Ngăn trẻ làm bạn với YouTube độc hại

Ngăn trẻ làm bạn với YouTube độc hại

Vụ việc YouTube và TikTok không an toàn với trẻ em gây bức xúc vừa qua tiếp tục đặt ra câu hỏi: Làm sao để việc giải trí của trẻ không bị rơi vào tay những người sáng tạo nội dung không được đào tạo chuyên môn, thiếu kinh nghiệm?

 

Ngăn trẻ làm bạn với YouTube độc hại - Ảnh 1.

Khán giả nhí thích thú giao lưu cùng diễn viên trong chương trình kịch rối tại Nhà hát Nụ Cười – Ảnh: LINH ĐOAN

Từ góc nhìn người làm sân khấu, chương trình truyền hình cho thiếu nhi, một số ông bà bầu, đạo diễn… đã thẳng thắn bày tỏ với Tuổi Trẻ những khó khăn, nỗi lo và cả giải pháp làm sao để có các chương trình được đầu tư đúng mực và hấp dẫn.

Trẻ học quay cuồng, sân khấu thiếu nhi cũng khó cầm cự

NSƯT Mỹ Uyên – giám đốc Nhà hát kịch 5B – cho biết chương trình thiếu nhi định kỳ sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần ngày 14-3 phải hủy suất diễn vì chỉ bán được 3 vé! Trước đó, chương trình được dự định 8 suất/tháng, sau đó rút xuống còn 4 suất/tháng. NSƯT Mỹ Uyên trăn trở:

“Khoảng 70% trẻ sau giờ học chính khóa thì cuối tuần sẽ đi học năng khiếu, học thêm. Còn khoảng 30% là phụ huynh nghĩ đến việc đưa trẻ đến nhà hát. Thế nhưng số lượng ít ỏi đó cũng teo tóp vì cha mẹ bận công việc, nhà xa… “.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã cố gắng duy trì suất diễn thiếu nhi định kỳ hằng tuần tại Nhà hát Nụ Cười với đa dạng loại hình từ kịch, ca nhạc tới múa rối, múa rối nước nhưng đụng mùa dịch vừa qua, cùng với nhiều khó khăn, nên chương trình cũng tạm ngưng.

Trẻ em là nhóm khán giả hết sức đặc biệt, bởi theo ông Lê Diễn – giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, khán giả thiếu nhi không tự đi đến nhà hát, đến rạp được. “Vì vậy, rất mong các phụ huynh chịu khó dành thời gian dẫn các cháu đến rạp hát” – ông gửi gắm.

Trong khi đó, ông Tuấn trăn trở với cuộc sống bề bộn hiện nay, không ít phụ huynh thường có thói quen giao tivi, điện thoại cho con. Và việc trẻ sử dụng công nghệ là không thể tránh khỏi, tuy nhiên rất cần ba mẹ chú ý và kiểm soát xem con mình coi gì. Ông cho biết có kha khá kênh thiếu nhi nước ngoài với hình thức phong phú, hấp dẫn.

“Ba mẹ có thể chọn lựa và hướng dẫn con xem, có cả những chương trình múa rối, ảo thuật rất sinh động. VN muốn làm những chương trình như thế này thì khá chua vì phải đầu tư đủ thứ từ kinh phí, kịch bản, nghệ sĩ…” – ông Tuấn nói.

Một đề xuất khác của ông Hoàng Duẩn, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, là nên có một kênh thiếu nhi mà phải do Nhà nước đầu tư thật bài bản, chất lượng.

“Mỗi số mình làm thật sinh động với nhiều loại hình ca múa nhạc, kịch nói, múa rối, xiếc, cải lương… Cái này phải Nhà nước mạnh tay làm mới được, chứ để nghệ sĩ tự làm sẽ mãi loay hoay” – ông Duẩn đề xuất.

Bên có kiểm soát, bên muốn nói gì thì nói

Ông Vũ Phong – giám đốc Vietfilm, đơn vị sản xuất loạt phim hoạt hình dành cho trẻ em là Chuyện của Đốm và Cổ tích Việt Nam phát sóng trên THVL – nhận định về “cán cân” ít cân sức giữa các nội dung giải trí trên mạng so với truyền hình: “Những điều được gọi là lành mạnh mà chương trình làm ra thì cha mẹ nói miết (nhưng trẻ không thích nghe). YouTube gần như không được kiểm soát, muốn nói gì thì nói, toàn những điều “hot trend” nên thu hút trẻ”.

Theo ông Phong, chương trình thiếu nhi muốn thu hút thì điều quan trọng nhất vẫn là được xã hội ủng hộ, có chính sách cởi mở về nội dung, được đầu tư về tài chính…

“Chúng tôi cũng có ý tưởng làm kênh thiếu nhi trên mạng xã hội nhưng đến nay vẫn chưa thể bắt tay vì những sản phẩm được đưa lên YouTube phải mang tính “toàn cầu”, sử dụng tiếng Anh, nhân vật hoạt hình hấp dẫn” – ông Phong cho biết thêm.

