23/01/2025

Mỹ-Trung Quốc ra LHQ đấu khẩu về nạn kỳ thị chủng tộc

Mỹ-Trung Quốc ra LHQ đấu khẩu về nạn kỳ thị chủng tộc

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói đối với hàng triệu người tại các nước như Trung Quốc, Myanmar, nạn kỳ thị gây chết người, dù bà cũng thừa nhận có mô tả tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại Đại hội đồng LHQ nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (19.3) /// Reuters
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại Đại hội đồng LHQ nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (19.3)  REUTERS
Trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (19.3), Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, một người da màu, nói: “Phân biệt chủng tộc đã và đang tiếp tục là một thách thức hàng ngày, bất kể chúng ta đang ở đâu. Đối với hàng triệu người tại các quốc gia như Trung Quốc, Myanmar thì nạn phân biệt chủng tộc còn hơn cả một thách thức, thậm chí gây chết người”, theo Reuters.
Bà nhắc đến cộng đồng người  Hồi giáo thiểu số Rohingya tại Myanmar và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cùng những cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc để minh họa cho điều này.
Đáp lại, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Dai Bing nói: “Đây quả là một trường hợp ngoại lệ khi bà Thomas-Greenfield vừa thừa nhận vào hồ sơ nhân quyền đáng kinh ngạc của nước Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa nước Mỹ có quyền yêu cầu các nước khác phải làm gì”.
Cuộc đấu khẩu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai bên leo thang một ngày sau khi Washington và Bắc Kinh có hội nghị cấp cao đầu tiên tại bang Alaska kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1.
“Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến nhân quyền, họ nên giải quyết các vấn đề sâu xa như phân biệt chủng tộc, bất công xã hội và sự tàn bạo của cảnh sát ngay trên chính đất nước của họ”, ông Dai nói trước Đại hội đồng LHQ bao gồm 193 thành viên.
Còn bà Thomas-Greenfield thừa nhận bà là hậu duệ của một nô lệ và chính bà cũng có những trải nghiệm về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, chẳng hạn bà bị kỳ thị lúc còn làm một người giữ trẻ trước đây.
Hồi tháng 5.2020, cảnh sát giết chết người đàn ông da màu George Floyd ở bang Minnesota và những người da màu khác ở Mỹ đã làm dấy lên làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và tình trạng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, trên toàn quốc.
“Chúng tôi có những sai sót sâu sắc và nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi công khai nói về những sai sót và nỗ lực tìm cách giải quyết”, bà Thomas-Greenfield nói khi nhắc vụ tấn công ở bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây gây áp lực, cáo buộc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ tái khẳng định không có “nạn diệt chủng” ở Tân Cương.
PHÚC DUY
TNO