Năm căng thẳng của Trung Đông

Năm căng thẳng của Trung Đông

Báo đài Mỹ và Trung Đông vừa đưa tin hai tàu ngầm cách đây vài tuần đã xuất phát từ các cảng khác nhau, hướng đến đích chung là Iran.
Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner (thứ hai từ phải qua) đến Ma Rốc sau khi Israel và Ma Rốc đạt được bình thường hóa quan hệ /// ảnh: Reuters
Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner (thứ hai từ phải qua) đến Ma Rốc sau khi Israel và Ma Rốc đạt được bình thường hóa quan hệ   ẢNH: REUTERS
Một là tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ là USS Georgia, trung bình mang theo khoảng 100 quả tên lửa hành trình Tomahawk, và được bộ đôi tuần dương hạm USS Port Royal cùng USS Philippine Sea hộ tống, theo trang The Drive. Chiếc còn lại là tàu ngầm diesel lớp Dolphin của Israel, chuyên thu thập thông tin tình báo và được trang bị năng lực tên lửa hành trình hạt nhân, đã đi qua kênh đào Suez cách đây 3 tuần. Trang tin Saudi Arabian Elaph dẫn lời phát ngôn viên Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Hidai Zilberman cho hay động thái trên đã nhận được sự đồng ý của Ai Cập.
Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, chuyển động của hai tàu ngầm trên là một phần của kế hoạch chung của Mỹ và Israel nhằm “gửi thông điệp răn đe” cho Iran. Căng thẳng Mỹ – Iran dâng cao sau khi thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Iran là lữ đoàn đặc nhiệm al-Quds, bị Mỹ giết chết vào vào ngày 3.1.2020 bên ngoài sân bay quốc tế Baghdad (Iraq).
Kể từ đó, 2 bên liên tục căng thẳng. Ngày 8.1.2020, Iran phóng hàng chục tên lửa về phía căn cứ Ain al-Asad, nơi lực lượng Mỹ và phương Tây đang đóng quân ở Iraq. Trong khi giới chức Iran khẳng định đã “tiêu diệt” được ít nhất 80 lính Mỹ, Washington bác bỏ số liệu tử vong. Cùng ngày 8.1.2020, một chiếc Boeing 737 của Ukraine International Airlines đã rơi gần Tehran, khiến toàn bộ 167 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Sau đó, quân đội Iran lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay vì “sơ suất bắn nhầm” trong lúc phóng tên lửa tấn công căn cứ ở Iraq.
Năm 2020 cũng chứng kiến chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục siết chặt vòng vây cấm vận đối với Iran, với các lệnh cấm vận mới nhất nhằm vào tổ chức Bonyad Mostazafan do Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đứng đầu. Tình hình khu vực càng căng thẳng hơn sau vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, 63 tuổi, bị ám sát ngày 27.11.2020. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lúc đó cáo buộc Israel “nhiều khả năng đóng vai trò” trong vụ ám sát, và quốc hội nước này cũng nhanh chóng thực thi các biện pháp đáp trả trước cái chết của nhà khoa học.
Trong bối cảnh như vậy, năm 2020 cũng chứng kiến 4 quốc gia Ả Rập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, bao gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Sudan, Ma Rốc và Bahrain. Đây là kết quả đến từ nỗ lực trung gian của Mỹ, với mục tiêu thành lập mặt trận thống nhất đối phó Iran tại khu vực. Giới quan sát tiếp tục theo dõi diễn biến đến từ sự “ấm lên” trong quan hệ này và tác động có thể đối với an ninh khu vực trong năm 2021. Đây có lẽ là điểm sáng trong bối cảnh ảm đạm của khu vực.
THUỴ MIÊN
TNO