Cuộc sống như nô lệ trên tàu cá Trung Quốc
Cuộc sống như nô lệ trên tàu cá Trung Quốc
Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ về tình trạng xâm phạm nhân quyền, bóc lột sức lao động đối với người lao động nước ngoài trên những tàu cá Trung Quốc sau những vụ việc thời gian gần đây.
Tòa án Đài Loan hồi cuối tháng 1 tuyên án công dân Trung Quốc Uông Phong Dụ 26 năm tù vì đã ra lệnh cho thuyền viên bắn chết 4 người trên biển trong vụ việc hồi năm 2012.
Theo CNA, ông Uông là người Chiết Giang, được một hãng tàu Đài Loan thuê làm thuyền trưởng tàu Ping Shin 101. Trong chuyến đánh bắt tại Ấn Độ Dương, ngoài khơi Somalia hồi tháng 9.2012, tàu Ping Shin 101 và một số tàu khác bị một tàu cướp biển nã súng vào. Một chiếc trong nhóm tàu cá sau đó đâm vào tàu cướp biển khiến nó bị lật, 4 tên cướp biển rơi xuống nước.
Dù 4 người này không có đường phản kháng nhưng ông Uông ra lệnh cho 2 thuyền viên người Pakistan bắn chết cả 4 người. Qua một hành trình khó tin, đoạn video về vụ việc được đăng lên mạng vào năm 2014. Ông Uông bị bắt vào năm 2020 tại Cao Hùng (Đài Loan). Vụ việc được coi là lời cảnh báo về tình trạng phạm tội tràn lan trên biển, đặc biệt là sau những vụ việc vài tháng qua trên các tàu cá của Trung Quốc.
Bị đối xử như nô lệ
Hồi tháng 7.2020, lực lượng chức năng Indonesia đã chặn 2 tàu cá Trung Quốc là Lu Huang Yuan Yu 117 và Lu Huang Yuan Yu 118 tại eo biển Malacca. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện thi thể thuyền viên Indonesia tên Hasan Apriadi (20 tuổi) trong tủ đông trên tàu Lu Huang Yuan Yu 117.
Cảnh sát cho biết nạn nhân bị ngược đãi trong nhiều ngày và bị bắt làm việc dù bị bệnh. Apriadi tử vong vào cuối tháng 6. Quản lý tàu cá người Trung Quốc tên Song Chuanyun cũng bị bắt và khởi tố.
Tháng 5.2020, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video cho thấy thuyền viên trên tàu cá Lu Qing Yuan Yu 623 của Trung Quốc đẩy thi thể của một thuyền viên người Indonesia xuống biển. Vụ việc được cho là xảy ra vào tháng 1.2020 tại vùng biển ngoài khơi Somalia.
|
Từ tháng 12.2019 đến tháng 4.2020, 4 thuyền viên người Indonesia thiệt mạng khi làm việc trên các tàu cá của công ty Trung Quốc Dalian Ocean Fishing. Thi thể của 3 người bị đẩy xuống biển trong khi người còn lại chết vì viêm phổi tại cảng Busan ở Hàn Quốc, theo Quỹ Công lý Môi trường (EJF).
Nhiều thuyền viên Indonesia từng làm việc trên các tàu cá Trung Quốc kể lại rằng họ bị đánh đập, hành hạ và đối xử như nô lệ.
Anh Mashuri làm thợ sửa xe tại Đông Java kể với Asia Focus rằng đã cùng 3 đồng hương nhảy khỏi tàu cá Fu Yuan Yu 1218 của Trung Quốc hồi tháng 4.2020 khi con tàu đang đi qua eo biển Malacca. Cả nhóm được lực lượng chức năng Malaysia cứu vớt và trả về Indonesia.
Mashuri cho biết đã bị công ty môi giới lừa lên làm việc trên tàu và bị chủ tàu giảm lương. Anh này kể đã bị ép buộc làm việc như nô lệ, thường xuyên bị đánh đập và chỉ được ngủ 3 giờ mỗi ngày, do đó một đồng hương đã chết sau khi ngã bệnh và thi thể bị thả xuống vùng biển ngoài khơi Somalia.
Ông Judha Nugraha, Giám đốc chương trình bảo hộ công dân tại Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết 2 thuyền viên người Indonesia cũng nhảy khỏi tàu cá Lu Qing Yuan Yu 901 của Trung Quốc tại eo biển Malacca vào tháng 6.2020.
|
Bị đánh ngay cả khi bị ốm
Các vụ việc này được cho là thường xuyên diễn ra vì các nạn nhân không chịu nổi sự bạo hành trên tàu cá Trung Quốc nên phải tìm cách bỏ trốn.
Các lao động người Ghana làm việc trên các tàu cá do người Trung Quốc sở hữu cho biết thường xuyên bị chủ tàu chửi bới, đánh đập, đặc biệt là những người chậm chạp. “Thuyền trưởng sẽ đánh bạn bằng bất cứ vật gì ông ta vớ được”, một lao động Ghana nói. Các lao động nước ngoài thường không được ngủ trong cabin mà phải nằm ở các mái che tạm.
|
Anh Rahmatullah, lao động người Indonesia từng làm việc 9 tháng trên một tàu cá Trung Quốc cho biết đã bị đối xử như nô lệ. “Thuyền viên Trung Quốc uống nước sạch trong khi chúng tôi phải chắt nước từ máy điều hòa để dùng. Chúng tôi thường bị đánh khi không bắt đủ cá, thậm chí cả lúc bị ốm”, anh Rahmatullah nói với AFP.
Giới quan sát cho rằng tình trạng nguồn hải sản gần bờ suy giảm đã buộc các tàu cá phải khai thác ở những vùng biển xa hơn. Để tiết kiệm chi phí, các chủ tàu thường thuê lao động giá rẻ từ các khu vực như Đông Nam Á.
Nạn nhân thường là những người nghèo, người nhập cư bị các công ty môi giới lừa gạt để đưa lên làm việc trên các tàu cá hoạt động xa bờ và chịu cảnh bóc lột.
VI TRÂN
TNO