Giáo dục giới tính: môn học bắt buộc?
Giáo dục giới tính: môn học bắt buộc?
Tại Việt Nam, thống kê trung bình mỗi năm có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
“Tôi thấy Bộ GD-ĐT cần phải có chương trình ngoại khóa hoặc tốt hơn là đưa các tiết học giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường. Dạy để đừng có thai ngoài ý muốn, để tránh mắc các bệnh da liễu…
Bác sĩ NGUYỄN BÁ MỸ NHI đề xuất.
Trong khóa tập huấn “kiến thức giám định pháp y trong lĩnh vực phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” mới đây do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức, nhiều khách mời đã sốc khi được nghe kể về câu chuyện một bé gái quan hệ tình dục từ lúc 8 tuổi và đã từng đi phá thai nhiều lần; hay gần đây có một thiếu nữ chỉ mới 18 tuổi được phát hiện đẻ “rơi” con trong nhà vệ sinh Bệnh viện Q.Thủ Đức mà “không hề biết mình có thai”.
Khuynh hướng gia tăng
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – chia sẻ rằng thời gian gần đây các em lớp 10, 11, 12, nhóm sinh viên đại học mang thai ngoài ý muốn đến bệnh viện xin phá thai có khuynh hướng gia tăng.
Trong số các trường hợp này, bác sĩ Nhi nhận thấy có nhiều em cần sớm đến bệnh viện để xử lý. Tuy nhiên có nhiều em vì còn quá nhỏ tuổi, kinh nguyệt bất thường hoặc không để ý nên không biết mình có thai. Hoặc do “quá sợ” nên im luôn, đến khi tới bệnh viện thai đã 20-22 tuần, thậm chí 28 tuần tuổi không thể bỏ được nữa.
Theo bác sĩ Nhi, phần lớn các em khi có thai rất ít nói với gia đình, càng không dám đến các bệnh viện lớn do sợ gặp người quen, nhiều em tự tìm đến các phòng khám tư để nạo phá thai. Và chính từ tâm lý này đã để lại nhiều hệ lụy đau xót.
“Bệnh viện Từ Dũ thường xuyên tiếp nhận các ca tai biến sản khoa như phá thai khi thai quá lớn, phá thai làm thủng ruột… Với những ca tai biến này, nếu không cấp cứu kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nhi nói.
Những sai lầm đáng tiếc
Bà Phan Lan Hương, chuyên gia tư vấn về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên, chia sẻ bà từng nhận được một ca tư vấn rất đáng tiếc.
“Cháu bé học lớp 8 và sống vùng ven thành phố thuộc tỉnh Yên Bái, cháu học rất giỏi. Ba cháu mới mất vì bệnh xơ gan cổ trướng nên khi cháu mang thai ngoài ý muốn, mẹ cháu lại nghĩ cháu mắc bệnh như bố, cho cháu đi khám gan. Khi biết cháu mang thai thì thai đã 5 tháng, phải để sinh. Bà mẹ đã đơn chiếc, nay con gái nhỏ lại sinh con khi chưa thành niên” – bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, khi đi tư vấn tại các trường THCS và THPT, bà nhận thấy một vấn đề là trường nào cũng có các bạn đã từng quan hệ tình dục, tỉ lệ này ở thành thị cao hơn nông thôn. “Địa điểm” xảy ra quan hệ có thể là ở nhà hoặc bất kỳ chỗ vắng vẻ nào đó, trong khi khả năng kiềm chế của các bạn trẻ chưa có, thông tin, hình ảnh trên mạng lại nhiều và kích thích trí tò mò của các em.
“Có trẻ học THCS kể cháu chỉ học một buổi, một buổi ở nhà trong khi bố mẹ đi vắng và bạn tới chơi, khi ấy “nhu cầu” xảy ra, bao cao su hay thuốc tránh thai không có, đi mua thì xấu hổ, các cháu lại nghĩ là chỉ một lần thì… chưa sao. Trong khi một lần hoàn toàn có thể có sao” – bà Hương chia sẻ.
Qua khảo sát, bà Hương cũng cho biết trẻ chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, các bạn trẻ khá cởi mở với chuyện yêu đương và quan hệ tình dục, nhưng lại chưa đủ kiến thức nên dễ để lại hậu quả.
Làm sao ngăn chặn?
Bác sĩ Nhi cho rằng với sự tiếp cận công nghệ như ngày nay, việc quan hệ tình dục hầu như các trẻ vị thành niên đều biết. Tuy nhiên vấn đề có lo sợ hay không lại tùy mỗi trẻ, có người “cứ bơ bơ, không hề biết sợ”. Và việc trẻ có thai quá sớm sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả mẹ và con, cho gia đình và xã hội.
“Ngoài tự gây nguy hiểm cho mình như rong huyết, xương chậu còn quá nhỏ không thể đẻ, khi các em quá trẻ mang thai sẽ bị sang chấn tâm lý, không có kinh nghiệm và khi sinh con ra không biết nuôi con bằng cách nào”, bác sĩ Nhi nói.