Bà Lê Thị Phương Thủy, từng chịu trách nhiệm nội dung kênh thiếu nhi HTV3, cũng nhận xét YouTube hoạt động theo phương thức mở, đưa gì lên cũng được. Vì thế, YouTube Kids dù được đầu tư tốt nhưng rất khó kiểm soát. “Theo tôi, làm nội dung cho thiếu nhi phải chọn lọc và phải có yếu tố giáo dục, chứ không chỉ đơn thuần là giải trí”.

Đạo diễn Quách Khoa Nam – người từng làm 90 phim cổ tích lẻ và 100 tập cổ tích trên truyền hình – lạc quan hơn khi cho rằng các phim cổ tích vẫn được khán giả, đặc biệt là các khán giả nhí, yêu thích nên “tin nếu có những phim hay, chương trình tốt, các em vẫn thích thú theo dõi”.

Muốn vậy, theo ông, tiêu chí quan trọng cho chương trình là phải chỉn chu, đúng chất cổ tích. “Để kéo trẻ ra khỏi… chiếc điện thoại thông minh, không cách nào ngoài việc tạo cho trẻ những sản phẩm gần gũi mà lạ lẫm, kích thích thị giác, nội dung thu hút, mang hơi hướng hài hước và cũng phải hiện đại, có tính giáo dục…”.

* TS giáo dục Thụy Anh:

Chủ động làm bạn với công nghệ

Tôi cho rằng chúng ta có thể nhìn vấn đề một cách lạc quan và chủ động với những hành động cụ thể sau:

– Sớm tạo thói quen cùng con vào mạng: cùng xem một đoạn phim, YouTube, thảo luận một cách hài hước, vui vẻ. Từ đó, việc chia sẻ với con sẽ thẳng thắn, dễ dàng hơn. Trong quá trình ấy, bố mẹ hướng con đến những nội dung thú vị, có ích.

– Đặt ra các nguyên tắc sử dụng máy tính và vào mạng để kiểm soát được vấn đề từ sớm.

– Cổ vũ các mối quan tâm đa dạng hoặc chuyên sâu, các sở thích của con. Đứa trẻ càng sớm xác định được năng lực và niềm yêu thích sẽ hướng mối quan tâm vào những hoạt động cụ thể, các nội dung khác sẽ bớt ảnh hưởng.

– Khuyến khích con hoạt động thể chất và trải nghiệm bên ngoài cùng gia đình, với các cộng đồng nhỏ của con.

YouTube, mạng Internet, mạng xã hội… và rồi đây sẽ còn nhiều yếu tố khác khiến cha mẹ lo lắng. Nhưng lòng tin vào các giá trị tinh thần mà gia đình vun đắp cho con, việc trang bị kỹ năng xử lý thông tin và sự tích cực giao lưu giữa bố mẹ và con cái sẽ giúp hóa giải nỗi lo.

* Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành:

Nâng cao khả năng “tự miễn dịch”

Môi trường số cũng giống như ngoài đời thực, mỗi người đều phải học cách thích nghi với những niềm vui cũng như nguy cơ. Để bảo vệ trẻ khỏi những điều nguy hiểm, vẫn có nhiều biện pháp.

Về mặt kỹ thuật, có thể cài đặt các chương trình chọn lọc nội dung. Về mặt giáo dục con, cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện và chia sẻ cùng con để biết con đang xem gì và chọn lọc thông tin thích hợp. Để bảo vệ con, chính cha mẹ cũng nên tránh xem các video nhảm nhí trên mạng vì con cái thường học từ chính gia đình mình.

Về quy định của pháp luật, cần xử phạt nghiêm các sai phạm vốn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho trẻ. Về mặt xã hội, sự tẩy chay của xã hội chính là hình phạt lớn nhất với những sai phạm này.

Trên tất cả, cách hiệu quả nhất là dành thời gian nói chuyện với con. Gia đình và nhà trường cùng phối hợp nâng cao khả năng “tự miễn dịch” với các thông tin xấu trên mạng của các con.

Tôi rất kỳ vọng vào sáng kiến của Cục An toàn thông tin chuẩn bị ra mắt Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên mạng, với chức năng thu thập, tiếp nhận, phân tích phản ánh của các tổ chức, cá nhân về những nội dung độc hại cho trẻ em, sau đó chuyển tiếp đến cơ quan chức năng liên quan xử lý.

Tôi chỉ lưu ý rằng mạng lưới này phải làm sao có được công cụ thuận tiện cho người dân có thể dễ dàng trong việc báo vi phạm.

MI LY – THIÊN ĐIỂU

LINH ĐOAN – HOÀNG LÊ
TTO