Dạy văn hoá trong trường nghề như thế nào?

Dạy văn hoá trong trường nghề như thế nào?

Luật giáo dục 2019 khẳng định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy các môn văn hoá. Tuy nhiên, nếu không đổi mới, hoạt động này lại rơi vào vết xe đổ và việc phân luồng học sinh sau THCS sẽ gặp thách thức.

 

 

Dạy văn hóa trong trường nghề như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh hệ 9+ Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương TP.HCM trong giờ học văn hóa – Ảnh: NHƯ HÙNG

Các môn văn hóa theo cách hiểu chung gồm các môn học: toán, văn, vật lý, hóa học, sinh vật, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ được dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ trung cấp.

Không phù hợp

Từ nhiều năm qua, chương trình dạy các môn học nói trên được Bộ GD-ĐT thiết kế gọi là chương trình khung giáo dục trung cấp chuyên nghiệp theo thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT (TT16), được dạy ở hầu hết các cơ sở GDNN.

Tuy nhiên, chương trình này có hạn chế là được thiết kế theo hướng cho người học hướng đến học đại học trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông được rút gọn, nên không phù hợp cho học sinh theo học các trường nghề.

Các môn văn hóa chia theo ba nhóm mà không gắn với các môn học chuyên môn theo các nghề khác nhau. Học sinh học nghề hàn cũng học các môn văn hóa tương tự như nghề xây dựng hay kế toán là hoàn toàn không hợp lý, do mỗi nghề đòi hỏi các môn học này phải khác nhau về nội dung và thời lượng.

Một số kỹ năng cần cho việc làm lại không được dạy như: khả năng việc làm, kỹ năng về quản lý và khởi nghiệp, an toàn và vệ sinh, kiến thức chung về công nghệ.

Do phần lớn các em tốt nghiệp THCS năng lực học tập hạn chế, nay phải học những vấn đề mang tính lý thuyết (thiếu ứng dụng) gây tâm lý chán nản, không học được và bỏ học. Có trường học sinh bỏ học đến 40% do chán học vì bản thân các học sinh này đã có học lực khá yếu, không vào học được ở các trường THPT.

Việc tổ chức trình tự thực hiện chương trình cũng là một hạn chế khi thực hiện chương trình. Lẽ ra dạy một số kỹ năng nghề trước (mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết) sẽ tạo hứng thú hơn đối với các học sinh học nghề vì các em nhìn rõ hơn sản phẩm của chính mình làm ra trong quá trình học.

Tích hợp

Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, các cơ sở GDNN trung học đều thiết kế chương trình mang tính tích hợp giữa các môn văn hóa với các môn kỹ năng nghề nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, giảm sự nhàm chán do học nặng lý thuyết nếu dạy tách riêng.

Phần Lan – quốc gia đứng hàng đầu về GDNN theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – yêu cầu chương trình đào tạo phải giúp học sinh có khả năng học tập suốt đời, có năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác, đạo đức nghề nghiệp, có sức khỏe, an toàn và khả năng làm việc mà không tách thành các môn học văn hóa một cách riêng biệt độc lập.

Một số chương trình dành cho các trường trung học kỹ thuật và trung học nghề ở các bang của Mỹ cũng có các chuẩn đầu ra đối với các môn học khoa học ứng dụng gắn với mỗi nhóm nghề. Xu hướng thiết kế và thực hiện chương trình tích hợp giữa các môn khoa học ứng dụng và kỹ năng nghề trở nên phổ biến ở các mô hình đào tạo nghề dựa trên nhà trường.

Cách tiếp cận xây dựng chương trình tích hợp gắn với nghề hoặc nhóm nghề mang nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian, tạo hứng thú cho người học do phù hợp với năng lực học sinh và hợp logic đào tạo nghề, gắn với cuộc sống nghề nghiệp hơn nên có thể coi là bước đổi mới căn bản trong GDNN.

Nhưng cách làm này gặp phải thách thức rất lớn. Đó là khó được chấp nhận kiến thức và kỹ năng trong chương trình tích hợp đạt trình độ văn hóa THPT theo quy định của Luật giáo dục và Luật GDNN.

Thêm nữa, chúng ta thiếu một đội ngũ chuyên gia thiết kế chương trình tích hợp cho nhóm nghề, đặc biệt là thiếu hẳn một đội ngũ giáo viên có thể dạy tích hợp giữa các môn khoa học ứng dụng tích hợp cho mỗi nhóm nghề khác nhau.

Cần sự hợp tác của 2 bộ

Để xây dựng chương trình tích hợp rất cần sự hợp tác của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để hình thành các nhóm chuyên gia xây dựng chương trình văn hóa cùng ngồi làm việc với các giáo viên dạy kỹ năng nghề. Nếu chỉ có giáo viên các môn văn hóa thuộc Bộ GD-ĐT thì khi thiết kế sẽ không hiểu nội dung nào cần thiết, thời lượng bao nhiêu để phù hợp với nhóm nghề đào tạo nào.

Ngược lại, giáo viên dạy kỹ năng nghề cũng hạn chế về thiết kế nội dung các môn văn hóa. Đồng thời có thể tham khảo các chương trình đào tạo nghề của châu Âu và một số bang của Mỹ để làm theo với những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp bối cảnh Việt Nam.

Xây dựng đội ngũ giáo viên

Bộ LĐ-TB&XH, nếu muốn đổi mới căn bản đào tạo nghề và thực tâm muốn làm phân luồng hiệu quả, phải xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy tích hợp các môn khoa học ứng dụng với kỹ năng nghề mà những người tốt nghiệp đại học sư phạm khó đảm đương được nếu không được bồi dưỡng.

Đây là bài toán đòi hỏi nỗ lực rất lớn, khi đó các cơ sở GDNN có thể dạy các môn văn hóa (hoặc khoa học ứng dụng) hiệu quả, gắn với chuẩn đầu ra trong khung trình độ Việt Nam mà không phải là chương trình dạy văn hóa THPT cắt xén như hiện nay.

TS HOÀNG NGỌC VINH
TTO