24/11/2024

Phụ nữ biểu tình khắp nước Úc, phản đối tình trạng lạm dục tình dục

Phụ nữ biểu tình khắp nước Úc, phản đối tình trạng lạm dục tình dục

Ngày 15.3, hàng chục ngàn phụ nữ tham gia cuộc biểu tình khắp nước Úc để phản đối tình trạng lạm dụng tình dục ở nơi làm việc và bất bình đẳng giới, sau vụ bê bối hiếp dâm ở quốc hội.
Người biểu tình gương biểu ngữ yêu cầu chấm dứt tình trạng hiếp dâm tại Sydney, Úc ngày 15.3 /// AFP
Người biểu tình gương biểu ngữ yêu cầu chấm dứt tình trạng hiếp dâm tại Sydney, Úc ngày 15.3 AFP
Các cuộc biểu tình diễn ra tại hơn 40 thành phố và thị trấn ở Úc, bao gồm thủ đô Canberra, theo AFP. Đám đông tụ tập bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Canberra cầm biểu ngữ và hô hào khẩu hiệu chỉ trích chính phủ không có biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ.
“Chúng ta cần phải có sự thay đổi ngay lập tức vì tôi phát ngán việc phụ nữ không được tin tưởng, không được lắng nghe”, người biểu tình Kathryn Jamieson nói với AFP.
Ước tính có khoảng 10.000 người tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Melbourne cùng hàng ngàn người khác ở các thành phố lớn như Sydney và thủ đô Canberra.
Những người tổ chức biểu tình từ chối lời đề nghị từ Thủ tướng Scott Morrison. Cụ thể, ông Morrison đề xuất có cuộc đối thoại riêng với những người biểu tình, nhưng họ khẳng định việc tham dự một cuộc họp kín là “thiếu tôn trọng” đối với những nạn nhân bị lạm dụng tình dục.
Cuộc biểu tình bùng phát sau vụ cựu nhân viên chính phủ Brittany Higgins (26 tuổi) hồi tháng rồi cáo buộc một đồng nghiệp đã hiếp dâm cô trong văn phòng của nữ thượng nghị sĩ Linda Reynolds kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc tại quốc hội hồi tháng 3.2019. Đến đầu tháng 3, Bộ trưởng Tư pháp Christian Porter lên tiếng bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông đã hiếp dâm cô gái 16 tuổi vào năm 1988 khi cả hai còn là học sinh.
Phát biểu trước đám đông người biểu tình ở Canberra, cô Higgins nói câu chuyện của cô là “một lời nhắc nhở đau đớn dành cho phụ nữ rằng những vụ hiếp dâm, lạm dụng tình dục có thể xảy ra ngay bên trong Tòa nhà Quốc hội và bất cứ nơi đâu”.
Phong trào biểu tình #March4Justice (#Tuần hành vì công lý) đưa ra một loạt yêu cầu bao gồm điều tra độc lập tất cả trường hợp phụ nữ bị lạm dụng tình dục; tăng cường ngân sách cho những chương trình ngăn chặn lạm dụng tình dục ở nơi làm việc.
Truyền thông Úc đưa tin các nữ chính trị gia trong Công đảng đối lập gần đây đã thiết lập một trang Facebook trình bày chi tiết các cáo buộc quấy rối tình dục chống lại những nam đồng nghiệp.
Chính phủ Úc cũng đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về văn hóa làm việc tại quốc hội và thiết lập một số dịch vụ hỗ trợ mới cho nhân viên.
PHÚC DUY
TNO