24/11/2024

Chuyên gia LHQ lo ngại về ‘tội ác chống lại nhân loại’ ở Myanmar

Chuyên gia LHQ lo ngại về ‘tội ác chống lại nhân loại’ ở Myanmar

Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo quân đội Myanmar có thể phạm “tội ác chống lại nhân loại” trong nỗ lực duy trì quyền lực.
Ngày 11.3, nhiều người tham dự lễ tang của Chit Min Thu, người đã chết trong cuộc biểu tình phản đối quân đội lên cầm quyền ở thành phố Yangon, Myanmar /// REUTERS
Ngày 11.3, nhiều người tham dự lễ tang của Chit Min Thu, người đã chết trong cuộc biểu tình phản đối quân đội lên cầm quyền ở thành phố Yangon, Myanmar   REUTERS
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11.3, chuyên gia hàng đầu của LHQ về nhân quyền ở Myanmar, ông Thomas Andrews cho biết ít nhất 70 người đã bị sát hại kể từ khi quân đội Myanmar lên cầm quyền vào ngày 1.2 và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng tổng thống bị lật đổ Win Myint.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin ở Myanmar cho Reuters biết đến nay có hơn 60 người biểu tình đã bị giết chết và quân đội giam giữ khoảng 2.000 người biểu tình. Riêng trong ngày 11.3, có hơn 300 người biểu tình đã bị bắt tại nhiều nơi ở Myanmar và 9 người chết, theo Reuters.
Ông Andrews cáo buộc chính quyền quân sự Myanmar có khả năng đã phạm “tội ác chống lại nhân loại” và các lãnh đạo cấp cao, bao gồm tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, “biết rõ” những hành động tội ác đang được tiến hành.
Ông Andrews nhấn mạnh chỉ tòa án mới có thể xác định những hành vi phạm tội như thế này theo luật pháp, nhưng cũng cho rằng “có bằng chứng rõ ràng” về hành vi phạm tội của binh sĩ.
Quân đội Myanmar lên nắm quyền kể từ cuộc chính biến ngày 1.2 dẫn đến làn sóng biểu tình khắp nước này cho đến nay. Vào ngày 10.3, LHQ đã lên án quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình.

“Nhận tiền và vàng”

Trong buổi họp báo ngày 11.3, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, ông Zaw Min Tun cho biết thông tin đã được xác minh và nhiều người đã bị thẩm vấn liên quan đến việc bà Suu Kyi chấp nhận khoản thanh toán bất hợp pháp lên đến 600.000 USD cùng với vàng, theo Reuters.
Còn tổng thống bị lật đổ Win Myint cùng với một số bộ trưởng trong nội các cũng bị cáo buộc tham nhũng. Người phát ngôn Min Tun cho rằng ông Win Myint đã gây áp lực buộc ủy ban bầu cử quốc gia không được có bất kỳ hành động nào để giải quyết các báo cáo của quân đội về gian lận bầu cử.
Hiện bà Suu Kyi và Win Myint vẫn đang bị quản thúc tại gia. Vào ngày 1.3, bà Suu Kyi đã phải hầu tòa vì bị cáo buộc sở hữu nhiều máy bộ đàm, vi phạm luật xuất nhập khẩu. Bà Suu Kyi còn bị cáo buộc vi phạm luật quản lý thiên tai khi tham gia cuộc vận động tranh cử hồi năm 2020, vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.
Theo ông Min Tun, chính quyền quân sự Myanmar chỉ nắm quyền kiểm soát đất nước “trong một thời gian nhất định” và sẽ tổ chức cuộc bầu cử rồi trao quyền lực cho bên chiến thắng.
Trước đó, quân đội Myanmar cáo buộc Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2020 là nhờ “gian lận bầu cử”. Quân đội lên án ủy ban bầu cử không xử lý khiếu nại về gian lận bầu cử nên buộc phải lên nắm quyền.
PHÚC DUY
TNO