Học nghề đâu chỉ để làm thợ

Học nghề đâu chỉ để làm thợ

Trong hai ngày 23 và 24-11, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức.

 

Học nghề đâu chỉ để làm thợ - Ảnh 1.

Sinh viên học nghề tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ngày hội mang theo thông điệp: khi đã nắm vững nghề, học sinh, sinh viên trường nghề hoàn toàn có khả năng khởi nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Minh Huyền – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp) – cho biết hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực về khả năng khởi nghiệp của các bạn trẻ theo học nghề.

Vượt qua định kiến

* Lần đầu tiên được tổ chức, ngày hội năm nay có những điểm nhấn đặc biệt gì, thưa bà?

– Cả nước hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm trên 2 triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp góp phần phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn mới, khởi nghiệp rất cần thiết để tạo việc làm ổn định, bền vững và có những bước đột phá cho nền kinh tế.

Chính vì thế, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức, diễn ra trong hai ngày 23 và 24-11 tại Trung tâm văn hóa Hòa Bình (Q.10, TP.HCM).

Ngày hội có 5 hoạt động chính như triển lãm các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước, chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 (Startup Kite) với 37 đội thi từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí, công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa.

Hội thảo “Kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0” diễn ra sáng 24-11 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp. Nhiều báo cáo, tham luận về nhu cầu nhân lực, định hướng đào tạo sẽ được các diễn giả chia sẻ.

* Vẫn còn nhiều định kiến về sinh viên giáo dục nghề nghiệp, cho rằng họ chỉ chọn trường nghề khi không đậu đại học. Như thế, sinh viên trường nghề khởi nghiệp có phải là điều quá sức không?

– Nhiều người vẫn nghĩ khởi nghiệp chỉ dành cho những sinh viên đại học hoặc những bậc cao hơn, nhưng thực tế sinh viên giáo dục nghề nghiệp có rất nhiều thuận lợi để khởi nghiệp. Điều quan trọng nhất, các bạn đang nắm chắc một cái nghề trong tay, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc làm kinh tế.

Chẳng hạn, các bạn học nghề nấu ăn, nghề du lịch rất dễ khởi nghiệp, từ những mô hình sáng tạo nhỏ như xe bán hàng, một thương hiệu món ăn mới… Các bạn học cơ khí hoàn toàn có thể tạo các sản phẩm hiện đại mới như những máy in 3D, với giá thành rẻ hơn thị trường hiện nay.

Chúng tôi nhận thấy sinh viên giáo dục nghề nghiệp rất quan tâm đến khởi nghiệp. Điển hình với cuộc thi Startup Kite đã thu hút gần 1.400 ý tưởng sau 5 tháng phát động, dù lần đầu tổ chức và phát động trong thời gian chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19. 37 dự án tiềm năng từ 28 trường cao đẳng cả nước đã bước vào vòng chung kết, được ban giám khảo là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đánh giá cao.

Từ ngày hội này, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng các doanh nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước sẽ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, nhiều sinh viên sẽ thành công từ phong trào, tạo động lực cho các bạn trẻ khác.

Bà Trần Minh Huyền

Nhiều mô hình hiệu quả

* Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã và đang có những hỗ trợ gì cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên?

– Chúng tôi nhận thấy không ít cơ sở đào tạo nghề chủ động đổi mới, tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian cho giáo viên, học sinh, sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp. Một số sản phẩm sáng tạo do nhà trường sản xuất bán tại thị trường Huế.

Hay Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh phối hợp với các doanh nghiệp để được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản, trên cơ sở đó hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp. Môi trường này giúp các giáo viên và học sinh, sinh viên cọ xát với những công nghệ mới, cũng như có thêm các kiến thức hữu ích, mạnh dạn biến ý tưởng thành hiện thực. Mỗi năm, nhà trường đều tuyên truyền để học sinh, sinh viên có tiềm năng tham gia và phát huy sở trường của mình.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành những chương trình hành động chi tiết, gửi đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có biện pháp như tuyên truyền, tổ chức hỗ trợ tài liệu, xây dựng không gian khởi nghiệp, hỗ trợ vốn cho học sinh, sinh viên. Sự hưởng ứng sâu rộng tạo hiệu ứng lan tỏa sâu trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng là nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã ký kết hợp tác với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề khởi nghiệp.

Nhiều hoạt động

Các hoạt động trong ngày hội được diễn ra gần như liên tục trong hai ngày 23 và 24-11 tại Trung tâm văn hóa Hòa Bình (Q.10, TP.HCM), với nhiều hoạt động như trưng bày, triển lãm gian hàng của các trường cao đẳng, trung cấp; các học sinh, sinh viên có dự án khởi nghiệp. Chung kết cuộc thi Startup Kite sẽ được diễn ra trong hai ngày với 37 dự án tiềm năng của sinh viên các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Đáng chú ý, buổi lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 sẽ diễn ra tối 23-11. Vào sáng 24-11, hội thảo kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều lãnh đạo từ các sở, ban, ngành, các trường đại học và nhiều doanh nghiệp hàng đầu. Chiều cùng ngày là buổi lễ trao giải cuộc thi Startup Kite và bế mạc ngày hội.

TRỌNG NHÂN thực hiện
TTO