23/01/2025

Nạn nhân gốc Á: ‘Họ đối xử với tôi như súc vật’

Nạn nhân gốc Á: ‘Họ đối xử với tôi như súc vật’

Vụ xả súng mới đây tại TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng không chỉ phơi bày hành vi thù ghét, từ phân biệt đối xử, chửi rủa đến hành hung, đối với người gốc Á và châu Á tại Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới.

 

Nạn nhân gốc Á: Họ đối xử với tôi như súc vật - Ảnh 1.

Mọi người đặt nến và hoa trong một buổi cầu nguyện tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 19-3 cho các nạn nhân của vụ xả súng ở thành phố Atlanta, bang Georgia – Ảnh: REUTERS

“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy một nỗi đau tập thể. Điều đó có tác động lớn đối với cộng đồng người châu Á sống ở hải ngoại trên toàn cầu bởi vì chúng tôi biết đó không chỉ là vấn đề ở Bắc Mỹ” – Mai-Anh Peterson, đồng sáng lập mạng lưới besea.n dành cho cộng đồng Đông và Đông Nam Á tại Anh, chia sẻ về vụ xả súng ở Atlanta.

“Vụ xả súng dường như là kết quả của việc bạo lực liên quan đến giới tính, phân biệt đối xử với phái nữ và bài ngoại” – Bee Nguyen, dân biểu gốc Việt đầu tiên của bang Georgia (Mỹ), nhận định.

Sự gia tăng hành vi thù ghét với cộng đồng gốc Á và châu Á được ghi nhận từ Canada, Ý, Nga, Brazil, Mỹ, đến Anh, New Zealand, và Úc… trong năm qua khi đại dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu.

Ngày 22-3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực gia tăng nhằm vào người châu Á và người gốc Á tại một số nước kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Mặc dù không nêu rõ cụ thể từng vụ việc, phó phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Farhan Haq nhận định rằng tại một số nước, phụ nữ châu Á đang trở thành đối tượng bị tấn công do bị thù hằn và phân biệt đối xử.

Ông Hag nhấn mạnh rằng hàng ngàn vụ việc xảy ra trong năm qua đã cho thấy lịch sử trải dài suốt bao thế kỷ phân biệt đối xử với phụ nữ, định kiến với phụ nữ, bóc lột và lạm dụng phụ nữ vẫn tồn tại.

Ông Hag cũng cho biết tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời tuyên bố sát cánh đoàn kết với tất cả những ai đang phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và xâm phạm nhân quyền.

Nạn nhân gốc Á: Họ đối xử với tôi như súc vật - Ảnh 2.

Cậu bé Ethan Yang, 11 tuổi, tham gia cuộc biểu tình chống tội ác nhắm vào người gốc Á ở công viên Hing Hay tại TP Seattle, bang Washington, ngày 20-3 – Ảnh: REUTERS

Một số nạn nhân người gốc Đông và Đông Nam Á đã kể lại những hành vi thù ghét mà họ gặp phải, từ né tránh trên xe lửa đến chửi rủa và hành hung, theo Đài CNN ngày 22-3.

Tại Anh, cảnh sát thủ đô London ghi nhận hơn 200 vụ tội phạm thù ghét đối với người gốc Đông Nam Á trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9-2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước đó.

Một trong những trường hợp đáng lưu tâm là vụ 4 người đàn ông da trắng đã hành hung giảng viên Peng Wang của ĐH Southampton ở miền nam nước Anh. Ông Wang bị đấm vào mặt, đá vào người và bị chửi rủa bằng những câu nói đậm chất phân biệt chủng tộc (như “virus Trung Quốc”) cả khi ông đã nằm trên mặt đất.

“Họ đối xử với tôi như súc vật” – ông Wang kể lại. Vết thương thể chất không nghiêm trọng nhưng khiến ông Wang không dám ra khỏi nhà, lo lắng cho an nguy và tương lai của cả gia đình khi ở Anh.

Khi đại dịch hoành hành khắp châu Âu, nhiều chiến dịch như #NoSoyUnVirus (Tôi không phải là virus) đã ra đời để gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực gia tăng với người gốc Á và châu Á.

Một báo cáo năm 2019 của Chính phủ Tây Ban Nha cho thấy 2,9% người châu Á sống ở nước này là nạn nhân của tội ác thù ghét. Thomas Siu, người Mỹ gốc Trung Quốc, bị hành hung đến bất tỉnh sau khi chịu miệt thị chủng tộc với những từ ngữ liên quan đến virus corona tại thủ đô Madrid hồi tháng 3-2020.

Sinh viên Siu khẳng định rằng từ tháng 1 đến tháng 3-2020 anh đã bị lăng mạ tới 10 lần. “Tôi luôn biết có sự phân biệt chủng tộc ở đây, người ta chỉ không chịu thừa nhận chuyện đó” – Siu cho biết.

Nạn nhân gốc Á: Họ đối xử với tôi như súc vật - Ảnh 3.

Giảng viên Peng Wang của ĐH Southampton (Anh) bị hành hung vì là người gốc Á – Ảnh: PENG WANG

Bạo lực với người châu Á đã trở nên bình thường và ít được báo chí Tây Ban Nha quan tâm. “Vụ tấn công ở Atlanta không xuất hiện trên các trang nhất của truyền thông Tây Ban Nha. Đó là tin tức siêu nhỏ” – ông Zhou Wu, người viết truyện tranh sống ở Madrid, chỉ ra.

Tại Pháp, đại dịch COVID-19 khiến cộng đồng người châu Á và gốc Á bị thù ghét hơn. “Kể từ năm ngoái (2020), phân biệt chủng tộc trở nên công khai hơn. Mọi người nói họ không thích người châu Á hoặc không thích người Trung Quốc” – Sun Lay Tan, phát ngôn viên của tổ chức Security for All, cho hay.

Tháng 2-2020, một hành khách trên tàu điện ngầm đã đổi chỗ ngay khi ông Tan ngồi xuống cạnh mình.

Nhà làm phim Popo Fan, sinh tại Trung Quốc và sống ở Đức, từng bị chửi rủa trên tàu điện ngầm và trở nên sợ đi ra ngoài hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.

Nghiên cứu công bố hồi tháng 2 của Ủy ban Nhân quyền New Zealand cho biết khoảng 54% người Trung Quốc tại nước này từng bị phân biệt đối xử kể từ khi đại dịch bùng phát, theo tờ Time. Liên minh người Úc gốc Á nhận được 377 báo cáo phân biệt chủng tộc liên quan đến COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Trên hết, vụ xả súng tại Mỹ đã phơi bày nỗi đau thực sự mà các cộng đồng người Đông Á và Đông Nam Á (ESEA) phải đối mặt trên toàn thế giới.

“Không quan trọng nó xảy ra ở đâu hay với ai. Tất cả cộng đồng ESEA đều cảm nhận được nỗi đau đó” – nghị sĩ gốc Trung Quốc ở Anh Sarah Owen nhìn nhận.

ANH THƯ
TTO