – 2020. Trong đó vẫn có những câu còn tranh cãi như câu số 40 trong đề thi.
Đề thi có tính phân hóa cao. Nếu để phục vụ hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thì đề thi như hiện nay tương đối ổn, trừ những lỗi nhỏ có thể khắc phục. Nhưng nếu đây là đề thi chỉ nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì mức độ đề thế này là khó so với học sinh và sự chuẩn bị của các nhà trường.
* Cô Nguyễn Thị Châu Loan (giáo viên địa lý Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Môn địa lý: phải tư duy nhiều hơn học thuộc lòng
Đề minh họa môn địa lý 2021 có độ khó cao so với đề thi năm 2020. Cụ thể, có những câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu sâu bản chất vấn đề và phải tư duy, độ phân hóa cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi mức độ nhận biết, hiểu để học sinh đạt được mức điểm trung bình.
Tuy nhiên, đề thi có 19 câu yêu cầu học sinh phải có kỹ năng tốt, cụ thể 15 câu khai thác Atlat địa lý, 1 câu phân tích bảng số liệu, 3 câu liên quan tới kỹ năng biểu đồ. Nếu học sinh có kỹ năng thực hành tốt sẽ có thể lấy điểm ở những câu như thế này.
Các câu hỏi liên quan tới kiến thức có 21 câu trải đều trong chương trình lớp 12 (đã loại bỏ phần được giảm tải) nhưng vẫn theo cấu trúc chung như đề thi hằng năm và sắp xếp thứ tự từ dễ đến khó.
* Thầy Lê Công Anh (tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: có phần dễ hơn năm trước
Đề tham khảo năm nay có cấu trúc giống như đề thi chính thức năm 2020. Các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp bám sát chương trình lớp 12. Bài đọc – hiểu cũng bám sát chủ đề của chương trình. Tuy nhiên, môn ngoại ngữ có đặc thù là kiến thức học theo hình xoắn ốc. Vì vậy học sinh phải có kiến thức nền ở lớp 11 mới có thể hoàn thành các câu hỏi ở lớp 12.
Tóm lại, đề tham khảo này có phần dễ hơn so với đề chính thức năm trước. Nhưng tôi có một đề nghị là Bộ GD-ĐT nên cân nhắc khi ra đề thi chính thức sao cho đề chính thức không quá chênh lệch về độ khó so với đề tham khảo.
Năm trước các thí sinh đã bị hụt hẫng với môn tiếng Anh vì đề thi chính thức khó hơn đề tham khảo. Tôi mong rằng năm nay các em học sinh sẽ không phải gặp lại tình trạng này.
Ngữ văn: cấu trúc quen thuộc
Nhận xét về đề thi tham khảo môn ngữ văn, nhiều giáo viên đều có ý kiến giống nhau khi cho rằng cấu trúc đề thi quen thuộc, cũ kỹ và không hay so với thời còn kỳ thi THPT quốc gia.
“Mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi THPT quốc gia trước đây. Phần đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài được dành tỉ lệ nhiều hơn.
Phần làm văn, câu hỏi nghị luận xã hội là kỹ năng quen thuộc đối với học sinh trong quá trình ôn luyện” – cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ở hệ thống HOCMAI, nhận xét.
Tương tự, một giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng cho rằng về tổng thể độ khó của đề thi tham khảo dễ đi nhiều so với các năm trước. Phần đọc hiểu lấy một đoạn ngữ liệu nằm ngoài chương trình nhưng các câu hỏi lại quá dễ. Các phần khác cũng giảm yêu cầu rõ rệt.
Ví dụ như ở câu nghị luận văn học, thường là câu hỏi để phân hóa thay vì yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận (có phân tích, đánh giá, bày tỏ quan điểm cá nhân) lại chỉ yêu cầu phân tích hình tượng. Với yêu cầu này học sinh có thể học thuộc bài phân tích tác phẩm của giáo viên trên lớp cũng đạt yêu cầu.
Tuy nhiên giáo viên này lại cho rằng một nội dung duy nhất trong đề ngữ văn tham khảo có thể đo lường học sinh ở mức phân hóa khác nhau là “nhận xét về tính trữ tình trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường” lại chạm đến kiến thức lý luận văn học không có trong chương trình THPT.
Theo cô giáo, chương trình lớp 12 hiện hành có một phần không đáng kể nội dung về lý luận văn học. Ví dụ có các bài về thể loại thơ, truyện, kịch, nghị luận và chỉ ở dạng rất khái quát về đặc trưng thể loại. Không có nội dung lý luận về đặc tính của văn học (như tính trữ tình).
Vì thế nếu đề thi thật hỏi về “tính trữ tình” và các đặc trưng tương tự thì sẽ khiến học sinh gặp khó. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn ôn luyện tốt cho học sinh, giáo viên sẽ phải dạy thêm để học sinh có đủ hiểu biết cần thiết khi đi thi.