Nước Mỹ hành động vì người gốc Á
Nước Mỹ hành động vì người gốc Á
Làn sóng tấn công nhắm vào người gốc Á tại Mỹ đang gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng và giới lãnh đạo.
Từ Nhà Trắng tới Atlanta
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris hôm qua 20.3 đến TP.Atlanta, bang Georgia để thăm hỏi cộng đồng địa phương sau vụ nổ súng hôm 16.3 làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Nghi phạm da trắng Robert Aaron Long đã bị cáo buộc nhiều tội giết người và tấn công nghiêm trọng, nhưng các quan chức đang mâu thuẫn về việc có nên đưa ra thêm cáo buộc về tội tấn công do thù ghét, phân biệt đối xử hay không.
“Vũ khí mạnh nhất” của Tổng thống Biden
Đồng hành cùng Tổng thống Biden trong chuyến đi Atlanta là bà Kamala Harris – nữ phó tổng thống người gốc Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Trước cộng đồng người gốc Á, bà Harris nói: “Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ và nó đã luôn xảy ra. Tư tưởng bài ngoại hiện hữu tại Mỹ và nó cũng đã luôn xảy ra. Sự kỳ thị giới tính cũng vậy. Tổng thống và tôi sẽ không im lặng. Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn”.
Sự xuất hiện của bà Harris trong chuyến đi lần này được xem là “vũ khí” chứng minh sự chân thành rõ ràng nhất của chính quyền Tổng thống Biden đối với người gốc Á giữa tình trạng báo động về kỳ thị, tấn công người gốc Á cũng như phân biệt giới tính. Bà Harris có cha di cư từ Jamaica, mẹ từ Ấn Độ. Bà đã tạo nên nhiều dấu mốc lịch sử, từ phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm tổng chưởng lý bang California, phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên làm thượng nghị sĩ cho đến nữ phó tổng thống người da màu đầu tiên của nước Mỹ. Bà thường gây chú ý với quan điểm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người da màu và người nhập cư. Do đó, không gì lý tưởng hơn với Tổng thống Biden khi phát đi thông điệp ở Atlanta bên cạnh bà Harris. Đây cũng là chuyến công du cùng nhau đầu tiên của cặp đôi lãnh đạo kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1.
Ngọc Mai
Tổng thống Biden nói rằng bất kể động cơ của nghi phạm là gì, sự thật là vụ tấn công xảy ra trong thời điểm tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á đang gia tăng phi mã, theo AP. Sau cuộc gặp các lãnh đạo cộng đồng gốc Á tại địa phương, Tổng thống Biden có bài phát biểu tại Đại học Emory, trong đó ông lên án mạnh mẽ tình trạng thù ghét, bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng gốc Á.
Theo Trung tâm trình báo các vụ phân biệt nhắm vào người gốc Á và các đảo quốc Thái Bình Dương Stop AAPI Hate tại California, gần 3.800 vụ tấn công thân thể hoặc qua lời nói đã được ghi nhận từ tháng 3.2020. Mặc dù không nói thẳng nhưng Tổng thống Biden và giới lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng tình trạng phân biệt đối với người Mỹ gốc Á trở nên trầm trọng hơn do những phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump và các quan chức đảng Cộng hòa khi gọi vi rút gây Covid-19 là “vi rút Trung Quốc”.
Tại quốc hội, nhiều nghị sĩ gốc Á đã kêu gọi các đồng nghiệp đảng Cộng hòa giảm bớt những chỉ trích có thể gây cảm giác phân biệt đối với người gốc Á, theo CNN. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Grace Meng thậm chí cáo buộc đồng nghiệp đảng Cộng hòa Chip Roy đang “đặt bia tập bắn” lên người Mỹ gốc Á thông qua những bình luận về Trung Quốc.
|
“Im lặng là đồng loã”
“Tình trạng này thường diễn ra với sự im lặng tại Mỹ nhưng điều này phải thay đổi vì sự im lặng của chúng ta là hành động đồng lõa. Chúng ta không thể đồng lõa”, Tổng thống Biden phát biểu và kêu gọi quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật tội phạm thù ghét Covid-19.
Theo tờ LA Times, dự luật do hơn 60 nghị sĩ Mỹ đứng tên nhằm tăng cường sự giám sát của Bộ Tư pháp đối với tình trạng phạm tội vì thù ghét liên quan đến đại dịch Covid-19, hỗ trợ các cơ quan hành pháp địa phương và thiết lập hệ thống để người dân dễ dàng trình báo khi bị tấn công. Trước đó, Tổng thống Biden ra lệnh treo cờ rủ tại các tòa nhà công quyền trong khi Hạ viện đã dành một phút mặc niệm vào hôm 19.3. Tại khắp các thành phố lớn, người dân Mỹ tuần hành, thắp nến để tưởng niệm các nạn nhân trong khi cảnh sát nhiều nơi tăng cường tuần tra những khu vực có nhiều người gốc Á sinh sống.
Trả lời Thanh Niên, chị D.M, sống tại TP.Santa Rosa (bang California), cho biết dù chưa chứng kiến chuyện phân biệt chủng tộc, song bạn bè chị ở một số thành phố lớn như San Francisco, San Jose… có kể về tình trạng kỳ thị người gốc Á như nhìn chằm chằm hoặc bị người khác tỏ thái độ khó chịu. Theo chị, hiện nhiều người gốc Á bảo nhau ra đường cần cẩn trọng, đề phòng những hành vi mang tính phân biệt chủng tộc.
BẢO VINH
TNO