Làm sao để ngăn ngừa? Theo bác sĩ Nhi, ngày nay với công nghệ nghe nhìn hiện đại không thể cấm đoán chuyện quan hệ tình dục. Mà nếu cấm cũng không thể ngăn cản được sự tò mò của tuổi mới lớn. Do đó để hạn chế tình trạng này cần phải có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường trong việc hướng dẫn trẻ vị thành niên có các biện pháp phòng ngừa an toàn nếu quan hệ tình dục.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường – tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM – khẳng định từ trước đến nay VN luôn là nước có tỉ lệ phá thai nhiều nhất. Đồng tình với ý kiến đưa giáo dục giới tính vào trường học, bác sĩ Tường phân tích rằng ở nước ngoài việc giáo dục giới tính trong trường học được làm rất tốt. Ở VN tuy có làm nhưng chưa đạt được hiệu quả.
“Cần phải tăng liều lượng, tăng hiệu quả, tăng sự thu hút lôi cuốn giới trẻ và giảm hình thức, phong trào…” – bác sĩ Tường chia sẻ.
10% nữ giới 15-24 tuổi ít nhất 1 lần lỡ mang thai
Ngày 26-1, PSI Việt Nam (Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế) cho hay Việt Nam đang có 22 triệu người trong độ tuổi 10-24, chiếm gần 1/4 dân số. So với thế hệ trước, có xu hướng nhóm nữ trẻ, chưa kết hôn có quan hệ tình dục ở lứa tuổi sớm hơn.
Báo cáo cũng ước tính 10% nữ nhóm tuổi 15-24, chưa kết hôn, từng ít nhất 1 lần mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng này dẫn đến những hậu quả tiêu cực như phá thai, bỏ học sớm, bị gia đình xa lánh, nghèo đói…
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tổng tỉ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42; với khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời mình, trong đó tỉ lệ ở thành thị là 19,6% và ở nông thôn là 16,5%.
Riêng nữ vị thành niên, thanh niên (từ 15 – 24 tuổi), nhu cầu tránh thai bằng biện pháp hiện đại ở lứa tuổi này chưa được đáp ứng là 29,6%. Trong đó, ở nhóm nữ vị thành niên, thanh niên dân tộc Kinh là 34,3%, cao gấp 2 lần nhóm dân tộc thiểu số (18,5%); ở nhóm nữ vị thành niên, thanh niên chưa từng kết hôn là 48,4%, cao gấp 2 lần nhóm đã từng kết hôn (24,3%).
Về lâu dài, để giảm tỉ lệ nữ vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách đổi mới toàn diện nội dung chương trình giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi; chẳng hạn các kiến thức về cấu tạo, cơ chế hoạt động các cơ quan sinh sản ở người, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai ngoài ý muốn, vô sinh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
XUÂN MAI
Các em không biết mình có thai
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, trong năm 2020 có 432 sản phụ dưới 19 tuổi đến từ Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực sinh con tại bệnh viện (trong đó phần lớn mang thai ngoài ý muốn). Đây vẫn là con số đáng báo động trong vấn đề cung cấp kiến thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng thanh thiếu niên.
Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm – trưởng khoa sanh, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ – chia sẻ: “Ở bệnh viện tôi đã gặp, đỡ sinh cho trẻ vị thành niên, có cháu còn sinh đến hai lần ngoài ý muốn”.
Theo tìm hiểu của các bác sĩ sản khoa, có nhiều bạn nữ vị thành niên mang thai đã trả lời rằng không hề biết mình có thai khi bụng chưa to lên bất thường. Chỉ khi có các dấu hiệu rầm rộ gợi ý mang thai như tăng cân, buồn nôn, thèm ăn bất thường… thì hầu hết các bạn không dám đến các cơ sở y tế để khám mà thường chỉ ra nhà thuốc mua que thử thai nhanh vì sợ người khác biết. Nếu kết quả là dương tính, các bạn thường dễ bị khủng hoảng dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực như phá thai hay tự tử.
Hệ lụy là tai biến và biến chứng của nạo hút thai rất nhiều. Ngoài những biến chứng có thể phát hiện xử lý ngay thì còn các biến chứng âm thầm nhưng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của trẻ em gái vị thành niên như hở eo tử cung, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng – BS Liêm cảnh báo.
Sau sinh, tâm lý của các sản phụ vị thành niên cũng trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang, trầm cảm (hứng trầm cảm sau sinh dao động từ 7-37%). Tâm hồn non nớt của tuổi trẻ chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ dễ làm các em trở nên vô tâm, hời hợt với trách nhiệm của mình với con, các em hầu như không quen với việc phải thức khuya dậy sớm để cho con bú, dỗ dành con mỗi khi con quấy khóc… làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của mẹ, sức khỏe của con. Đặc biệt sau sinh, phần lớn các em khó có thể tiếp cận lại với công việc học tập trước đó. Dẫn đến việc thiếu kiến thức trong giáo dục con, không tìm kiếm được công việc phù hợp, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai cả mẹ và bé.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm nhấn mạnh: Làm sao để cung cấp kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản đến với tất cả các em vị thành niên, thanh thiếu niên để các em chuẩn bị sẵn sàng là điều hết sức cấp thiết. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường trong việc giúp các em đi đúng hướng, không né tránh khi nhắc đến vấn đề giáo dục giới tính ngay từ khi các em còn nhỏ.
THÁI LŨY