Lộ clip ‘nóng’ vô tình hay cố ý: Xử lý thế nào?
Lộ clip ‘nóng’ vô tình hay cố ý: Xử lý thế nào?
Chiêu trò PR “Coi chừng tai tiếng suốt đời”!
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, TS.Huỳnh Văn Thông cho biết chiến dịch PR để “đẩy” tên tuổi và tạo dựng thương hiệu cá nhân là nhu cầu chính đáng của nghệ sĩ. Nhưng để PR đạt hiệu quả tích cực đòi hỏi nghệ sĩ phải có đủ bản lĩnh chọn ra một chiến lược thật sự phù hợp. Trong đó, nguyên tắc hàng đầu của PR là truyền thông trung thực để tạo niềm tin và uy tín. Còn thực tế, “khá nhiều người chưa phân biệt được như thế nào gọi là PR và phản PR”.
Theo TS.Huỳnh Văn Thông phân tích, phản PR là việc sử dụng những biện pháp tưởng chừng có thể giúp PR tên tuổi, nhưng chỉ mang tính nhất thời. Còn về lâu dài, nghệ sĩ sẽ không lường trước được cái giá phải trả đối với giá trị nghề nghiệp.
“Thời gian qua, chúng ta đã biết đến một số chiêu trò phản PR của nghệ sĩ, như: tự tạo scandal gây hiệu ứng khán giả hoặc là tạo ra những chuyện không có thật, giả dối nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, … và động thái tiếp theo là cho ra mắt các sản phẩm mới”, TS.Huỳnh Văn Thông nêu dẫn chứng.
Trong khi, “một nghệ sĩ chân chính biết tôn trọng giá trị sự nghiệp thì không cần phải ồn ào hay bịa đặt những điều giả tạo để lấy lòng công chúng. Những cống hiến và đóng góp chân thật trong sự nghiệp mới là bằng chứng để công chúng ghi nhận. Chỉ có PR chân chính thì nghệ sĩ mới nổi tiếng bền vững và đáng trân trọng. Ngược lại, nghệ sĩ cố tình tạo dựng scandal để được rộng rãi khán giả biết đến thì coi chừng tai tiếng đeo bám suốt đời, bị khán giả coi thường, thậm chí phải trả cái giá rất đắt”, TS.Huỳnh Văn Thông đánh giá.
Cẩn trọng trong phát ngôn và hành động
Liên quan câu chuyện, thời gian gần đây “nở rộ” thông tin nhiều sao Việt lộ ảnh nhạy cảm do bị chụp lén, LS Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng có thể nghệ sĩ là nạn nhân trong trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng, nhưng cũng có khi đó chỉ là chiêu trò PR thu hút sự quan tâm của công chúng. Và hiện pháp luật đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Theo đó, pháp luật quy định nghệ sĩ hay người bình thường khi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm như nhau. “Việc cá nhân có hành vi cắt ghép, cố tình tạo dựng scandal để PR tên tuổi cho một cá nhân nào đó bằng chiêu trò tung ảnh nhạy cảm, thu hút sự chú ý của dư luận bằng hình ảnh đồi trụy là hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, người có vai trò chủ mưu, trực tiếp hoặc thuê người khác thực hiện hành vi đăng tải cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật”, LS Minh Cường nói và cho biết thêm, việc tung clip nóng, ảnh nhạy cảm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy gây ảnh hưởng đến người khác thì còn bị xử phạt 15 năm tù về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Còn người nào có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, hoặc hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” khi căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng (đối với cá nhân mức phạt bằng 1/2).
Nghiêm trọng hơn khi tung ảnh nhạy cảm kèm lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị xử lý mức khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù về tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, đối với việc bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác còn bị xử phạt 7 năm tù về tội “vu khống” theo điều 156 BLHS năm 2015, LS Cường phân tích.
Có thể khởi kiện?
Cũng theo LS Minh Cường, trong trường hợp khi bị kẻ xấu tung ảnh nhạy cảm gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự thì nạn nhân có quyền yêu cầu người vi phạm ngay lập tức gỡ bỏ, đính chính, xin lỗi công khai về sự việc không đúng sự thật nói trên. Bên cạnh đó, nạn nhân có thể xem xét khởi kiện tại TAND có thẩm quyền để yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).
“Trường hợp người vi phạm không gỡ bỏ các hình ảnh nhạy cảm trên thì nạn nhân bị lộ ảnh nhạy cảm có thể ghi lai toàn bộ sự việc nêu trên làm bằng chứng (tránh trường hợp người vi phạm xóa trên mạng xã hội), … và gửi toàn bộ hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hành vi này”, LS Trần Minh Cường phân tích.