29/12/2024

Vắc xin COVID-19 quảng cáo ồ ạt, có tạo được miễn dịch cộng đồng?

Vắc xin COVID-19 quảng cáo ồ ạt, có tạo được miễn dịch cộng đồng?

Các chuyên gia nói còn quá sớm để kỳ vọng những loại vắc xin COVID-19 đầu tiên sắp ra mắt sẽ chặn đứng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tại sao vậy?

 

Vắc xin COVID-19 quảng cáo ồ ạt, có tạo được miễn dịch cộng đồng? - Ảnh 1.

Một ga tàu điện ở Tokyo ngày 19-11 – Ảnh: AFP

Nhiều chính phủ trên thế giới hiện đang hi vọng vắc xin COVID-19 có thể mang lại “miễn dịch cộng đồng” khi khoảng 2/3 dân số được chủng ngừa, qua đó chặn đứng đại dịch. Nhưng thực tế không đơn giản như thế.

Theo Reuters, các chuyên gia giải thích có hàng loạt yếu tố quyết định khả năng tạo miễn dịch cộng đồng của vắc xin COVID-19, trong đó nhiều thứ khoa học chưa hiểu tường tận.

Ví dụ, tỉ lệ lây lan của virus SARS-CoV-2 là bao nhiêu? Những loại vắc xin sắp triển khai có ngăn virus lây lan không hay chỉ giúp ngăn bệnh không phát triển? Có bao nhiêu phần trăm dân số chịu chủng ngừa? Vắc xin có hiệu quả bảo vệ giống nhau ở tất cả mọi người?

“Miễn dịch cộng đồng đôi khi bị hiểu nhầm thành bảo vệ cá nhân. Đừng nghĩ rằng ‘tôi không thể bị nhiễm vì có miễn dịch cộng đồng’. Miễn dịch cộng đồng mang nghĩa rộng về dân số, không phải mỗi cá nhân được bảo vệ ra sao”, Josep Jansa – chuyên gia y tế của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), giải thích.

Mô hình của ECDC lấy mốc 67% dân số để xác định miễn dịch cộng đồng, tương đương với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chỉ cần 60-70% dân số có miễn dịch, bất kể là nhờ vắc xin hay nhiễm tự nhiên, là có thể dỡ bỏ lệnh giãn cách ở nước này.

“Mục đích của miễn dịch cộng đồng là để bảo vệ người dễ tổn thương. Trên lý thuyết, nếu 98% dân số đã được chủng ngừa, số virus còn trong cộng đồng rất ít nên 2% còn lại sẽ được bảo vệ. Đó mới là ý chính”, bà Eleanor Riley – giáo sư Đại học Edinburgh, lý giải.

Chỉ số lây nhiễm rất quan trọng

Chỉ số lây nhiễm (R) là thước đo trung bình một người nhiễm virus có thể lây cho bao nhiêu người bình thường.

Nếu vắc xin có hiệu quả 100%, ngưỡng miễn dịch cộng đồng được tính bằng cách lấy {(1/R) – 1} x 100.

Ví dụ, virus bệnh sởi có R là 12 hoặc hơn, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi 92% dân số trở lên có miễn dịch. Với cúm mùa R khoảng 1.3 thì ngưỡng chỉ cần 23%.

“Vấn đề là bây giờ chúng ta không biết chính xác virus SARS-CoV-2 lây nhanh cỡ nào trong điều kiện không có bất cứ biện pháp đề phòng nào, khi các hoạt động xã hội, đi lại bình thường như cách đây một năm”, giáo sư Winfried Pickl – Đại học Y Vienna, cho biết.

Theo vị chuyên gia, chỉ số R của COVID-19 có thể gần bằng 4 chứ không phải 2 như hiện nay, nếu trừ đi các biện pháp giãn cách, phong tỏa.

Thêm vào đó, những loại vắc xin mới công bố, ví dụ của Pfizer-BioNTech của Moderna, hiệu quả chưa đến 100%, vậy tỉ lệ chủng ngừa phải tăng theo mới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Học giả Amesh Adalja, Trung tâm John Hopkins, ước tính Mỹ sẽ cần chủng ngừa hơn 70% dân số, nhưng con số có thể tăng thêm nếu vắc xin không hiệu quả như quảng cáo.

Rất khó chặn hoàn toàn virus corona lây lan

Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác là trong nhiều loại vắc xin đã và sắp công bố, loại vắc xin được quốc gia X chọn có khả năng chặn sự lây lan của virus không?

Dữ liệu của các loại vắc xin COVID-19 đầu tiên đến nay chỉ cho thấy khả năng ngăn bệnh phát triển ở những người tình nguyện, chưa thể loại trừ khả năng họ vẫn nhiễm virus và âm thầm lây cho người khác.

“Bảo vệ khỏi bệnh tuy có giá trị với một cá nhân nhưng sẽ không ngăn virus lan truyền, gây nguy cơ ở những người chưa chủng ngừa”, giáo sư Penny Ward của Trường King’s College London nêu vấn đề.

Còn theo giáo sư Bodo Plachter, Đại học Mainz (Đức), thông thường các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất khó chặn đứng hoàn toàn nhờ vắc xin, mặc dù chủng ngừa sẽ giúp giảm bớt lượng virus lưu hành trong cộng đồng.

“Người đã chủng ngừa có thể thải ra ít virus hơn, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng chỉ mỗi vắc xin có thể chặn đứng một đại dịch”, ông Plachter giải thích.

Vì những lý do trên, giáo sư Riley, ĐH Edinburg cho rằng theo đuổi ý tưởng miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin COVID-19 hiện nay là không khả thi, cách tốt nhất là dùng lượng vắc xin ít ỏi ban đầu để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất.

“Hãy quên số đông đi, hãy bảo vệ trực tiếp những người cần nhất”, bà nêu quan điểm.

PHÚC LONG
TTO